Công an huyện Châu Thành (tỉnh Trà Vinh) vừa bắt một nam thanh niên thích... khoe “của quý”. Đối tượng này có thói quen bệnh hoạn là chặn đường các nữ sinh THPT, quấy rối tình dục bằng việc khoe thân và sàm sỡ vào những vùng nhạy cảm của các em. Sự việc gây bức xúc trong dư luận xã hội khiến cơ quan công an phải vào cuộc.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên, duy nhất có thói quen bệnh hoạn là khoe “của quý”. Rất nhiều đối tượng ở nhiều địa phương đã có hành vi quấy rối tình dục phụ nữ bằng hình thức này nhưng chưa bị xử lý nên có vẻ chưa kẻ nào biết sợ. Thực ra cơ quan chức năng cũng có cái khó, lúng túng không biết xử lý loại hành vi này như thế nào.
Hiện, hệ thống pháp luật hình sự còn lỗ hổng khi chưa có chế tài cho hành vi quấy rối tình dục. Cụ thể, với hành vi của nam thanh niên ở tỉnh Trà Vinh như đã nêu ở trên có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội dâm ô với trẻ em (người dưới 16 tuổi). Song, nếu các đối tượng sờ soạng phụ nữ trưởng thành thì lại không thể xử lý tội dâm ô.
Trong trường hợp phụ nữ trên 16 tuổi bị sàm sỡ chỉ có thể áp dụng Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP để phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 100.000 - 300.000 đồng đối với người có hành vi, cử chỉ, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm. Trong trường hợp có sự tổn hại nghiêm trọng cho nạn nhân, có thể truy cứu hình sự tội làm nhục người khác.
Song, ở tội làm nhục người khác lại phải đảm bảo yêu cầu người phạm tội có ý thức chủ quan là mong muốn hạ nhục bị hại với nhiều động cơ khác nhau, chứ không có mục đích khác. Còn về phía nạn nhân phải bị xâm phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự. Song, thế nào là xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm lại rất phức tạp.
Đơn giản là cùng một hành vi xâm phạm như nhau nhưng có người thấy nhục hoặc rất nhục nhưng có người lại thấy bình thường. Chẳng hạn như việc phụ nữ bị kẻ nào đó chặn đường khoe “của quý”, có người thấy như vậy là không thể chấp nhận, xúc phạm nghiêm trọng đến họ, nhưng cũng có người cho là bình thường và tặc lưỡi: Bệnh ấy mà.
Vì thế, nếu chỉ căn cứ vào ý thức chủ quan của người phạm tội hay bị hại thì cũng chưa thể xác định một cách chính xác tội danh làm nhục người khác, mà phải kết hợp với các yếu tố như trình độ nhận thức, địa vị xã hội, phong tục tập quán, truyền thống gia đình... Sự đánh giá của dư luận xã hội trong trường hợp này có ý nghĩa rất lớn để xác định hành vi phạm tội của người có hành vi làm nhục.
Tóm lại, để xử lý một kẻ biến thái ngang nhiên chặn đường phụ nữ trưởng thành để khoe “của quý”, thậm chí là sàm sỡ vùng nhạy cảm là một điều không hề đơn giản. Hầu hết các trường hợp là “bỏ qua”, số ít vụ còn lại khi có tố giác của bị hại thì chỉ có thể phạt tiền, hoặc cảnh cáo đối tượng quấy rối, chứ hầu như rất khó xử lý hình sự.
Tôi còn nhớ có một số vụ sàm sỡ đồng nghiệp nữ nổi đình đám, khiến báo chí tốn khá nhiều giấy mực, cuối cùng cũng chỉ dừng ở mức phạt hành chính 200.000 đồng. Bị hại không phục, bởi họ bị quấy rối thường xuyên nên khá bức xúc. Nhưng cơ quan chức năng xử lý người có lỗi lại phải dựa trên quy định của pháp luật chứ không thể cảm tính.
Đó chính là lý do khiến nhiều kẻ nhơn nhơn, không biết sợ. Thậm chí có đối tượng còn nói trắng ra rằng, để được sờ soạng người phụ nữ mà họ thèm muốn thì chấp nhận bị phạt 200.000 đồng. Và quả nhiên là đã xuất hiện rất nhiều đối tượng bỉ ổi như vậy trong thời gian qua. Đây chính là hệ lụy tất yếu của việc chế tài pháp luật chưa nghiêm.
Nhìn sang một số nước khác trên thế giới, họ có hẳn những chế tài rất nghiêm đối với hành vi quấy rối tình dục. Đối với những đối tượng bị tố cáo có hành vi quấy rối tình dục mà nạn nhân hay cơ quan có thẩm quyền chứng minh được, dù là với trẻ em gái hay phụ nữ trưởng thành thì sẽ bị phạt tiền rất nặng, thậm chí đi tù mọt gông.
Song, trong pháp luật hình sự của ta chưa có bất cứ điều khoản nào quy định chế tài đối với hành vi quấy rối tình dục. Đây chính là lỗ hổng rất lớn khiến nhiều đối tượng lưu manh lợi dụng. Trong khi đó, hầu hết các nạn nhân của nạn quấy rối tình dục chỉ còn biết ngậm bồ hòn làm ngọt, bỏ qua cho đỡ xấu hổ, bởi có tố giác cũng chẳng làm gì được.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần xem xét, bổ sung quy định, chế tài đối với hành vi quấy rối tình dục, để bảo vệ chị em phụ nữ. Từ hành vi tụt quần khoe “của quý”, sàm sỡ phụ nữ, hay “cưỡng hôn” trong thang máy... đều phải bị chế tài nghiêm khắc, nhẹ thì phạt tiền, nặng hơn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Có vậy mới trị được những căn bệnh biến thái của không ít gã đàn ông đốn mạt.