Triệu chứng hậu Covid-19: Điều trị cách nào?

THẾ TUẤN 20/03/2022 14:00

Một nghiên cứu công bố trên tạp chí Thần kinh học của Mỹ cho rằng hội chứng Covid-19 kéo dài (hay gọi là hậu Covid) gây tổn thương dây thần kinh ở các mức độ khác nhau là do khiếm khuyết trong phản ứng miễn dịch. Phát hiện này làm dấy lên lo ngại về các triệu chứng hậu Covid, nhưng với giới y khoa thì lại hy vọng điều đó có thể mở ra triển vọng về một phương pháp điều trị mới cho các bệnh nhân bị tổn thương thần kinh ngoại biên.

Hậu Covid đang là mối quan tâm của nhiều người.

Trong nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Thần kinh học của Mỹ, nhóm các nhà khoa học do TS Anne Louise Oaklander (Bệnh viện đa khoa Massachusetts) dẫn đầu đã tiến hành các cuộc kiểm tra chuyên sâu đối với 170 trường hợp gặp hội chứng Covid-19 kéo dài - một tình trạng xuất hiện trong vòng 3 tháng sau khi mắc Covid-19 và kéo dài ít nhất 2 tháng, với các triệu chứng mệt mỏi, tim đập nhanh, khó thở, giảm nhận thức, đau mãn tính, những bất thường về giác quan và yếu cơ. Có khoảng 30% người đã khỏi Covid-19 gặp phải hội chứng này, tuy rằng không quá nặng.

“Lối mở” nghiên cứu các bệnh liên quan đến hệ thần kinh

Nhóm nghiên cứu đã tập trung xem xét các trường hợp có triệu chứng giống như một loại tổn thương thần kinh, hay còn gọi là bệnh lý thần kinh ngoại biên. Trong số này, hầu hết các trường hợp mắc Covid-19 nhẹ và không trường hợp nào bị tổn thương thần kinh trước khi mắc bệnh. Sau khi loại bỏ những nguyên nhân khác, các nhà nghiên cứu đã thực hiện hàng loạt các thử nghiệm để xác định xem liệu hệ thống thần kinh ở những bệnh nhân này có bị ảnh hưởng hay không.

Bà Oaklander cho biết sau khi xem xét kết quả chẩn đoán đối với từng trường hợp, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng đa số các trường hợp bị bệnh lý thần kinh ngoại biên liên quan đến các sợi thần kinh nhỏ. Đây là các sợi thần kinh dẫn truyền cảm giác và điều phối các chức năng của cơ thể không tự chủ như hệ tim mạch và hô hấp.

Phát hiện này phù hợp với kết quả nghiên cứu hồi tháng 7/2021 của TS Rayaz Malik thuộc trung tâm y khoa Weill Cornell ở Qatar, trong đó cũng chỉ ra mối liên hệ giữa tổn thương thần kinh giác mạc và hội chứng Covid-19 kéo dài.

Theo TS Avindra Nath - chuyên gia thần kinh và miễn dịch học tại Viện Nghiên cứu quốc gia về rối loạn thần kinh và đột quỵ (Mỹ), kết quả nghiên cứu cho thấy điều trị các tổn thương thần kinh bằng liệu pháp miễn dịch có thể sẽ mang lại hiệu quả, mặc dù nghiên cứu chỉ áp dụng riêng đối với các bệnh nhân bị hội chứng Covid-19 kéo dài với các triệu chứng tổn thương thần kinh thuộc loại trên. Và đây sẽ là “lối mở” cho nghiên cứu các bệnh liên quan đến hệ thần kinh.

Nhưng đáng tiếc là tác hại của hậu Covid-19 không chỉ đến hệ thần kinh, mà còn có thể có những tác động xấu nữa. Kết quả nghiên cứu công bố mới đây tại EuroEcho 2021 - hội nghị khoa học thường niên của Hiệp hội Tim mạch châu Âu (ESC) diễn ra ở Berlin, Đức cho biết: Họ đã tiến hành phân tích dữ liệu của 66 bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Đại học Brussels (Bỉ), trong đó 67% là nam giới, độ tuổi từ 50 đến 60 và đều không có tiền sử bệnh lý tim, phổi. Sau 1 năm, “tái khám”, nhóm nghiên cứu phát hiện 23/66 người tham gia nghiên cứu (35%) bị hụt hơi, khó thở khi vận động gắng sức.

Trưởng nhóm nghiên cứu, nữ TS Luchian, cho biết siêu âm tim là công cụ giúp phát hiện sớm những bất thường ở chức năng tim của các bệnh nhân gặp hội chứng Covid-19 kéo dài. Các triệu chứng thường gặp nhất bao gồm mệt mỏi, thở gấp, khó tập trung, gặp các vấn đề liên quan đến giấc ngủ, lo lắng và trầm cảm.

Hai luồng ý kiến về “hậu Covid”

Hiện “hậu Covid” đang gây tranh cãi trong giới y học. Một luồng ý kiến cho rằng, nhiều loại bệnh đã tấn công người khỏi Covid-19 và việc điều trị là khó khăn. Luồng ý kiến khác lại cho rằng, câu chuyện đã được thổi phồng và rằng sau một trận ốm thì cơ thể suy nhược, cần thời gian để hồi phục nên trong người mệt mỏi, kể cả suy giảm trí nhớ thì cũng là điều bình thường. Chúng sẽ tự biến mất theo thời gian.

Ở luồng ý kiến thứ nhất, một nghiên cứu đăng trên tạp chí y học The Lancet của Anh cho rằng một nửa số bệnh nhân Covid-19 phải chịu đựng ít nhất 1 triệu chứng (hầu hết là mệt mỏi hoặc yếu cơ) kéo dài 12 tháng sau khi ra viện. Khoảng 1/3 bệnh nhân vẫn còn biểu hiện khó thở trong thời gian đó. Con số này thậm chí còn cao hơn ở các bệnh nhân bị nặng hơn.

The Lancet nhận định: “Vì không có thuốc điều trị dứt điểm hay hướng dẫn phục hồi, Covid kéo dài tác động xấu đến khả năng con người có thể nối lại cuộc sống bình thường và trở lại làm việc. Nhiều bệnh nhân phải mất hơn 1 năm trời để bình phục hoàn toàn”.

Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng cho biết, số bệnh nhân được quan sát có ít nhất 1 triệu chứng đã giảm từ 68% sau 6 tháng xuống còn 49% sau 12 tháng. Phụ nữ bị ảnh hưởng nhiều hơn nam giới 43%, liên quan đến các triệu chứng mệt mỏi, yếu cơ kéo dài, và gấp đôi về các triệu chứng lo lắng hoặc trầm cảm. Tuy nhiên họ vẫn có thể quay lại làm việc.

“Hậu Covid là một thách thức y tế trực tiếp hiện nay, chúng ta cần tạo ra các điều kiện và cách thức chăm sóc tốt hơn cho những người đã khỏi Covid-19 và bản thân họ cũng cần hiểu rõ những gì họ có thể phải đối diện. Nó không quá khủng khiếp nhưng cũng không nên coi thường” - theo The Lancet.

Trong khi đó, một nghiên cứu tại Anh cho biết phần lớn trẻ em cấp tiểu học và trung học không có các triệu chứng hậu Covid-19 như mệt mỏi kéo dài, khó thở, rối loạn khả năng tập trung và giấc ngủ. Việc dạy học trực tiếp tại trường học góp phần hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho trẻ em.

Kết quả nghiên cứu này đã làm an tâm các bậc cha mẹ, các bác sĩ lâm sàng và các nhà hoạch định chính sách. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ trẻ em tránh lây nhiễm dịch bệnh, bởi tùy tình trạng sức khỏe, mỗi em sẽ có các phản ứng khác nhau.

Còn với luồng ý kiến thứ hai thì cho rằng, hậu Covid-19 chủ yếu là do lo lắng, khi lo nghĩ quá nhiều sẽ dẫn tới những phiền muộn, lo âu, hạn chế các hoạt động xã hội. “Do quá lo sợ đại dịch Covid-19 nên nhiều người tự kéo dài nỗi lo sợ kể cả khi họ đã khỏi bệnh. Đó là điều không cần thiết vì các triệu chứng nếu có cũng không có gì quá lo ngại, không thể gây biến chứng nặng hoặc tử vong. Nếu bạn duy trì được cuộc sống tinh thần tốt, tâm lý vững vàng thì hậu Covid sẽ chỉ như một mối lo thoáng qua mà thôi” - Marine Doblina – TS bệnh học thần kinh nói.

Cách tiếp cận mới

Tuy thế thì người ta cũng vẫn nỗ lực tìm các phương pháp tiếp cận với hội chứng Covid kéo dài. TS Brian O’Connor, một chuyên gia về các bệnh hô hấp người Anh, người từng mắc Covid-19 cấp tính với tình trạng sức khỏe tồi tệ, cho biết những gì trải qua đã mang lại cho ông một cái nhìn mới về căn bệnh.

Theo TS O’Connor, hội chứng Covid kéo dài là tình trạng sau khi mắc Covid-19 cấp tính, bệnh nhân có các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, đau khớp và cơ, tim đập nhanh, các vấn đề sức khỏe tâm thần như lo lắng, trầm cảm, đau đầu và gặp các vấn đề về nhận thức, được gọi là “sương mù não”. Điều đó nếu được điều trị thì trong vòng 12 tuần “mọi sự sẽ tan biến”.

Vẫn theo TS O’Connor, các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc “Covid kéo dài” tăng theo độ tuổi. Cứ mỗi nhóm người với độ tuổi chênh nhau 10 năm, tỷ lệ lại tăng thêm 3,5%. O’Connor dẫn nghiên cứu của Đại học King’s College London chỉ ra rằng tỷ lệ những người ở độ tuổi 20 mắc chứng “Covid kéo dài” là 1-2%, so với 5% những người ở độ tuổi 60. Tỷ lệ này cao hơn ở phụ nữ, những người thừa cân hoặc béo phì, hút thuốc, sống ở những khu vực thiếu thốn, hoặc từng phải nhập viện.

Bác sĩ tâm lý, TS Rajeev Dhar, thành viên trong nhóm điều trị “Covid kéo dài” tại Bệnh viện Cromwell, giải thích: “Bạn có thể có những triệu chứng tâm lý, chẳng hạn như lo lắng và trầm cảm ở mức độ thấp, đồng thời cũng có thể mắc triệu chứng về thể chất như đánh trống ngực hoặc khó thở khi nằm. Chúng ta có thể điều trị tổng thể theo phương pháp kết hợp giữa dùng thuốc và các biện pháp tâm lý và tâm thần học. Như vậy chỉ trong một thời gian ngắn tình trạng tồi tệ sẽ chấm dứt. Không nhất thiết tập trung vào việc dùng thuốc điều trị triệu chứng, mà cần tập trung vào phương pháp tiếp cận giúp bệnh nhân hoạt động tốt hơn, từ đó có thể kiểm soát các triệu chứng tốt hơn”.

Nói tóm lại, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng “hậu Covid” không quá đáng sợ. Trong trường hợp nếu xuất hiện thì cùng với việc dùng thuốc điều trị triệu chứng cần hướng tới những suy nghĩ lạc quan và tích cực làm việc. Như vậy, “hậu Covid” nếu có sẽ không kéo dài và cũng sẽ không để lại di chứng.

TS Janet Diaz - Trưởng nhóm Quản lý lâm sàng tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đa số các triệu chứng hậu Covid-19 thường kéo dài từ 2 tháng trở lên. Nếu các triệu chứng biến mất trong vòng một tháng, tình trạng này không được coi là hậu Covid-19. Trong khi đó, các triệu chứng phổ biến nhất là mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức gây tình trạng sương mù não (suy giảm trí nhớ, mất khả năng tập trung).

TS Diaz khuyến cáo cần đi khám sức khỏe nếu vẫn gặp phải các triệu chứng hậu Covid-19 sau 3 tháng nhiễm bệnh. Theo chuyên gia WHO, không có phương pháp điều trị chung cho mọi trường hợp mà phải tập trung vào các triệu chứng của từng người. Hiện không có bất kỳ loại thuốc nào để điều trị biến chứng hậu Covid-19 nhưng có các biện pháp can thiệp như phục hồi chức năng, cải thiện chất lượng cuộc sống…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triệu chứng hậu Covid-19: Điều trị cách nào?