Xã hội

Trì hoãn sinh con vì thu nhập thấp

Lê Bảo 01/07/2025 09:30

Kết quả khảo sát mới đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, thu nhập chưa đáp ứng được nhu cầu chi tiêu của gia đình, dẫn đến tình trạng người lao động phải “thắt lưng buộc bụng” để đảm bảo cuộc sống.

Anh bai tren
Mức thu nhập không đủ sống, nhiều lao động ngại sinh thêm con. Ảnh: Quang Vinh.

Thu nhập không đủ sống, công nhân “ngại” kết hôn

Đây là một trong những thực trạng đáng lo ngại được nêu trong kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về tình hình đời sống, việc làm, thu nhập, chi tiêu của người lao động tại 10 tỉnh, thành phố, được thực hiện từ tháng 3 - 4/2025. Khảo sát dù có quy mô nhỏ nhưng cũng cho thấy những điều đáng lưu tâm về cuộc sống của người lao động hiện nay. Kết quả khảo sát cho thấy, 54,9% người lao động cho hay, tiền lương, thu nhập của họ vừa đủ chi tiêu cơ bản của gia đình; 26,3% phải tằn tiện; 7,9% không đủ sống, phải làm thêm để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Đáng lo ngại, nhiều trường hợp người lao động phải vay mượn để chi trả cho các nhu cầu phát sinh đột xuất.

“Tiền lương thấp là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quyết định lập gia đình của công nhân lao động, có tới 72,6% tổng số người chưa lập gia đình phản hồi như vậy. Người lao động cảm thấy mức thu nhập hiện tại không đủ để đảm bảo cuộc sống ổn định khi bắt đầu lập gia đình, đặc biệt là trong bối cảnh chi phí sinh hoạt và nuôi dưỡng con cái ngày càng tăng” - báo cáo kết quả khảo sát cho biết.

Với những lao động đã kết hôn, kết quả khảo sát cũng chỉ ra rằng, mức thu nhập không đủ sống khiến các cặp vợ chồng lo lắng về khả năng tài chính để nuôi dạy con cái. Trong khi chi phí nuôi con, đặc biệt là chi phí giáo dục và chăm sóc sức khỏe ngày càng đắt đỏ, nên họ đang trì hoãn sinh con để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho bản thân và gia đình.

Tăng lương là giải pháp then chốt

Thu nhập thấp cũng khiến đại đa số người lao động không có khả năng tài chính để chủ động chăm sóc sức khỏe, đặc biệt khi gặp các vấn đề y tế nghiêm trọng, hoặc cần điều trị dài hạn. Khảo sát cho thấy có đến 44,1% người lao động cho biết thu nhập của họ chỉ đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh ở mức cơ bản; 38% chỉ đủ tiền để mua một số loại thuốc cơ bản; 5,6% hoàn toàn không đủ mua thuốc và khám chữa bệnh. Với thực trạng trên, tổ chức Công đoàn cho rằng, việc điều chỉnh sớm tiền lương tối thiểu vùng là cấp bách và cần thiết đối với người lao động.

Xung quanh việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động, trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Hữu Dũng - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội – Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Viện Khoa học Tổ chức nhà nước và Lao động - Bộ Nội vụ) cho rằng, để nâng chất cuộc sống của người lao động, tăng lương là giải pháp then chốt.

Ở khía cạnh khác, tới đây, những người lao động ở khối giáo dục, y tế hưởng lương từ ngân sách nhà nước sẽ được nhận mức lương cao. Ví dụ như giáo viên được hưởng mức lương cao nhất theo bảng lương mới. Trong khi đó, người lao động ở khối sản xuất kinh doanh lại không được tăng lương thì mặt bằng chung bị chênh lệch, tạo ra khoảng cách lớn, không công bằng trong mối quan hệ lao động.

Đồng tình, ông Phạm Minh Huân - nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Nội vụ) cũng cho rằng, tăng lương giúp người lao động có thêm nhu cầu để bù đắp cho chi phí sinh hoạt thiết yếu. Theo ông Huân, trong bối cảnh cuộc sống của người lao động còn rất nhiều khó khăn, thiếu trước hụt sau nếu thực hiện được ngay từ tháng 7/2025 là tốt, nếu không thì thực hiện từ ngày 1/1/2026 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị phương án, nguồn kinh phí. Vì hiện nay các doanh nghiệp đang đứng trước nhiều thách thức.

Từ năm 2014 đến nay, lương tối thiểu trải qua nhiều lần điều chỉnh với mức tăng như sau: 15,2% (năm 2014); 14,2% (năm 2015); 12,4% (năm 2016); 7,3% (năm 2017); 6,5% (năm 2018); 5,3% (năm 2019); 5,5% (từ năm 2020 đến tháng 6/2022); 6% (từ tháng 7/2022 đến tháng 6/2024); 6% (từ tháng 7/2024 đến nay).Hiện mức lương tối thiểu theo tháng tại vùng I là 4,96 triệu đồng, vùng II là 4,41 triệu đồng, vùng III là 3,86 triệu đồng, vùng IV là 3,45 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trì hoãn sinh con vì thu nhập thấp