Trên kệ sách tuần này (19/2)

Thư Thư 19/02/2017 08:05

Đại Đoàn Kết Online trân trọng giới thiệu tới độc giả 3 cuốn sách đang gây nhiều chú ý thời gian qua.

Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật

Đây là cuốn sách của tác giả Sarah Thornton- tác phẩm từng được New York Times bình chọn nằm trong những cuốn sách nghệ thuật hay nhất, vừa được Đông A ấn hành, do dịch giả Nguyễn Như Huy chuyển ngữ.

Cuốn sách được xem là chiếc chìa khóa mở cánh cửa thế giới nghệ thuật đương đại. Sách là một cuộc du hành vào thế giới nghệ thuật đương đại toàn cầu.

Qua 7 chương, Sarah Thornton cung cấp những trải nghiệm kiểu “thực tế ảo”, giúp người đọc có cảm giác được đi vào thế giới nghệ thuật cùng tác giả.

Đó là một buổi bán đấu giá nghệ thuật, buổi phê bình nhóm, hội chợ nghệ thuật, giải thưởng nghệ thuật, tạp chí nghệ thuật, thăm xưởng nghệ sĩ, triển lãm...

Người đọc cùng tác giả đối thoại, phỏng vấn, trải nghiệm các sự kiện và nhân vật. “Cuốn sách này, không nghi ngờ gì nữa, chính là một hướng dẫn tốt nhất cho đến nay về giới nghệ thuật đương đại toàn cầu. Một trải nghiệm đọc tuyệt vời”, nhà văn người Mỹ Annalyn Swan nhận xét.

Còn theo dịch giả Nguyễn Như Huy, “Bảy ngày trong thế giới nghệ thuật” chính là một nỗ lực giúp người đọc- trong đó có các nghệ sĩ hiểu rõ về nghệ thuật đương đại- không như một thực hành chuyên biệt và đơn tuyến mà như một “bùng binh” của các mối quan hệ phức tạp, mà tác giả gọi là “thế giới nghệ thuật”.

Với Sarah, “thế giới nghệ thuật” không phải là một hệ thống nhịp nhàng hoat động mà là một tập hợp của các nhóm văn hoá đặc thù với các định nghĩa khác nhau về nghệ thuật, luôn xung đột với nhau, tuy nhiên không thể tồn tại thiếu nhau.

Đông Dương ngày ấy

Cuốn sách là dòng hồi ức của tác giả Claude Bourrin về những năm 1898 - 1908, theo kiểu “nhớ gì ghi lấy”. Claude Bourrin đến Đông Dương năm 1898, làm công chức sở Hải quan, nhưng với lòng say mê nghệ thuật, ông có công truyền bá nghệ thuật kịch Pháp vào Đông Dương.

Tác phẩm đưa chúng ta trở về thời xưa và chiêm nghiệm cuộc sống của người dân Đông Dương, từ tầng lớp tận cùng như người phu xe, người khiêng cáng, đến các quan lại, trí thực, vua Thành Thái…

Tác phẩm có nhiều chi tiết thú vị, hài hước, lối kể chuyện dung dị, hóm hỉnh, nhẹ nhàng thể hiện cái nhìn cảm thông của tác giả với người dân Đông Dương.

Nhà nghiên cứu Corinne Flicker - Tiến sĩ khoa học Đại học Aix - Marseile khẳng định: “Kế hoạch của Claude Bourrin là trả lại nhiều hơn công lý cho công chúng thuộc địa mà đôi khi người ta tưởng rằng đó là những kẻ không thưởng thức nổi những tác phẩm có giá trị văn học”.

Sách dày hơn 300 trang, in kèm nhiều ảnh tư liệu, do Lưu Đình Tuân dịch và chú giải, Huy Hoàng Bookstone và NXB Thanh Niên ấn hành.

Chạm một miền Xuân

Tập thơ tuyển chọn những bài thơ hay nhất của nhiều tác giả tham dự cuộc thi thơ “Lục bát Tết” do Saigon Books phát động. Chỉ trong vòng 2 tuần (từ ngày 20/1 đến 3/2), đã có gần 1.000 bài thơ của các tác giả trong và ngoài nước, cả chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư tham dự. Ngay sau đó, Ban Tổ chức chọn ra 158 tác phẩm của 50 tác giả vào vòng Chung khảo và tổ chức trao giải vào chiều qua, 18/2.

Dịp này, 158 bài thơ vào chung khảo cũng đã xuất hiện trong tập thơ “Chạm một miền Xuân” (do Saigon Books và NXB Hội Nhà văn ấn hành).

Theo nhà thơ Cao Xuân Sơn- thành viên Ban Giám khảo, cuộc thi đã khơi mở nhẹ nhàng để rồi như hiệu ứng dây chuyền làm bùng nổ vô số ngóc ngách mạch nguồn xúc cảm với Tết, với Xuân, với quê hương trong lòng người Việt ở khắp nơi.

Những vần lục bát dự thi luôn tràn ngập đậm đà dấu ấn tâm tình Việt, hơi thở Việt, nỗi niềm đa cảm, đa mang, đa sự... thuần Việt. Thể thơ lục bát “quốc hồn quốc túy” thêm một lần được tôn vinh và khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trên kệ sách tuần này (19/2)

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO