Ngày 27/2, tại TP HCM, Bộ Thông tin - Truyền thông (TTTT) phối hợp Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam tổ chức Hội thảo phổ biến chính sách mới về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình với tất cả các đơn vị Đài phát thanh-truyền hình Trung ương, địa phương và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Tại hội thảo, đại diện Bộ TTTT đã cung cấp cho các đơn vị một số quy định mới về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình trên cơ sở văn bản hợp nhất Nghị định số 06/2016/NĐ-CP và Nghị định số 71/2022/NĐ-CP, đã có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2023.
Chính sách mới quy định chi tiết việc quản lý nội dung thông tin, chất lượng, giá, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Việt Nam; thu xem kênh chương trình truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh tại Việt Nam; quy định mới về quản lý liện kết sản xuất chương trình phát thanh truyền hình và biên tập, phân loại với các doanh nghiệp trong nước, nội dung theo yêu cầu VOD;...
Theo đại diện Bộ TTTT, chính sách mới cũng phân định rõ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá. Trong đó, đối tượng áp dụng là các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan đến hoạt động quản lý nội dung thông tin, chất lượng, giá, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Việt Nam.
Bộ TTTT hiện là cơ quan sẽ chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về các loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã ký Quyết định số 232 về việc thành lập Tổ tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài lĩnh vực thông tin và truyền thông. Tổ tư vấn gồm 16 thành viên, do ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế làm Tổ trưởng.