Cùng với việc tiếp tục phát triển, hoàn thiện hạ tầng giao thông thì tỉnh Quảng Ninh xác định cần phải đầu tư xây dựng được hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại để có thể tận dụng những lợi ích của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm đẩy nhanh hơn nữa tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững.
Trong những năm gần đây, Quảng Ninh được biết đến là tỉnh luôn đứng trong tốp đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và các chỉ số về cải cách hành chính như: PAR index, SIPAS, PAPI hay chỉ số về sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT index)…
Có được những kết quả toàn diện kể trên là do ngay từ rất sớm tỉnh Quảng Ninh đã tiên phong trong việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin. Từ năm 2012, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đầu tư, triển khai Đề án xây dựng thành công Chính quyền điện tử và các trung tâm dịch vụ hành chính công từ tỉnh đến các địa phương. Hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động, công tác chỉ đạo, điều hành, phục vụ của chính quyền thông qua hệ thống hạ tầng, hệ thống thông tin dùng chung được triển khai sâu, rộng cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) và liên thông với Chính phủ. Đây là mô hình đầu tiên trong cả nước được Trung ương, các tỉnh bạn đánh giá cao nhân rộng trong cả nước và được người dân, doanh nghiệp ghi nhận, ủng hộ.
Cùng với những thành công đã đạt được trong xây dựng Chính quyền điện tử, từ năm 2016 tỉnh đã phê duyệt và triển khai Đề án thành phố thông minh gồm 32 nhiệm vụ, dự án với mục tiêu: Xây dựng thành phố thông minh lấy người dân làm trung tâm, các ứng dụng công nghệ thông tin phải cải thiện và nâng cao tiện lợi cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực quản lý, chất lượng hiệu quả các hoạt động kinh tế - xã hội.
Tỉnh Quảng Ninh xác định việc xây dựng và triển khai mô hình thành phố thông minh sẽ góp phần đảm bảo các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn để đạt tới mục tiêu xây dựng thành phố đáng sống, thành phố có giá trị, có sức cạnh tranh và đạt mục tiêu phát triển bền vững.
Trải qua gần 10 năm kể từ khi Quảng Ninh xây dựng Chính quyền điện tử, tỉnh Quảng Ninh có được 6 nội dung đi đầu trong xây dựng nền tảng công nghệ thông tin, đó là: tỉnh đầu tiên xây dựng Đề án Chính quyền điện tử; tỉnh đầu tiên ban hành Khung kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh; tỉnh đầu tiên thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công; là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc gửi nhận được văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số liên thông 4 cấp; tỉnh đầu tiên phê duyệt Đề án thành phố thông minh tập trung vào các ngành lĩnh vực trọng điểm; tỉnh đầu tiên triển khai xây dựng Đề án Chính quyền số.
Cùng với hạ tầng công nghệ thông tin được xây dựng thì tỉnh Quảng Ninh cũng đã đào tạo được một đội ngũ cán bộ công chức và công dân điện tử sẵn sàng tiếp nhận, vận hành tốt hệ thống công nghệ thông tin phục vụ phát triển. Đây sẽ là nền tảng tốt để tỉnh Quảng Ninh xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin ở cấp độ cao hơn.
Theo ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh: Hạ tầng cứng về giao thông, đô thị của tỉnh Quảng Ninh đã có những thành công ban đầu nhưng nhưng hiện nay hạ tầng về công nghệ thông tin viễn thông trong cuộc đua để đón bắt cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì đòi hỏi phải đi trước, làm trước. Năm 2021, chậm nhất đến năm 2023, tỉnh Quảng Ninh sẽ hoàn thành chuyển đổi số toàn diện để đảm bảo thực hiện, điều hành các công việc trên môi trường mạng, thực hiện số hóa ở mức tối đa. Năm 2021, chuyển từ mức dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 sang dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 ở mức cao nhất.
Hiện tỉnh Quảng Ninh đang tập trung triển khai các nhiệm vụ xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin viễn thông theo hướng ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư thúc đẩy phát triển giáo dục thông minh, sản xuất thông minh, quản lý thông minh, xây dựng chính quyền điện tử, đô thị thông minh, đô thị xanh, đào tạo công dân thông minh. Thực hiện chuyển đổi số trong quản trị công, sản xuất, kinh doanh, tổ chức xã hội. Đẩy mạnh triển khai thanh toán điện tử, quản lý thuế và các dịch vụ phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số…
Những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, cùng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị sẽ là nền tảng vững chắc để tỉnh Quảng Ninh xây dựng thành công hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và nguồn nhân lực công nghệ thông tin hiện đại, tạo động lực để tỉnh phát triển nhanh, bền vững hơn.