Ổ nhóm tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia hoạt động cưỡng đoạt tài sản trên không gian mạng bằng hình ảnh, video nhạy cảm với số tiền hơn 300 tỉ đồng đã bị Công an tỉnh Quảng Trị triệt phá.
Ngày 8/7, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết: Qua công tác nắm tình hình và triển khai các biện pháp nghiệp vụ, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Bình, nay là Công an tỉnh Quảng Trị) đã phát hiện một ổ nhóm tội phạm chuyên sử dụng hình ảnh, video nhạy cảm để cưỡng đoạt tài sản trên không gian mạng.
Ổ nhóm tội phạm này có quy mô khoảng 150 đối tượng, do các đối tượng người nước ngoài (quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc...) cầm đầu, móc nối với một số đối tượng người Việt Nam hoạt động tại khu Kimsa3, TP. Bavet, tỉnh Svay Riêng (Campuchia), gần cửa khẩu Quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh).
Trước tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ việc, lãnh đạo Công an tỉnh Quảng Bình (cũ) đã báo cáo Bộ Công an xin xác lập chuyên án đấu tranh.
Đại tá Lê Văn Hóa, Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Bình, được giao làm Trưởng ban Chuyên án, trực tiếp phối hợp với công an các tỉnh, thành và các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ triển khai phá án.
Từ ngày 26/2 đến 3/3/2025, Ban Chuyên án đã triệu tập, đấu tranh làm rõ 15 đối tượng trong nước có liên quan đến hoạt động dựng hình ảnh, video nhạy cảm để tống tiền. Đồng thời, vận động 5 đối tượng ra đầu thú. Đây là giai đoạn mở đầu cho quá trình triệt phá toàn bộ tổ chức tội phạm.
Ổ nhóm tội phạm này được tổ chức tinh vi, chia thành nhiều bộ phận: Bộ phận “Quản lý” phụ trách điều hành, phân công nhiệm vụ; bộ phận “Tìm kiếm thông tin mục tiêu” truy xuất dữ liệu cá nhân trên mạng; bộ phận “Nuôi khách” tiếp cận, làm quen và tạo cảm tình với mục tiêu để thu thập hình ảnh, video;
bộ phận “Tạo video, hình ảnh nhạy cảm” dựng clip nhằm đe dọa; bộ phận “Tống tiền” gửi nội dung đe dọa; bộ phận “Đối soát dòng tiền, rửa tiền” sử dụng tài khoản ngân hàng, tiền ảo để che giấu dòng tiền.
Theo Trung tá Trần Anh Tuấn, Trưởng Phòng An ninh mạng, Phó Trưởng ban Chuyên án: Các đối tượng thường mua hoặc tìm kiếm dữ liệu cá nhân công khai từ các trang mạng, sau đó sử dụng tài khoản ảo trên Zalo, Facebook (giả danh phụ nữ trẻ đẹp, đơn thân...) để tiếp cận nạn nhân.
Khi tạo được lòng tin, chúng dụ dỗ nạn nhân gửi hình ảnh, video riêng tư rồi dựng clip nhạy cảm, đe dọa cưỡng đoạt tiền. Do tâm lý lo sợ, nhiều nạn nhân chấp nhận chuyển tiền, không trình báo với cơ quan chức năng.
Từ kết quả điều tra ban đầu, Ban Chuyên án mở rộng phá án ra nước ngoài. Ban Chuyên án đã nhiều lần cử cán bộ trực tiếp sang làm việc, phối hợp với cơ quan đại diện Bộ Công an Việt Nam tại Campuchia và Tổng cục Cảnh sát, Bộ Nội vụ Campuchia.
Qua công tác trinh sát, Ban Chuyên án xác định tổ chức tội phạm đang hoạt động trong tòa nhà 16, khu Kimsa3, TP. Bavet với hơn 100 đối tượng. Tuy nhiên, đây là khu vực phức tạp về an ninh nên việc tiếp cận, thu thập chứng cứ gặp rất nhiều khó khăn.
Ngày 6-7/4/2025, lực lượng chức năng Campuchia đã tổ chức triệu tập, bắt giữ 3 đối tượng người Việt là Tẩn Quang Huy (20 tuổi), Tấn Tuấn Anh (26 tuổi, cùng trú Lào Cai) và Vũ Đình Nhân (28 tuổi, trú Ninh Bình). Các đối tượng sau đó được bàn giao cho Công an Việt Nam để di lý, đấu tranh, khai thác.
Qua đấu tranh, Ban Chuyên án đã xác định thủ đoạn tinh vi liên quan đến tổ chức tội phạm này, đó là: Chúng thuê tổ chức rửa tiền chuyên nghiệp, sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ, tài khoản ngân hàng doanh nghiệp để nhận tiền của bị hại.
Khi có nguồn tiền vào của các bị hại, chúng luân chuyển dòng tiền qua rất nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau và cuối cùng là rửa tiền thông qua hoạt động mua bán tiền điện tử (USDT) để tránh sự kiểm tra, phát hiện.
Kết quả xác minh ban đầu cho thấy, trong số 11/20 tài khoản ngân hàng của các đối tượng sử dụng nhận tiền của bị hại có tổng giao dịch tiền chuyến đến là gần 300 tỉ đồng.
Hiện vụ án đang tiếp tục được mở rộng điều tra.