Theo Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, việc công khai minh bạch trong thực hiện dân chủ cơ sở là quan trọng. Cùng với đó, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân là phải được quan tâm. Chính sách là phải hợp lòng dân.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị.
Để chuẩn bị cho việc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 218 của Bộ Chính trị, trong đó có nội dung về công tác tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ và chính quyền với nhân dân, gắn với việc chuẩn bị tổng kết nhiệm kỳ MTTQ Việt Nam, Chi bộ Ban Dân chủ - Pháp luật thuộc Đảng bộ cơ quan Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Đảng uỷ, HĐND, UBND, MTTQ xã Phú Cường và một số xã trong cụm tổ chức Hội nghị chuyên đề “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tham gia tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền với nhân dân” vào sáng 2/3, tại xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Ông Nguyễn Quang Minh, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp Luật, UBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh: Đối thoại với nhân dân là hoạt động có ý nghĩa vô cùng quan trọng nhằm góp phần phát huy dân chủ XHCN, quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - Xã hội và Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước. Cụ thể hoá cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Qua gần 5 năm, việc thực hiện tổ chức đối thoại đã được các cấp quan tâm triển khai và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, trong đó có nhiều địa phương đã tổ chức khá tốt như: TP Đà Nẵng, Vĩnh Phúc, Phú Yên và Hà Nội, trong đó tổ chức đối thoại đạt hiệu quả nhất chính là cấp xã.
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Nhã, Chủ tịch MTTQ xã Phú Cường cho biết: Trong nhiều năm gần đây xã Phú Cường thực hiện nhiều dự án cắt đất, GPMB, bàn giao cho các dự án như: Dự án sân bay Nội Bài, dường Nhật Tân kéo dài, trạm biến áp 11KVA, trạm công tác A63, A69 Bộ Công an. Năm 2017-2018 đang thực hiện GPMB xây dựng tổ hợp khách sạn Nội Bài, ngoài ra Phú Cường còn thực hiện nhiều dự án dân sinh bức xúc, phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Do yêu cầu nhiệm vụ Đảng uỷ, HĐND có nhiều buổi tiếp xúc, đối thoại để lắng nghe ý kiến từ trong nhân dân.
MTTQ xã hàng ngày, hàng giờ tiếp xúc đối thoại, lắng nghe, tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, sẵn sàng đối thoại với nhân dân, tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước và chính sách của địa phương mọi lúc, mọi nơi.
Ông Nguyễn Văn Nhã, Chủ tịch MTTQ xã Phú Cường phát biểu.
Theo ông Nhã, việc tăng cường đối thoại với nhân dân để nhân dân hiểu, thông cảm và chia sẻ những khó khăn thuận lợi trong công tác điều hành của cấp chính quyền cũng là để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện sự tôn trọng nhân dân, củng cố tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.
Đánh giá hoạt động đối thoại của MTTQ xã Phú Cường, ông Trần Anh Tuấn, Bí thư Đảng uỷ xã Phú Cường cho rằng: Lãnh đạo xã phải liên tục tổ chức đối thoại với dân, nhất là vấn đề giải phóng mặt bằng. Trong tổ chức hội nghị, trưởng ban công tác Mặt trận chủ trì nếu không có tính cởi mở, thân thiện thì rất khó thành công trong đối thoại.
“Vai trò của Chủ tịch MTTQ cấp cơ sở là hết sức quan trọng. Nhưng Đảng nơi nào, chính quyền nơi nào biết lắng nghe ý kiến Mặt trận thì đối thoại mới thành công”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư kiêm Chủ tịch xã Quang Tiến đặt vấn đề thẳng thắn: Mong muốn địa bàn ổn định, đoàn kết thì không thể ngồi chờ. Những vấn đề bức xúc trong nhân dân phải được trao đổi thẳng thắn.
“Qua trao đổi hôm nay, tôi đã nhận thức thêm về ý nghĩa, tầm quan trong của việc đối thoại mang lại thông tin tốt cho người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền để chủ động giải quyết nhưng vấn đề của địa phương”.
Đánh giá về việc thực hiện đối thoại với dân tại 3 xã Phú Cường, Thanh Xuân và Quang Tiến, ông Trương Văn Nhung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Sóc Sơn cho rằng, năm 2017, huyện đã tiến hành hướng dẫn chỉ đạo 100% các xã đối thoại. Qua theo dõi nắm bắt hoạt động đối thoại cho thấy các xã đã chọn những vấn đề dân sinh bức xúc trong thẩm quyền giải quyết. Đối thoại với dân, hứa là phải làm, như vậy mới hiệu quả. Phương pháp đối thoại phải sát với địa phương, với xã. Tuy nhiên, đối với cấp xã quan trọng nhất nội dung đối thoại sao cho phù hợp, ông Nhung nhận định.
Theo ông Trương Văn Nhung, con đường từ lời nói đến việc làm quá dài nên người dân trên địa bàn còn bức xúc, mất niềm tin. Thứ hai là tiêu cực, sách nhiễu của cán bộ công chức vẫn tồn tại. Bộ phận một cửa tư pháp cực kỳ nguyên tắc. Như giấy khai tử vẫn phải đi xin. Việc cấp chứng nhận đăng ký kết hôn còn gặp khó. Bên cạnh đó việc cấp sổ đỏ, chuyển nhượng đất đai vẫn còn không ít khó khăn...
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đánh giá: Tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp với nhân dân đã đang được Ban Thường trực MTTQ xã, phường, thị trấn ở các địa phương phối hợp chặt chẽ với cấp uỷ và chính quyền cùng cấp tổ chức triển khai có hiệu quả. Thông qua đối thoại các cấp uỷ, chính quyền đã trực tiếp nắm bắt, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng, sáng kiến, kiến nghị của nhân dân về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực ghi nhận: Các cấp lãnh đạo của 3 xã Phú Cường, Thanh Xuân và Quang Tiến đã tổ chức được những cuộc hội nghị đối thoại với người dân với những nội dung rất sát với đời sống.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực, vẫn còn những bài học kinh nghiệm cần rút ra.
“Thứ nhất, phải có quy định về tiếp xúc đối thoại làm như thế nào để Mặt trận rõ việc. Để những vấn đề cơ bản liên quan tới đời sống để chúng ta không bất ngờ. Kinh nghiệm thứ hai là cách tổ chức Hội nghị, chọn vấn đề đưa ra đối thoại là quan trọng nhất: Vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc thì đưa ra đối thoại. Thái độ của lãnh đạo cũng rất quan trọng trong cuộc đối thoại. Cần nắm trước ý kiến của nhân dân trước khi đối thoại. Thứ ba là ta phải công khai dân chủ ở cơ sở để dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Việc công khai minh bạch trong thực hiện dân chủ cơ sở là quan trọng”.
“Quan trọng là quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân là phải được quan tâm. Chính sách là phải hợp lòng dân”, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực nhấn mạnh.