Trang phục nam người Mông

T.Linh 04/03/2021 10:00

Không rực rỡ sắc màu và nổi bật như trang phục phụ nữ, trang phục của nam giới người Mông đơn giản hơn. Với màu đen chủ đạo, cùng những đường cắt cúp độc đáo, bộ trang phục đã góp phần tôn lên vóc dáng khỏe khoắn của nam giới người Mông.

Người Mông Xanh trong trang phục truyền thống.

Người Mông luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc mình, cho nên, trang phục nam giới hầu hết đều do người phụ nữ Mông làm ra. Để làm được một bộ trang phục truyền thống nam người Mông phải trải qua rất nhiều các công đoạn, từ trồng lanh dệt vải, may áo...

Trang phục nam của các nhóm người Mông hầu như giống nhau, đều có áo, thắt lưng, quần. Áo được may theo kiểu xẻ ngực, cổ tròn đứng; áo không có cầu vai, được xẻ tà hai bên hông, có túi ở hai bên tà áo; áo có hàng cúc vải ở phía trước. Màu sắc chủ đạo của áo nam là màu đen. Trong đó, áo của đàn ông Mông Trắng có khuy áo đơm theo nẹp tà trước ngực, cổ áo đứng, có viền những đường chỉ trắng hình ô quả trám. Áo nam giới Mông Đen, hai vạt trước may trung gian giữa 2 kiểu xẻ nách và xẻ ngực. Tuy 2 vạt trước nhưng cài khuy áo hơi lệch sang phía ngực phải, gần cửa tay cũng đáp thêm một đoạn vải màu thêu hoa văn trang trí. Áo nam giới Mông Xanh hầu như không có trang trí gì đáng kể, trừ một đường viền nhỏ ở cửa tay.

Quần thường được may bằng vải lanh màu chàm theo kiểu chân què, cạp rộng, đũng thấp rộng. Khi mặc, cạp được quấn lại cho vừa với vòng bụng, phần thừa được giắt sang một bên rồi dùng dây lưng thắt lại. Điều đặc biệt ở quần nam là cách khâu ghép ống đũng vào nhau rất kỹ thuật.

Người Mông không có loại quần riêng cho các dịp đặc biệt mà quần mặc thường ngày cũng là quần mặc trong lễ hội, đám cưới, đám tang…, nhưng khi diện thì mặc quần mới. Quần ống rộng thuận tiện cho sinh hoạt, đi lại ở vùng núi cao, đường ghềnh, dốc, nên hiện nay, loại quần này vẫn được sử dụng phổ biến.

Nam giới người Mông đi giày vải, đội mũ nồi. Chiếc mũ nồi là một bộ phận không thể thiếu trong bộ trang phục nam truyền thống của người Mông. Chiếc mũ nồi tạo cho đàn ông người Mông có một sắc thái riêng, không lẫn vào dân tộc khác. Ngoài tính thẩm mỹ thì mũ nồi rất phù hợp với điều kiện trời rét của vùng cao nơi người Mông sinh sống như Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang... Mũ nồi rất gọn nhẹ, linh hoạt khi vui chơi, di chuyển và lao động sản xuất. Khi đội mũ nồi, người ta thường đội hơi lệch về một bên, tôn vẻ phong cách của người đàn ông. Những lúc thổi khèn, chơi quay, phi ngựa, chiếc mũ nồi vẫn bám chắc trên đầu mà không bị rơi ra, vì nó được thiết kế và đội đúng kỹ thuật.

Theo một số người cao tuổi dân tộc Mông tại huyện Na Hang (Tuyên Quang) cho biết, cũng giống cây khèn, trang phục truyền thống là biểu tượng đầy kiêu hãnh của đàn ông người Mông. Trong những ngày lễ lớn của địa phương, con trai người Mông mặc trang phục truyền thống cùng với chiếc khèn. Họ biểu diễn điệu múa khèn với từng bước nhảy điêu luyện. Những động tác mạnh mẽ, uyển chuyển như hội tụ tinh hoa của cuộc sống lao động, sự hòa đồng của con người với thiên nhiên được thể hiện vô cùng tinh tế.

Có thể nói, trang phục truyền thống của người Mông nói chung và trang phục của đàn ông người Mông nói riêng là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc này. Bởi thế, dù trải qua thời gian, nhiều loại quần áo mới, vải vóc các loại xuất hiện, bộ trang phục truyền thống của dân tộc Mông vẫn luôn được đồng bào dân tộc duy trì, gìn giữ, tạo nên nét văn hóa riêng đặc sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trang phục nam người Mông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO