Tinh hoa Việt

Trí thức kiều bào hiến kế

Mai Loan 29/08/2024 09:30

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ IV và Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 vừa diễn ra tại Hà Nội đã quy tụ hơn 400 kiều bào ở 42 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Tại đây, nhiều trí thức và chuyên gia kiều bào đã phát biểu những ý kiến tâm huyết.

chup-anh-cung-kieu-bao.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chụp ảnh chung với kiều bào.

TS Lê Viết Quốc – nhà nghiên cứu AI tại tập đoàn Google- chuyên gia hàng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo: Trí tuệ nhân tạo là cơ hội lớn cho Việt Nam

Tôi sinh ra tại Huế, miền Trung Việt Nam, và rời quê hương để du học khi mới 19 tuổi. Tính đến nay, tôi đã sống ở nước ngoài 23 năm, nghĩa là thời gian tôi ở nước ngoài còn dài hơn thời gian tôi sống tại Việt Nam. Nhưng trong những giấc mơ của tôi, hình ảnh Việt Nam luôn hiện hữu. Dù đi đến thành phố nào trên thế giới, tôi cũng phải tìm ăn món phở. Tôi tự hào đã thưởng thức phở trên 6 lục địa, và lục địa duy nhất mà tôi chưa ăn phở chính là Nam Cực.

aa.jpg

Niềm đam mê với khoa học đã khơi dậy trong tôi từ thời thơ ấu, khi tôi nhận ra rằng trí tuệ nhân tạo chính là chìa khóa mở ra những cuộc cách mạng tương lai. Chẳng hạn như việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để sáng chế ra vaccine chống ung thư hoặc phát triển những vật liệu hiệu quả hơn cho năng lượng mặt trời. Đây chỉ là một vài trong vô số ví dụ về tiềm năng vô hạn của trí tuệ nhân tạo.

Việt Nam cần nhìn nhận rằng cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo đang diễn ra như một cơn sóng ngầm, và một ngày nào đó, nó sẽ bùng nổ thành một cơn sóng thần cuốn trôi tất cả.

Trong thập kỷ tới, đây sẽ là một thách thức lớn khi nhiều công việc truyền thống bị tự động hóa. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội vô cùng lớn cho Việt Nam. Trong khi nhiều quốc gia khác vẫn tiếp tục bị ràng buộc bởi các công việc hiện tại, Việt Nam có thể tiến thẳng lên và phát triển cùng với trí tuệ nhân tạo.

Bằng kinh nghiệm của mình, tôi xin đề xuất 4 khuyến nghị để Việt Nam có thể biến thách thức thành cơ hội:

- Thứ nhất, Việt Nam nên nhận ra rằng tài sản lớn nhất của mình chính là con người. Dựa trên nền tảng này, chúng ta nên đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ở bậc đại học. Việt Nam nên xây dựng một trường đại học tầm cỡ châu Á về trí tuệ nhân tạo, với các chương trình đào tạo chuyên sâu ngay từ những năm đầu.

- Thứ hai, sau khi đã đầu tư vào con người, chúng ta cần phải tìm cách tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao. Cách tốt nhất để thực hiện điều này là đầu tư vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Kinh nghiệm cho thấy, trong mỗi cuộc cách mạng đều có kẻ thắng, người thua, và cách hiệu quả nhất để tìm ra người thắng cuộc là tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp đa dạng và mạnh mẽ.

- Thứ ba, Việt Nam nên tập trung phát triển mạnh mẽ các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo. Trong thế kỷ 21, trí tuệ nhân tạo sẽ là công cụ quan trọng, và ai đi sau sẽ bị bỏ lại phía sau… Việt Nam cần đặt ra những mục tiêu quốc gia đầy tham vọng, áp dụng trí tuệ nhân tạo trong các lĩnh vực như y tế công cộng, giao thông, và nhiều lĩnh vực khác.

- Thứ tư, Việt Nam nên thành lập một hội đồng cố vấn cấp cao về chip và trí tuệ nhân tạo. Đây là những lĩnh vực đang phát triển với tốc độ chóng mặt, và hội đồng này sẽ giúp đưa ra những quyết sách nhanh chóng và chính xác trong các lĩnh vực mũi nhọn này.

Ông Hoàng Đình Thắng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội người Việt Nam tại châu Âu: Cần quyết sách mang tính đột phá

ong-hoang-dinh-thang(1).jpg

Cần có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài và xác định quốc tịch cho trẻ em người Việt lai.

Nhiều quốc gia trên thế giới thay đổi chính sách quốc tịch đối với người nhập cư, do đó nhiều bà con người Việt đã xin thôi quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nay có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài.

Nguyện vọng chính đáng này của bà con nhằm mục đích giữ mối liên hệ chặt chẽ về pháp lý với Nhà nước Việt Nam và truyền cho các thế hệ sau. Mặc dù đã có quy định, tuy nhiên triển khai trên thực tế rất khó khăn, nhiều quy định và giấy tờ không thể thực hiện được dẫn đến rất ít người được trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài, trong khi số người có nguyện vọng rất nhiều.

“Đi để trở về”, bà con ta dù ra đi với bất kỳ lý do, hoàn cảnh nào, nhưng từ sâu thẳm trái tim vẫn luôn hướng về cố hương, luôn khát khao trở về nguồn cội. Tổ quốc luôn mở rộng vòng tay đón những người con xa xứ trở về, mong muốn được chung tay, gánh vác việc nước.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn

Thông qua tiếp xúc cấp cao và kênh ngoại giao, cần thúc đẩy một số quốc gia công nhận cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ở một số địa bàn có đủ điều kiện là dân tộc thiểu số; thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước, tăng cường quản lý hoạt động đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài và công tác đào tạo tay nghề, ngoại ngữ cho người lao động trước khi ra nước ngoài.

Hỗ trợ thành lập mới các hội đoàn phù hợp với đặc thù của từng địa bàn; tạo các diễn đàn cho cán bộ hội đoàn có “sân chơi” để kết nối, trao đổi thông tin và chia sẻ kinh nghiệm; hỗ trợ hoạt động của các hội đoàn rất tích cực nhưng gặp khó khăn trong vận hành tổ chức; quan tâm đến việc xây dựng và bồi dưỡng cán bộ hội đoàn trẻ, chuẩn bị tốt cho việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo hội đoàn.

Xây dựng hiệu quả cơ chế tiếp nhận, xử lý và phản hồi ý kiến của kiều bào, cải cách thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng, nhanh gọn và minh bạch…

TS Trần Hải Linh – Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân đầu tư Việt Nam- Hàn Quốc (VKBIA): Tăng cường vai trò của kiều bào tiêu biểu

tran-hai-linh.jpg

Là Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, TS Trần Hải Linh - kiều bào Hàn Quốc, nhận định: Những hoạt động thiết thực của các hội đoàn chính là một kênh quan trọng để giúp gắn kết bà con mình ở nước sở tại với nhau. Đầu tiên là cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi; sau đó, các hội đoàn là nơi tập hợp những bà con cùng chung quan điểm, chí hướng để hỗ trợ nhau trong công việc nơi đất khách và cùng nhau đóng góp cho quê hương, đất nước.

Trao đổi với chúng tôi, TS Trần Hải Linh cho rằng, vai trò, vị thế và kinh tế đất nước ngày càng đi lên, khẳng định hơn nữa vị thế đất nước trên trường quốc tế. Thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc đều dành sự quan tâm đặc biệt đối với người Việt Nam ở nước ngoài, với việc thường xuyên tổ chức gặp mặt, đối thoại để lắng nghe tiếng nói của kiều bào, tạo điều kiện thuận lợi nhất để những người xa quê có điều kiện trở về, đóng góp công sức dựng xây đất nước. Hội nghị lần này chính là thêm một diễn đàn nữa để bà con kiều bào nói suy nghĩ của mình và là dịp để lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các lãnh đạo bộ, ngành lắng nghe những ý kiến tâm huyết của bà con.

le-khai-giang-lop-tieng-viet-yeu-thuong.jpg
Lễ khai giảng Lớp tiếng Việt yêu thương của Trường Việt ngữ Cây Tre (vùng Kansai, Nhật Bản).

Với mong muốn đó, TS Trần Hải Linh nêu các đề xuất với Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam: Tăng cường thu hút, phát huy nguồn lực đầu tư, thương mại, chất xám, mối quan hệ từ các trí thức, doanh nhân... phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước. Có “cơ quan đầu mối có thẩm quyền” để trực tiếp hỗ trợ, kết nối trí thức, doanh nhân; tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp kiều bào với doanh nghiệp trong nước để trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ tiên tiến, làm cầu nối đưa hàng hóa Việt Nam phát triển và đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu…

Tăng cường vai trò của các đại diện kiều bào tiêu biểu và các doanh nhân – chuyên gia – trí thức là người nước ngoài hiểu và yêu mến Việt Nam (là người hiểu được rõ cả 2 phía) trong công tác hỗ trợ các cơ quan chức năng của Việt Nam phác thảo những chương trình, kế hoạch mang định hướng chiều sâu là điều hết sức quan trọng.

Gìn giữ bản sắc gắn kết cộng đồng
Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam Phan Bích Thiện, kiều bào tại Hungary bày tỏ mong muốn: “Vượt qua giới hạn từng quốc gia, chúng ta nên mở rộng các hoạt động hội đoàn ra phạm vi khu vực hoặc châu lục”. Vốn là Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu, Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam tại Hungary, bà Thiện hiểu rất rõ, “kết nối được các tổ chức hội đoàn thì sẽ cộng hưởng được sức mạnh và tầm ảnh hưởng sẽ được lan tỏa hơn.”
Trở lại với hình mẫu cụ thể là Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam tại châu Âu (Diễn đàn) được tổ chức lần đầu tiên tháng 6/2023 tại Budapest. Sau sự kiện này các thành viên của Diễn đàn được hình thành và Diễn đàn trở thành một tổ chức có nhiều hoạt động chung tay hiệu quả và ý nghĩa với Ban điều hành gồm 68 thành viên từ 16 quốc gia. Diễn đàn đã tổ chức được lần đầu tiên đoàn đại biểu phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài tham gia Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu năm 2024. Sắp tới đây Diễn đàn cũng sẽ ra mắt Câu lạc bộ Di sản Áo dài toàn châu Âu và tại từng quốc gia nhằm quảng bá sâu rộng hơn cho giá trị văn hóa trang phục áo dài Việt Nam trên thế giới. Diễn đàn cũng ký kết thỏa thuận hợp tác và triển khai các hoạt động rất hiệu quả với các tổ chức trong nước như Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội nữ doanh nhân TP Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ, Kênh đối ngoại Đài tiếng nói Việt Nam. Diễn đàn cũng đang phối hợp cùng Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức Cuộc thi viết văn thơ về người phụ nữ Việt Nam nơi xa xứ. Diễn đàn cũng đã có rất nhiều đóng góp lớn trong các hoạt động thiện nguyện đối với quê hương, đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng Bằng khen.
Được hỏi về những gì mà Diễn đàn đạt được chỉ trong 1 năm qua, kể từ sau khi ra đời, bà Thiện cho rằng: Những thành tựu trên khó có thể đạt được trong khuôn khổ hội đoàn ở phạm vi một quốc gia, mà là kết quả của sự hợp tác, kết hợp tiềm năng của các tổ chức phụ nữ từ nhiều nước. Và, để đạt được những kết quả trên là nhờ đã có những hoạt động mà chị em người Việt ở các nước cảm thấy thực sự có ý nghĩa và hiệu quả nên sẵn sàng hưởng ứng và đồng hành. Bà Phan Bích Thiện cho rằng: Tham gia hội đoàn ở nước ngoài là tự nguyện nên hội đoàn chỉ có thể quy tụ được nhiều người tham gia nếu họ thấy việc tham gia là bổ ích và ý nghĩa, đặc biệt trong thời đại mới khi bà con trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài có nhiều lựa chọn cho bản thân. Điều đáng nói, hiện chị em phụ nữ tham gia Diễn đàn không phải qua thuyết phục mà do nhiều tổ chức phụ nữ và chị em cảm thấy Diễn đàn đã nói được tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của họ.
Nói về kinh nghiệm xây dựng và đa dạng hóa các tổ chức của người Việt cũng như đưa hoạt động của hội đoàn vượt ra khỏi phạm vi cộng đồng của người Việt, TS Phan Bích Thiện cho rằng: Cần có cách thức hoạt động phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau để vận động được nhiều hơn bà con tham gia vào các hoạt động chung của cộng đồng. Để hội nhập tốt bền vững và nâng vị thế của cộng đồng người Việt chúng ta cần đưa các hoạt động hội đoàn hướng tới nước sở tại và vươn ra quốc tế. Chúng ta nên vận động cả các bạn bè người bản xứ tham gia các hoạt động của người Việt để họ hiểu hơn về Việt Nam và góp phần làm cho mối quan hệ giữa người dân hai nước gần gũi hơn.

Lan tỏa tình yêu quê hương và tiếng Việt trong cộng đồng
Mới đây, một Lớp học tiếng Việt yêu thương cho trẻ em người Việt Nam thế hệ thứ 2, thứ 3 tại khu vực Kansai, Osaka, Nhật Bản mới được khai giảng, thu hút hơn 100 em học sinh theo học, trong đó có 30 em học trực tiếp và 70 em học online gồm lứa tuổi từ 5-14. Lớp học do Trường Việt ngữ Cây Tre – ngôi trường cộng đồng đầu tiên tại Nhật Bản - phối hợp với Hội phụ nữ Việt Nam vùng Kansai, Hội liên lạc với Người Việt Nam ở nước ngoài, Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, cũng nhằm hưởng ứng Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài”.
Về dự Hội nghị, bà Lê Thương - người sáng lập Trường Việt ngữ Cây Tre, Phó Chủ tịch thường trực Hội phụ nữ Việt Nam vùng Kansai - bày tỏ, bà mong muốn qua việc học tiếng Việt, các con sẽ không chỉ nắm vững ngôn ngữ mẹ đẻ, mà còn hiểu thêm về văn hóa, lịch sử và truyền thống của đất nước Việt Nam. “Học tiếng Việt không chỉ giúp các em phát triển bản thân, mà còn góp phần gắn kết tình thân hơn giữa các thành viên trong gia đình, nâng cao vai trò, vị thế của Tiếng Việt tại xứ sở Mặt trời mọc”, bà Thương nói.
Nhưng hơn cả một lớp học tiếng mẹ đẻ, những lớp học tiếng Việt chính là những lớp học nối dài sợi dây yêu thương với quê mẹ. Các em biết tiếng mẹ đẻ, hiểu được văn hóa cũng có nghĩa các em sẽ thêm gắn bó với quê hương Việt Nam thân yêu.
Bà Văn Hương Phênh Khăm May, Hiệu trưởng trường song ngữ Lào-Việt Nam Nguyễn Du- một trường liên cấp với trên 1.000 học sinh, trong đó 30% là con em người Việt, các em học sinh vừa học tiếng phổ thông là tiếng Lào, vừa học tiếng Việt. “Tại đây, học sinh không chỉ đơn thuần học đọc, viết và nói tiếng Việt, mà còn tìm hiểu văn hóa, lịch sử Việt Nam. Giáo viên trong Trường luôn tiên phong sáng tạo, thay đổi phương pháp giảng dạy, kết hợp giữa giáo trình và thực tế để phù hợp hơn. Qua đó, giáo dục các em về trách nhiệm gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp của hai dân tộc Lào-Việt”, hiệu trưởng Văn Hương Phênh Khăm May chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trí thức kiều bào hiến kế