Trăn trở Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh

Từ Khôi 28/09/2021 06:50

Ngoài nguồn vốn do Nhà nước đặt hàng, quỹ điện ảnh là một nguồn vốn mà nhiều hãng phim, nhiều nghệ sĩ trong nước mong muốn có được để làm phim. Thế nhưng, từ 2006 đến nay, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh vẫn chỉ là một danh từ trên luật và trên dự thảo sửa đổi.

Những năm 80 của thế kỷ XX, ngành điện ảnh được bao cấp. Mỗi năm, mỗi hãng phim sản xuất vài ba phim truyện nhựa. Sau khi đất nước vào giai đoạn đổi mới, ngành điện ảnh bắt đầu có những khái niệm “thị trường điện ảnh” bên cạnh cụm từ “phục vụ công tác tuyên truyền”. Lúc đó, nhiều nghệ sĩ không nghĩ tới việc lỗ lãi của từng bộ phim.

Để làm ra một bộ phim, trước hết cần có nguồn vốn, sau đó là hãng phim sản xuất, và phát hành. Tất cả đều cần sự chuyên nghiệp theo một quy trình của nó. Thế nhưng, mô hình tổ chức trước đây đã cắt khúc các công đoạn cho các cơ quan riêng biệt. Nếu phối hợp không tốt, bộ phim sẽ có những thiệt thòi khi ra rạp. Nhưng cũng may là thời điểm đó, chưa có sự cạnh tranh của phim ngoại nhập và các chủ rạp phim nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Ngừng bao cấp, trong khi chưa có cơ chế hoàn thiện để các hãng phim Nhà nước “sống” được nên Nhà nước phải điều chỉnh một bước chuyển nguồn vốn ngân sách thành đặt hàng. Các hãng phim Nhà nước được chuyển đổi thành mô hình Công ty TNHH Một thành viên. Tuy nhiên, chừng đó thôi chưa đủ, vẫn chỉ là cái vỏ hình thức. Thực tế, nếu không được “bơm vốn”, hãng phim Nhà nước không thể sản xuất được phim có chi phí lớn.

Từ Công ty TNHH Một thành viên, ba hãng phim truyện lớn của Nhà nước được cổ phần hóa. Thế nhưng đến nay, các hãng phim này vẫn hoạt động èo uột. Thậm chí “đóng băng” và cổ đông chính sẽ phải thoái vốn theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.

Một cảnh trong phim “Truyền thuyết về Quán Tiên”.

Trước những biến chuyển đó, ý tưởng về Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh đã hình thành và có những biến chuyển đi vào Luật Điện ảnh từ năm 2006.

Ban đầu, theo Điều 6, Luật Điện ảnh 2006, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh được thành lập để sử dụng cho các hoạt động sau: “a) Thưởng cho phim có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao; b) Hỗ trợ sản xuất phim thể nghiệm nghệ thuật, phim đầu tay được tuyển chọn để đưa vào sản xuất; c) Hỗ trợ cho các hoạt động khác để phát triển điện ảnh...”. Như vậy, có thể thấy ở thời điểm này, Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh chủ yếu tập trung cho việc vinh danh nghệ sĩ, tạo điều kiện cho nghệ sĩ trẻ làm phim đầu tay. Chứ chưa thực sự chú trọng đến đầu tư cho nghệ sĩ thành danh, hay hãng phim làm những bộ phim chất lượng...

Tại lần dự thảo 1 ngày 3/12/2020, đã có tới 4 điều đề cập đến Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh. Tuy vậy, các điều mới chỉ là đề cương chứ chưa cụ thể.

Tại dự thảo lần thứ ngày 4/1/2021, tuy các nhà soạn luật chỉ đưa vào 3 điều nhưng đã cụ thể các quy định. Việc thành lập quỹ do “Thủ tướng Chính phủ thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động”. Nguồn vốn của quỹ được hình thành từ: “Vốn điều lệ do ngân sách nhà nước cấp; Nguồn thu từ phát hành và phổ biến những phim được sản xuất có sử dụng ngân sách nhà nước, sau khi đã trừ chi phí phát hành và các chi phí khác theo quy định hiện hành; Nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; Các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật”. Mục đích của quỹ nhằm: Xúc tiến hoạt động quảng bá điện ảnh Việt Nam ra nước ngoài; Hỗ trợ cho các dự án sản xuất phim thể nghiệm, phim đầu tay, phim của các tác giả trẻ; Hỗ trợ cho các dự án sản xuất phim tiếp theo của nhà sản xuất, đạo diễn có phim đạt giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, có hiệu quả xã hội; Hỗ trợ hoạt động quảng bá, phát hành và phổ biến phim Việt Nam ở trong và ngoài nước; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển tài năng trẻ và nguồn nhân lực điện ảnh.

Tại dự thảo lần 3 ngày 13/9/2021, các điều vẫn được giữ như lần 2, tuy nhiên ngôn ngữ pháp luật chặt chẽ hơn. Mục đích của quỹ được bổ sung thêm để hỗ trợ các liên hoan phim, hội chợ phim, nghiên cứu khoa học…

Nói về việc xây dựng và phát triển quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, đạo diễn NSƯT Bùi Trung Hải cho rằng: Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh của chúng ta nên học hỏi cách điều hành cũng như huy động nguồn kinh phí của Quỹ Sáng tạo (Creation Grant- Singapore), Quỹ Truyền thông quốc gia Thái Lan (Thai Media Fund- Thái Lan), Quỹ Phát triển Phim nghệ thuật và Truyền thông đa phương tiện - FINAS (Malaysia)... Hay chúng ta có thể học hỏi từ Quỹ Hỗ trợ Điện ảnh của Pháp thành lập từ năm 1957. Quỹ do Trung tâm Điện ảnh quốc gia Pháp quản lý, lấy nguồn kinh phí trực tiếp từ giá vé phim chiếu rạp, phim phát hành trực tuyến, trên truyền hình... để rồi đầu tư ngược trở lại cho điện ảnh Pháp. Do có nguồn kinh phí lớn hàng năm, quỹ hỗ trợ hàng trăm triệu USD, thúc đẩy điện ảnh Pháp phát triển và đem về doanh thu khoảng 6 tỷ USD.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, nguyên Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng: Nên quy định quỹ do Thủ tướng thành lập và giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Nguồn thu của quỹ ngoài ngân sách nên có quy định thu từ nguồn thuế của các công ty phát hành phim nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Tại sao họ có doanh thu khủng khai thác trên thị trường của ta mà lại được ưu đãi hơn doanh nghiệp trong nước? Để huy động quỹ, nên chăng học tập kinh nghiệm từ nước Anh, mỗi năm Nhà nước tổ chức một kỳ sổ số nhằm gây quỹ…

Vài ba năm trở lại đây, số lượng phim chủ yếu do các hãng phim tư nhân sản xuất, chứ không phải các phim do các hãng phim được cổ phần hóa. Vậy thì khi Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh được thành lập, nếu các hãng phim đều gửi hồ sơ xin xét duyệt thì có nên tổ chức đấu thầu? Hay lại phân bổ nhỏ giọt “cơ cấu”, hay tập trung cho những dự án mà hội đồng xét cho là khả thi? Những vấn đề đó nên được tính đến khi xây dựng điều lệ hoạt động của quỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trăn trở Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh