Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang soạn thảo Luật Quy hoạch trình Thường trực Chính phủ cho ý kiến trong tháng 7 này. Góp ý kiến Dự thảo Luật, nhiều ý kiến cho rằng: Luật Quy hoạch là cần thiết để khắc phục công tác quy hoạch ôm đồm, chồng chéo của các bộ ngành, địa phương hiện nay. Tuy nhiên, quy hoạch cần hướng tới công khai, minh bạch tránh chuyện lách luật, không tuân thủ quy hoạch.
Quy hoạch chi tiết để xử lý các xung đột lợi ích
Ông Vũ Quang Các- Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Bộ KHĐT cho biết, cả nước hiện có tới 19.285 các đề án quy hoạch từ Trung ương tới địa phương, tiêu tốn tổng số tiền lên tới hơn 8.000 tỷ đồng. Các đề án này là sản phẩm của 70 văn bản luật và pháp lệnh điều chỉnh công tác quy hoạch tới năm 2020. Trong gần 20.000 đề án quy hoạch này, không phải cái nào cũng có giá trị trên thực tiễn.
Chẳng hạn, có những bản quy hoạch có tên “Quy hoạch doanh nhân xuất khẩu gạo” đặt ra hàng loạt các điều kiện cho doanh nhân làm xuất khẩu gạo; quy hoạch bán lẻ rượu, bia, nước giải khát quy định mỗi địa phương có bao nhiêu điểm bán bia, rượu; hay có bản quy hoạch nuôi cá tra, cá ba sa...quy hoạch thì nhiều nhưng nội dung không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập nữa, trong khi điều quan trọng là cơ quan nào quản các quy hoạch này đảm bảo tuân thủ đúng quy hoạch không thì lại không rõ ràng.
Ông Các cho biết thêm, hiện Bộ KHĐT đã hoàn thành dự án Luật Quy hoạch và Bộ Tư pháp đang thẩm định để báo cáo Chính phủ trong tháng 7 này. Theo dự luật, 70 văn bản luật, pháp lệnh sẽ được rút xuống còn hai văn bản điều chỉnh công tác quy hoạch là Luật Quy hoạch điều chỉnh các quy hoạch tổng thể từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh và Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn điều chỉnh các quy hoạch chi tiết ở các cấp huyện, xã.
Dự luật này sẽ tạo công cụ để giải quyết, xử lý các vấn đề xung đột lợi ích, xung đột liên ngành, xung đột giữa các địa phương. Chẳng hạn, đề án lấp sông Đồng Nai làm đô thị chắc chắn sẽ không được phê duyệt khi có Luật Quy hoạch, vì sông Đồng Nai không chỉ của riêng tỉnh Đồng Nai do liên quan đến nhiều địa phương khác.
Nói về lý do cần phải có Luật Quy hoạch, Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Văn Trung cho biết, công tác quy hoạch hiện nay còn rất nhiều chuyện để chê. Việc để quá lâu tình trạng “nhà nhà làm quy hoạch, ngành ngành làm quy hoạch” khiến tình trạng quy hoạch chồng chéo, quy hoạch “treo” đang là vấn đề rất bức xúc. Có nhiều quy hoạch ra đời chẳng biết để làm gì và không có tác dụng trong thực tế. “Mà những vướng mắc này xuất phát từ việc không có khái niệm quy hoạch”, cơ quan nào cũng có thể làm quy hoạch.
Chính vì vậy, việc quan trọng trước mắt của cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc xây dựng Luật Quy hoạch (Bộ KHĐT) phải đưa ra được trả lời cho được câu hỏi: Quy hoạch là gì? Đã có quy hoạch phải tuân thủ quy hoạch tránh chuyện lách luật khiến quy hoạch một đằng, làm một nẻo.
Quan trọng là khâu giám sát
Góp ý kiến vào dự luật, TS Phạm Sỹ Liêm- nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, hiện Việt Nam chưa có quy hoạch cấp quốc gia, mà mới chỉ có quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội và quy hoạch này chưa gắn với quy hoạch không gian. Nếu chỉ quy hoạch không gian - quy hoạch xây dựng thì mới chỉ tạo ra cái hình thức; còn nếu chỉ có quy hoạch kinh tế - xã hội, thì mới chỉ tạo ra cái bên trong, cái hình thức. Do đó, việc cần làm là phải lập ra bản quy hoạch phát triển quốc gia. Đây sẽ là bản quy hoạch mang tính định hướng và có tính pháp lý cao nhất. Ngoài ra, theo ông Liêm, quy hoạch cấp vùng và cấp địa phương đáng lẽ là một.
Bởi khi “đẻ” ra quy hoạch vùng, lại có cả quy hoạch các tỉnh, nên việc quy hoạch của các địa phương trong vùng chồng lấn, chồng chéo với quy hoạch vùng là chuyện đương nhiên. Vì vậy, nhất thiết luật phải quy định chi tiết các điều khoản để quản quy hoạch chi tiết này, tránh tình trạng, quy hoạch có nhưng chẳng ai thực hiện.
Cho rằng, không còn phải bàn cãi đến chuyện cần có Luật Quy hoạch chung để quản các vấn đề liên quan đến quy hoạch, tuy nhiên, gộp thế nào để quản quy hoạch tốt là điều không dễ, TS Lưu Bích Hồ- nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nhấn mạnh. Tuy nhiên, khó khăn nhất là sự lồng ghép các quy hoạch. Chúng ta cần có quy hoạch quốc gia để lồng ghép quy hoạch tổng thể, quy hoạch xây dựng và quy hoạch đất đai. Để thực hiện điều này cần phải lập hội đồng quốc gia về quy hoạch do Thủ tướng hoặc một Phó Thủ tướng đứng đầu, nếu cần thiết có thể mời chuyên gia nước ngoài.
“Hội đồng này có vai trò chỉ đạo, xây dựng, điều phối, giám sát về lập, giám sát quy hoạch”- TS Lưu Bích Hồ nhấn mạnh, đồng thời nhận cho rằng, quan trọng nhất vẫn là khâu giám sát, giám sát phải thông qua các hội đồng cũng như người dân... Có làm như vậy mới quản được các quy hoạch, tránh chuyện lách luật dù luật đã bàn đến vấn đề này.