Chỉ khi Bộ Y tế công bố công khai giá trúng thầu thiết bị y tế và vật tư tiêu hao toàn quốc thì các bệnh viện và người dân mới có cơ sở so sánh, không như hiện nay rất tù mù, mập mờ.
Những lùm xùm xung quanh việc nâng khống giá thiết bị y tế xét nghiệm Covid-19 vừa qua còn chưa kịp lắng xuống, thì mới đây vụ việc nâng khống giá thiết bị y tế tại BV Bạch Mai khiến người bệnh phải trả phí cao hơn nhiều lần đang khiến vấn đề mua sắm, đầu tư thiết bị y tế tại bệnh viện công trở thành câu chuyện “nóng” hơn bao giờ hết.
Song có lẽ những vụ việc kể trên cũng chỉ là phần nổi của tảng băng, khi mà lâu nay lĩnh vực trang thiết bị y tế bị bỏ ngỏ. Vì lẽ đó, việc Bộ Y tế vừa ra mắt Cổng thông tin công khai giá thiết bị y tế vào ngày 9/9 vừa qua, đã nhen lên kỳ vọng về sự minh bạch trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân.
Và một câu hỏi lớn cũng đang được đặt ra: Làm thế nào để khắc phục triệt để được hiện tượng tiêu cực trong mua sắm trang thiết bị y tế? Trước đó, khi việc nâng khống giá xét nghiệm máy Covid- 19 tại CDC Hà Nội thu hút sự quan tâm của dư luận, đại diện Cục Quản lý đấu thầu (Bộ Kế hoạch- Đầu tư) đã chỉ ra rằng kẽ hở lớn khiến sai phạm có đất để tồn tại chính là việc bỏ ngỏ giám sát trong hình thức chỉ định thầu.
Bởi thiết bị y tế không phải là mặt hàng thông dụng, nên nếu không có sự can thiệp và định hướng của cơ quan quản lý nhà nước, rất dễ xảy ra sự cố. Chỉ định thầu trong một số trường hợp là cần thiết. Nếu làm tốt chỉ định thầu thì vẫn trở về đúng giá thị trường. Trong vụ việc nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19, không chỉ các cá nhân liên quan vi phạm mà lỗi còn thuộc về cả cơ quan quản lý nhà nước.
Còn tại BV Bạch Mai, việc nâng khống giá thiết bị y tế thời gian qua đã dồn mọi gánh nặng lên lưng người bệnh và gia đình. Cụ thể, C03 (Bộ Công an) xác định một số cá nhân tại Công ty Cổ phần Công nghệ y tế BMS và Công ty Cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS) gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với BV Bạch Mai nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh.
Kết quả điều tra ban đầu xác định robot Rosa là thiết bị ứng dụng trong phẫu thuật sọ não (có xuất xứ từ Pháp) được hai bên liên kết “thổi giá” cao gấp nhiều lần giá trị thực. Thiết bị này sau khi nhập khẩu về Việt Nam, cộng với chi phí đào tạo, chuyển giao công nghệ có giá ước tính khoảng 10 tỷ đồng nhưng đã bị nâng khống lên thành 39 tỷ đồng. Một ca phẫu thuật sử dụng thiết bị này chỉ hết khoảng 4 triệu đồng nhưng đã bị đội lên thành 23 triệu đồng. Từ khi triển khai kỹ thuật này đến nay, tại BV Bạch Mai, ước tính có khoảng 500 bệnh nhân đã được phẫu thuật.
Kiếm ăn trên lưng người bệnh, thực sự là việc làm phi nhân tính. Sau những sự việc nói trên, nhiều phân tích cũng đã chỉ ra rằng việc nâng khống giá thiết bị y tế hiện nay đều bắt nguồn từ những lỗ hổng trong chính sách, lỏng lẻo trong giám sát, thẩm định, cần sớm được “trám lại”.
Và cũng không phải cho đến những vụ việc tiêu cực trong mua sắm trang thiết bị y tế xảy ra gần đây, yêu cầu về việc cần thiết phải công khai giá thành các trang thiết bị y tế thuộc diện liên kết xã hội hóa trong các BV công, đặc biệt ở các BV lớn đã được đặt ra từ lâu, để người dân, cơ quan quản lý tham gia giám sát, tránh nâng khống, trục lợi… Chỉ có điều yêu cầu ấy chưa được thực hiện đến nơi đến chốn, thành thử người bệnh luôn là đối tượng chịu thiệt đơn thiệt kép.
Trong Lễ khai trương Cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế vừa qua, lãnh đạo Bộ Y tế bày tỏ mong muốn thời gian tới đây tất cả các trang thiết bị y tế sẽ được công khai, đảm bảo sân chơi lành mạnh cho tất cả các nhà sản xuất, nhà kinh doanh để tránh những câu chuyện thổi giá, tiêu cực trong mua sắm đấu thầu…
Mong muốn của lãnh đạo Bộ Y tế, thực chất cũng đang là mong mỏi lớn nhất của người dân. Vì chỉ khi Bộ Y tế công bố công khai giá trúng thầu thiết bị y tế và vật tư tiêu hao toàn quốc thì các bệnh viện và người dân mới có cơ sở so sánh, không như hiện nay rất tù mù, mập mờ.
Nhưng ngay cả khi đã công khai giá trang thiết bị y tế trên Cổng thông tin thì người dân vẫn có nhu cầu được biết về phương thức giải quyết tình huống hiện nay như bệnh viện mua sắm trang thiết bị thông qua đấu thầu, hãng đã công bố giá công khai thì đấu thầu theo mức giá như thế nào? Giá trúng thầu và giá công khai có liên quan gì đến nhau? Những vấn đề này cũng cần sớm được đề cập thật rõ ràng, minh bạch để cộng đồng được giám sát.
Tự chủ bệnh viện công, xã hội hóa việc mua sắm trang thiết bị y tế là cần thiết để các bệnh viện tự nâng cao năng lực khám chữa bệnh. Nhưng yêu cầu này không thể tách rời trách nhiệm xã hội, tính nhân văn của ngành Y tế. Để tránh các hiện tượng tiêu cực, tận thu tiền từ người bệnh như thời gian qua, cần sớm xốc lại hàng rào về cơ chế chính sách để kiểm soát, tạo dựng niềm tin và sự an tâm cho người dân.