Trong những ngày qua, việc tranh chấp tên cuộc thi Hoa hậu Hòa bình giữa 2 công ty Sen Vàng và Minh Khang đã tạo nên một làn sóng tranh cãi trong dư luận xã hội. Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam tên gọi của cuộc thi nhan sắc có nguy cơ phải đưa ra tòa để phân xử.
Tại cuộc gặp mặt báo chí được tổ chức mới đây tại Hà Nội, Công ty Minh Khang (đơn vị tổ chức cuộc thi Miss Peace Viet Nam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) đã cung cấp 2 văn bản chứng minh tính hợp pháp khi sử dụng tên cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam. Đó là Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH275-22YC và Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH268-22YC. Cả hai đều do giám định viên Phạm Đình Chướng thực hiện từ ngày 13- 20/6 tại trụ sở Viện Khoa học sở hữu trí tuệ. 2 văn bản này do Phó viện trưởng Nguyễn Hữu Cẩn ký.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thùy (nghệ danh Thùy Dương) - Giám đốc Công ty Minh Khang, cho biết, công ty đã yêu cầu thẩm định hai việc. Một là Công ty Minh Khang có vi phạm sở hữu trí tuệ của Sen Vàng (đơn vị tổ chức cuộc thi Miss Grand Việt Nam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) hay không? Hai là Công ty Minh Khang có đang bị Sen Vàng vi phạm sở hữu trí tuệ không? “Chúng tôi thẩm định chéo như vậy cho khách quan” - bà Thùy nói.
Theo văn bản NH268-22YC, không có đủ căn cứ để khẳng định dấu hiệu “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022” trong cụm từ “Thể lệ tham gia cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022” dự định sử dụng cho dịch vụ tổ chức cuộc thi sắc đẹp là tương tự đến mức gây nhầm lẫn đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 384154 (nhãn hiệu cấp cho Miss Grand International).
Theo Văn bản NH275-22YC, dấu hiệu “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022” trình bày trên “Mẫu đơn đăng ký dự thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022” được giới thiệu trên trang Facebook nhằm quảng cáo cho dịch vụ tổ chức cuộc thi sắc đẹp (trang Facebook của MissGrandVN Official) là yếu tố xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 326167 của Công ty Minh Khang.
Đề cập đến một khả năng khác trong việc giải quyết sự trùng lặp trong tên gọi cuộc thi, bà Thùy cho biết, nếu đơn vị bạn vẫn không theo tinh thần hợp tác hòa bình chia sẻ, Công ty Minh Khang sẽ phải dùng biện pháp mạnh hơn để khởi kiện ra tòa. Phía Công ty Minh Khang cho biết, đã nộp đơn lên Sở Khoa học Công nghệ TP Hồ Chí Minh.
Ngày 28/6, sau khi Công ty Minh Khang đưa ra các văn bản chứng minh tính hợp pháp của tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Công ty Sen Vàng (đơn vị sở hữu Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) đã có phản hồi và khẳng định, những kết luận từ phía Công ty Minh Khang nói Sen Vàng có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là không chính xác, không khách quan và không thể hiện đúng bản chất của sự việc, gây nên những cách hiểu chưa đúng.
Cụ thể, theo Sen Vàng, quy định tại Điều 1 và Điều 2 Điều lệ Tổ chức và hoạt động của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (ban hành kèm theo Quyết định số 1660/QĐ-BKHCN ngày 13/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) xác định, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ là tổ chức sự nghiệp khoa học và công nghệ có chức năng chính là nghiên cứu khoa học, tham mưu, tư vấn và đào tạo huấn luyện trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Nói cách khác, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ không phải là một cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Về cách thức hoạt động, thủ tục giám định do Viện Khoa học sở hữu trí tuệ thực hiện là một hoạt động cung ứng dịch vụ và có thu phí dịch vụ giám định từ người yêu cầu, giống như hoạt động cung ứng dịch vụ của các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động kinh doanh của mình.
Luật sư Nguyễn Đức Hoàng - Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam, với tư cách là đại diện pháp lý của công ty Sen Vàng cho biết, kết luận giám định mà Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đưa ra theo yêu cầu giám định của người yêu cầu chỉ là kết quả cung ứng dịch vụ của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ mà không phải là kết luận của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hoàn toàn không có giá trị kết luận có hay không hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Các kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ là thiếu cơ sở, không chính xác và không khách quan. “Chúng tôi hoàn toàn có cơ sở để khẳng định rằng, các kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ không đủ điều kiện để trở thành tài liệu tham khảo trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa các bên liên quan đến tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” – vị luật sư nói.
Thời gian qua, khi việc tổ chức các cuộc thi nhan sắc được “nới lỏng” và “trao quyền” cho các địa phương tổ chức, đang phát sinh ra câu chuyện “trùng” tên gọi giữa các cuộc thi. Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam hai cuộc thi nhan sắc có nguy cơ phải đưa nhau ra tòa để giải quyết. Dù chưa biết ai đúng, ai sai nhưng có lẽ những người đầu tiên phải “chịu thiệt” chính là các người đẹp trên hành trình chinh phục các danh hiệu về nhan sắc. Hơn nữa, những “lùm xùm” sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín của các cuộc thi người đẹp tại Việt Nam, vốn trước đó đã vướng không ít thị phi.