Trợ lực cho doanh nghiệp

H.Hương – M.Sang 13/12/2022 07:48

Để tạo động lực cho nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng, cải cách môi trường kinh doanh là giải pháp quan trọng. Bởi, khi môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, doanh nghiệp mới có trợ lực để bứt phá.

Cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá.
Ảnh: Quang Vinh

Niềm tin còn mong manh

Từ giữa năm 2022, doanh nghiệp (DN) gặp nhiều khó khăn do những biến động khó đoán định trên thế giới khiến chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng; nhiều DN phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động; số lượng DN tạm dừng hoạt động tăng. Trong bối cảnh đó, DN rất cần trợ lực từ những gói hỗ trợ, đặc biệt là nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh từ phía nhà quản lý. Tuy nhiên, dường như mức độ quan tâm của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đối với mục tiêu làm “đường thông hè thoáng” môi trường kinh doanh lại đang trùng xuống...

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Huy Đông, ở một số lĩnh vực, rào cản thủ tục hành chính thậm chí còn nặng nề hơn, không chỉ gây khó khăn cho DN mà cả với cán bộ thực thi. Vì thế, niềm tin của DN vào cải thiện môi trường kinh doanh còn mong manh.

Ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Người dân và DN đã cảm nhận được nỗ lực đồng hành của Chính phủ để cùng vượt qua khó khăn, có thêm niềm tin vào môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, do bối cảnh thị trường suy giảm, giá cả tăng cao, sức khoẻ của DN chưa kịp phục hồi, nên sức chống chịu yếu hơn.

Ông Cương cũng cho biết, nhiều văn bản pháp luật hiện hành chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi (nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường,…), là nguyên nhân chính làm phát sinh nhiều chi phí cho DN, dẫn đến khó khăn cho địa phương trong giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh áp lực nặng nề bởi chi phí xăng dầu tăng, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, chi phí BOT dày đặc, DN vẫn đang chịu rất nhiều gánh nặng chi phí khác như chi phí tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh, phí hạ tầng cảng biển…

Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là công việc thường xuyên, hằng ngày, hằng giờ và hằng năm của Chính phủ. Nhiệm vụ này có vai trò quan trọng bởi lẽ nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, việc cải cách để hỗ trợ các DN phát triển tốt nhất trong môi trường kinh doanh có mức độ cạnh tranh cao, đồng thời tạo sân chơi tối ưu cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá, trong bối cảnh DN gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19, những nỗ lực về cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh được kỳ vọng là những giải pháp phi tài chính hiệu quả, có tính bền vững, là trợ lực hữu hiệu cho DN phục hồi và phát triển.

Đứng ở góc độ DN, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Nguyễn Văn Thân nêu rõ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên 2 yếu tố quan trọng là cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính và phát triển ứng dụng khoa học công nghệ.

Nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của DN Việt, ông Thân cho rằng, điều thiết yếu, cơ bản là các DN ở mọi lĩnh vực, ngành nghề, quy mô đều được thụ hưởng những chính sách và cơ hội phát triển như nhau.

Chẳng hạn như các DN nhỏ và vừa khi được tham gia vào các dự án đầu tư công thì sẽ được cải thiện năng lực cạnh tranh ở nhiều khâu, từ chuẩn bị tài chính, nhân lực cho đến phương thức lập hồ sơ dự thầu và thi công, quyết toán. Khi Nhà nước trao cơ hội nhiều hơn cho các DN nhỏ và vừa, trải qua một thời gian họ sẽ trở thành DN lớn. Bởi vậy, Chủ tịch VINASME đề xuất cơ quan chức năng xem xét, dành khoảng 30% công trình, dự án đầu tư công cho các DN nhỏ và vừa.

Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và còn không ít chỉ tiêu cụ thể mà chất lượng và thứ hạng của Việt Nam không được cải thiện, thậm chí suy giảm. So với năm 2021, một vài chỉ số năm 2022 giảm điểm hoặc giảm bậc như: Đổi mới sáng tạo giảm 4 bậc (từ thứ 44 xuống 48); Phát triển bền vững duy trì điểm số nhưng giảm 4 bậc (từ thứ 51 xuống 55); Mức độ tham gia Chính phủ điện tử giảm điểm và giảm 2 bậc (từ thứ 70 xuống 72).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trợ lực cho doanh nghiệp