Góc nhìn Đại Đoàn Kết

Trôi nổi thuốc chữa bệnh

Bắc Phong 26/01/2024 08:18

Dự án Luật Dược (sửa đổi) đã nhận được sự chú ý của đông đảo người dân. Trong đó có vấn đề kinh doanh thuốc chữa bệnh theo phương thức thương mại điện tử, cơ sở kinh doanh dược phẩm không được thực hiện việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội, live stream trực tuyến. Dự kiến, dự án luật này sẽ trình Quốc hội cho ý kiến ở kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Sau nhiều năm triển khai thi hành, Luật Dược 2016 đã bộc lộ nhiều bất cập và khoảng trống do một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, nhất là hoạt động kinh doanh Dược theo phương thức thương mại điện tử.

Ông Nguyễn Văn Tiên - nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho rằng, điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, phát sinh nhiều vấn đề liên quan tới thuốc và các vấn đề thuộc về Luật Dược nên việc thay đổi, sửa đổi một số điều của Luật này là cần thiết, nhất là trong bối cảnh hoạt động kinh doanh, buôn bán online rất phát triển. Ông Tiên cũng cho rằng, việc livestream có lẽ chỉ thích hợp giới thiệu loại thuốc ấy và đến địa điểm nào mua, chứ livestream bán qua mạng rồi ship luôn thì phải hết sức cẩn thận.

Việc kiểm soát chặt chẽ việc bán thuốc chữa bệnh theo hình thức livestream là rất cần thiết. Nhất là việc phần lớn người livestream bán thuốc chữa bệnh lại không có chuyên môn. Kinh doanh buôn bán thuốc chữa bệnh là hoạt động kinh doanh có điều kiện thì nhất thiết phải có giấy phép, có địa điểm.

Trong bối cảnh phạm vi lan tỏa trên mạng xã hội và live stream qua thiết bị điện tử là rất rộng, có thể tiếp cận đến hàng chục, hàng trăm nghìn người, thì việc mua bán thuốc chữa bệnh trên mạng lại càng phải kiểm soát chặt chẽ. Nếu thông tin không chính xác, thông tin sai lệch về thuốc, kể cả lừa đảo sẽ khiến mức độ rủi ro tăng cao.

Vì thế, việc Bộ Y tế đề xuất cấm bán thuốc qua mạng xã hội, livestream trong Luật Dược (sửa đổi) nhận được nhiều ủng hộ; hạn chế được sự đau khổ khi “tiền mất tật mang” do tin vào “thầy thuốc online”. Thuận lợi cho đơn vị kinh doanh, thuận lợi cho người mua, nhưng yếu tố hàng đầu vẫn phải là bảo đảm sức khỏe cho người dân.

Cho đến nay, việc mua bán thuốc chữa bệnh vẫn quá dễ dàng. Có những loại thuốc buộc phải có chỉ định theo đơn của bác sĩ nhưng người mua vẫn mua được ở các hiệu thuốc tư nhân, kể cả ở tiệm tạp hóa, cũng như mua qua mạng xã hội. Với một loại hàng hóa buộc phải tuân thủ điều kiện kinh doanh khắt khe như thuốc chữa bệnh nhưng lại được mua bán “dễ như mua rau”. Thật nguy hiểm khi nhiều tài khoản mạng xã hội bán thuốc với giỏ hàng đa dạng, từ thuốc trị cảm cúm thông thường đến thuốc hỗ trợ điều trị ung thư, trong khi rất mù mờ về, xuất xứ, chất lượng của thuốc.

Với việc mua bán thuốc trên mạng xã hội, nguy hại hơn khi xuất hiện ngày càng nhiều hình thức livestream với sự tham gia của người nổi tiếng, kể cả những người mặc áo blouse giống như dược sĩ chào bán. Họ không chỉ rao bán thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh kém chất lượng, giả mạo mà đang rao bán niềm tin của người tiêu dùng. Không ai có thể biết mỗi ngày có bao nhiêu loại thuốc được các "thần y" hay dược sĩ tự xưng đã đến tay người tiêu dùng mà không thông qua bất kỳ sự kiểm tra, giám sát nào về chất lượng.

Về việc này, theo ông Nguyễn Anh Trí - nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và truyền máu trung ương thì nghệ sĩ có thể quảng cáo về quần áo, mỹ phẩm, đồ dùng… nhưng quảng cáo thuốc chữa bệnh thì không thể được.

Xuất phát từ sự giả mạo nhằm trục lợi của các cơ sở bán thuốc, tiếp đó là sự “chắp cánh” của các “quảng cáo viên uy tín”, và cũng còn do thói quen tự điều trị bệnh tại nhà của không ít người dân. Cùng đó, lỗ hổng pháp lý cũng giúp cho về việc bán thuốc chữa bệnh thực hiện việc trên các nền tảng mạng xã hội, livestream trực tuyến tràn lan.

Khi người bán dễ dàng thực hiện hành vi, người mua lại dễ tính và thiếu hiểu biết thì hình thức bán thuốc trên các nền tảng mạng xã hội và livestream càng có nhiều cơ hội tung hoành. Tình trạng “cứ lên mạng là gặp được dược sĩ, bác sĩ online” cần phải chấm dứt.

Xin được nhắc lại, thuốc chữa bệnh là loại hàng hóa đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe, mạng sống con người. Vì thế, quy định chặt chẽ việc livestream bán thuốc chữa bệnh, “bác sĩ online” trong Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) là điều cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trôi nổi thuốc chữa bệnh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO