Khi các cuộc thi âm nhạc ngày một nở rộ, đặc biệt ở thể loại Bolero, như một lẽ tất yếu, các ca khúc nổi tiếng được nhiều thí sinh lựa chọn, làm mới. Tuy nhiên, xung quanh việc làm mới lại là những tranh cãi trong giới chuyên môn...
Việc làm mới Bolero đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Băn khoăn cách làm mới
Khán giả luôn chờ đợi và đòi hỏi mỗi nghệ sĩ phải biết tự làm mới mình còn nghệ sĩ thì tìm tòi để thể hiện nhu cầu đó. Một câu hỏi luôn luôn được đặt ra là làm mới như thế nào và đâu là giới hạn đối với mỗi ca khúc.
Mới đây, tại vòng quyết đấu của Thần tượng Bolero 2017, thí sinh Chu Hoàng Tuấn (đội HLV Đàm Vĩnh Hưng) quyết định chọn ca khúc “Thành phố buồn” và thể hiện theo phong cách hip-hop. Ngoài việc chọn bản phối mới, ca khúc còn được biểu diễn cùng với phần phụ họa beat-box khiến Thành phố buồn dường như bị thay đổi hoàn toàn. Ngay sau khi được đăng tải trên YouTube đã có khá nhiều luồng ý kiến trái chiều, trong đó có những lời chê: “Đây không phải là phá cách mà là phá hoại”, “Phá hỏng bài hát”, “dở không còn chỗ để chê”...
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của người làm sáng tác, nhạc sĩ Minh Vy lại cho rằng đừng vội mắng trách những người làm mới bolero, đôi khi họ có những tấm lòng với bolero mà không phải ai cũng hiểu hết. Không có lòng với bolero thì không ai phải băn khoăn làm cách nào để Bolero đến gần với khán giả trẻ chứ không khu biệt trong một thế hệ khán giả nhiều hoài niệm. Bolero vốn rất hay về ca từ lẫn giai điệu, khán giả trẻ cần được thưởng thức nó. “Dĩ nhiên, cũng giống như sáng tác ca khúc thôi, việc làm mới một ca khúc mà nhiều người đã nằm lòng rất khó, khi phải vừa khiến họ vẫn cảm nhận cái tình của ca khúc còn như xưa mà vẫn thích thú với những cái mới”-Minh Vy cho hay.
Có thể thấy việc làm mới các ca khúc nổi tiếng, đặc biệt là Bolero dường như đã trở thành trào lưu khi dòng nhạc này thịnh hành trở lại trong vòng 2-3 năm trở lại đây. Trên nhiều chương trình thi thố ca hát về dòng nhạc này: Tình Bolero, Solo cùng Bolero, Thần tượng Bolero... sẽ không khó để bắt gặp những kiểu làm mới theo nhiều cách khác nhau. Đó có thể là cách làm mới bằng một bản phối nghe lạ tai theo phong cách hiện đại; cách hát mang chút phá cách ở một số câu hát... Từ dòng nhạc trữ tình, trầm buồn mang đầy tâm trạng các thí sinh trong các cuộc thi cho đến các ca sĩ đều thi nhau “làm mới” theo cách của riêng mình. Ca sĩ Quách Tuấn Du từng tung ra MV bolero remix theo phong cách EDM Bolero Mix - Quách Tuấn Du Pool Party cũng gây không ít tranh cãi khi hình ảnh minh họa là những cô gái mặc đồ bơi tưng bừng nhảy nhót. Hát bolero theo phong cách EDM cũng là cách đã được ca sĩ Thanh Thảo lựa chọn với một album riêng.
Cũng là làm mới, chương trình Phiên bản hoàn hảo lại có khá nhiều tiết mục nhận được sự ủng hộ của chính tác giả, ca sĩ thể hiện thành công ca khúc đó. Đơn cử như ca sĩ Phương Thanh từng hết lời ca ngợi các thí sinh đã biến ca khúc “Một thời đã xa” của mình trở nên tươi mới và đầy màu sắc. Hay như tập 13, ca khúc “Lạc trôi” và “Dấu mưa” đã được một thí sinh biến tấu thành thể loại cải lương.
Đi tìm quy chuẩn
Có thể thấy trước mọi “phán xét” cần nhìn nhận một cách thấu đáo về khái niệm làm mới và làm hỏng. Làm mới có nghĩa là có những sự thay đổi về tiết tấu, giai điệu, bản phối... nhằm khoác cho ca khúc ấy một làn gió mới, phù hợp với chất giọng, màu giọng và nội lực của ca sĩ thể hiện. Sự làm mới này đôi khi biến đổi hoàn toàn về mặt thể loại của ca khúc từ nhạc trữ tình sang rock, hip-hop, dance... hay chỉ đơn giản là một vài thay đổi nhỏ nhưng vẫn giữ tinh thần chung của ca khúc. Ranh giới giữa làm mới và làm hỏng đôi khi rất mong manh bởi cái tôi của người nghệ sĩ nếu không biết tiết chế vô hình chung sẽ tạo nên một biến thể khác, làm mất đi giá trị vốn có của tác phẩm. Tất nhiên, nỗ lực làm mới một cách nghiêm túc luôn cần được trân trọng...
Theo ca sĩ Thanh Hà: Khi nghe nhạc phải có sự cảm nhận trước hết, dù là nhạc Bolero, nhạc trẻ, techno hay disco… miễn sao mình nghe thấy hay là được rồi. Tất nhiên, có thể tôi thấy hay nhưng bạn không thấy hay, đó là cảm nhận của mỗi người. Như việc remix ca khúc bolero, tôi nghĩ mỗi người sẽ có sự tư duy không giống nhau.
Cùng quan điểm thực tế có những sự làm mới mà sau đó bản thân ca sĩ thể hiện sẽ không dám lặp lại lỗi lầm đó của chính mình nhưng, nhiều người vẫn bền bỉ theo đuổi con đường đó và dần được chấp nhận. Đơn cử có thể kể đến trường hợp của diva Thanh Lam. Lối hát đậm dấu ấn cá nhân từng đóng đinh với nhiều ca khúc nhạc nhẹ của chị, sau khi áp dụng với các ca khúc nhạc Trịnh theo thời gian được một bộ phận khán giả đón nhận. Tương tự, album “Bộ đội” của Thái Thùy Linh sau 7 năm đến nay khi xuất hiện tại nhiều chương trình lớn nhỏ, nữ ca sĩ vẫn được yêu cầu thể hiện các ca khúc theo phong cách mới.
Và một điều quan trọng không kém. Việc làm mới ấy cần được đặt để đúng hoàn cảnh. Như đã nói ở trên nếu là các chương trình mang tính chất giải trí thuần túy như trường hợp Phiên bản hoàn hảo, những cách làm mới dù xoay ngược 180 độ so với bản gốc đều ít khi bị “ném đá”. Trong khi đó, đã là các chương trình thi thố mang yếu tố học thuật thiết nghĩ sự sáng tạo cần có giới hạn nhất định. Dĩ nhiên, giới hạn đó bản thân ca sĩ, ban giám khảo và cả giám đốc âm nhạc của chương trình hơn ai hết là người hiểu rõ.