Ngày 14/12, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế.
Giải quyết các hồ sơ gia hạn đăng ký lưu hành thuốc
Báo cáo thẩm tra về việc tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV và đề xuất một số cơ chế, chính sách về y tế, bà Nguyễn Thuý Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, liên quan đến việc kiến nghị Quốc hội cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết của việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng thuốc, ảnh hưởng tới công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, theo bà Thúy Anh, đây chỉ là giải pháp tình thế, trước mắt để khắc phục tình trạng tồn đọng hồ sơ gia hạn thuốc. Đề nghị Chính phủ đánh giá đúng bản chất các nguyên nhân và tập trung giải quyết các vấn đề nội tại, tăng cường năng lực cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời giải quyết các hồ sơ gia hạn đăng ký lưu hành thuốc.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, đối với một số việc dở dang thanh toán, Chính phủ đề xuất cho thanh toán là phù hợp. Tuy nhiên theo Chủ tịch Quốc hội, cần thống nhất giữa Chính phủ và Ủy ban Xã hội về thời hạn. Đối với các chính sách đã rõ thì ban hành, một số chính sách chưa rõ chưa nên ban hành.
Liên quan đến miễn kê khai và công bố giá đối với vaccine được mua sắm từ ngân sách nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị cân nhắc và làm rõ, có nhất thiết phải tiếp tục áp dụng chính sách này trong bối cảnh bình thường mới hiện nay hay không, khi chúng ta đã cơ bản kiểm soát được dịch, tiêm chủng vaccine phổ rộng. “Nếu được Quốc hội chấp nhận những chính sách này nên được quy định riêng. Không coi chuyển tiếp chính sách là những biện pháp mà Quốc hội cho phép tiếp tục để thực hiện đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh bình thường mới” - ông Tùng nói.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã nỗ lực, quyết liệt, kiên trì, chủ động, sáng tạo, linh hoạt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện có lúc, có nơi còn chậm. Y tế cơ sở, y tế dự phòng bộc lộ những mặt yếu. Việc thực hiện chính sách, chế độ hỗ trợ đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19 một số nơi chưa kịp thời, thỏa đáng. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Còn có hành vi vi phạm pháp luật trong phòng, chống dịch, và có một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Từ đó, đối với nội dung đề xuất việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực, ông Mẫn cho biết, Ủy ban TVQH cơ bản nhất trí với sự cần thiết của đề xuất nhằm giải quyết tồn đọng, xử lý hồ sơ gia hạn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, đảm bảo công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Dự kiến năm 2023 tổ chức 12 phiên họp thường kỳ
Cùng ngày, với 100% ý kiến nhất trí, Ủy ban TVQH cũng xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2023 của Ủy ban TVQH.
Theo Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường, dự kiến trong năm 2023, Ủy ban TVQH tổ chức 12 phiên họp thường kỳ và 5 phiên họp chuyên đề, xem xét, cho ý kiến, quyết định hơn 80 nội dung tại phiên họp và cho ý kiến bằng văn bản đối với một số nội dung khác.
Kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về xây dựng chương trình công tác, Ủy ban TVQH đề nghị bổ sung đánh giá việc xây dựng và thực hiện chương trình năm trước. Theo đó đánh giá trong năm dự kiến như thế nào? Mức độ thực hiện ra sao? khối lượng công việc phát sinh mới, điều chỉnh nhiệm vụ như thế nào? Bởi ngay cả ở những kỳ họp, phiên họp được chuẩn bị kỹ lưỡng nhất nhưng vẫn có sự điều chỉnh chương trình.
Cơ bản đồng tình dự thảo Nghị quyết, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tiếp tục rà soát để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo để thể hiện ngắn gọn, rõ ràng. Đồng thời giao Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu tiếp thu ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, sớm trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.