Với Trí tuệ nhân tạo (AI) đang bước vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta, hiện mọi người đang sống trong một kỷ nguyên mà trước đó chỉ hiện hữu trong phim khoa học viễn tưởng.
Chăm sóc sức khỏe: Lĩnh vực được quan tâm hàng đầu
Có lẽ một trong những lĩnh vực được nghiên cứu nhiều nhất trong lĩnh vực công nghệ AI là chăm sóc sức khỏe. Một ứng dụng rất quan trọng của AI đối với ngành này là việc mở ra xu hướng “y tế (có tính) cá nhân hóa.”
Với cách tiếp cận mới dựa trên các dữ liệu (như lịch sử/hồ sơ bệnh án, yếu tố môi trường, nghiên cứu lâm sàng...), cùng các thuật toán Machine Learning (thuật tự học) và các công cụ chính xác tới hàng phân tử, các bác sỹ giờ đây có thể tìm hiểu được diễn biến của các loại bệnh tật, qua đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp với từng cá nhân. Bên cạnh đó, những bộ phận giả có tích hợp AI đang dần phổ biến hơn. Năm 2017 đã xuất hiện tay giả giúp người dùng cảm nhận được vật đang cầm nắm.
Với việc các phần mềm AI có khả năng nhận dạng các đồ vật đang trở nên rẻ hơn, trong vòng một năm nữa sẽ có ngày càng nhiều bộ phận giả được tích hợp cảm biến, giúp người dùng cảm nhận được áp lực hoặc nhiệt độ như chân tay thật. Các hệ thống trong tương lai cũng sẽ có thể “giao tiếp” với não của con người, qua đó làm giảm đáng kể những giới hạn mà người tàn tật phải đối mặt và giúp cuộc sống của người cao tuổi dễ dàng hơn.
Một ứng dụng quan trọng khác của AI trong ngành y tế là các trợ lý robot (Robot Assistant). Robot có thể giúp người bệnh thực hiện các hoạt động hàng ngày, hoặc thông báo cho ai đó khi bệnh nhân không thể rời khỏi giường…
Thực tế, một công ty Nhật Bản vào năm 2014 đã phát triển một trợ lý robot mang tên “Pepper” có thể hiểu được cảm xúc của con người, cũng như tự phát triển tình cảm riêng. Pepper được tung ra thị trường vào năm 2015 và khá “đắt hàng.” Sang năm 2016, Pepper đã được chào bán tại nhiều nước khác nhau và bắt đầu đưa vào hoạt động tại các bệnh viện của Bỉ. Đến cuối năm nay, sẽ càng có nhiều bệnh viện và nhà riêng đón nhận sự hiện diện của trợ lý robot này.
Sự bùng nổ của các “trợ lý ảo”
Một trong những ảnh hưởng tích cực nhất của việc áp dụng AI vào dịch vụ chăm sóc khách hàng là xu hướng cá nhân hóa trải nghiệm.
Các thuật toán AI có thể theo dõi, phân tích và xây dựng dữ liệu (như hành vi, nhân khẩu học, vị trí), qua đó các công ty và tổ chức có thể xác định danh tính của khách hàng và đề xuất dịch vụ tốt nhất. Ngoài ra, trong tương lai các công cụ AI sẽ phản ứng với khách hàng một cách sâu rộng và tình cảm hơn.
Loại hình ứng dụng khác của AI mà con người sẽ bắt đầu trải nghiệm nhiều hơn vào năm 2018 là các trợ lý ảo (Virtual Assistant), Chatbot (một hình thức thô sơ hơn của AI) hoặc robot cố vấn (Roboadvisor).
Các ứng dụng này không chỉ hiểu được cảm xúc của người dùng và phản ứng lại mà còn khắc chế rào cản ngôn ngữ - hiện vẫn là một trở ngại lớn trong các dịch vụ chăm sóc khách hàng. Có thể nói rằng với tốc độ phát triển hiện tại, sẽ có nhiều công ty tập trung vào việc phát triển hoặc sử dụng chatbot và trợ lý ảo trong thời gian tới.