Trồng rừng thay thế: Còn nhiều hạn chế

Thu Hương 04/08/2016 09:32

Sau nhiều năm thực hiện Nghị định 23 (năm 2006) của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, cả nước chỉ có 23/50 địa phương có kế hoạch phát triển trồng rừng thay thế (TRTT) với diện tích 16 nghìn ha. Mãi tới khoảng gần 1 năm nay, từ tháng 9/2015 đến tháng 7/2016, con số này tăng lên 30 nghìn ha, tương đương 44% diện tích phải trồng.

Mới có 23/50 địa phương có kế hoạch trồng rừng thay thế.

Thống kê của Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2006-2014, đã có trên 386 nghìn ha rừng các loại bị chuyển mục đích sử dụng (CMĐSD) sang mục đích khác, như xây dựng thủy điện, khai thác khoáng sản, trồng cao su, sản xuất nông nghiệp… Nghị định 23 quy định bắt buộc các dự án CMĐSD rừng sang các mục đích không phải lâm nghiệp cần đảm bảo đầu tư trồng mới thay thế diện tích rừng đã chuyển đổi nhằm mục tiêu bảo vệ, giữ vững vốn rừng cũng như cân bằng môi trường sinh thái. Tuy nhiên, diện tích TRTT đạt được rất hạn chế so với mục tiêu đề ra.

Theo ông Phạm Hồng Lượng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Tổng cục Lâm nghiệp, nguyên nhân vì nhiều chủ dự án không chủ động trong xây dựng phương án TRTT cũng như không thực hiện nộp tiền để TRTT. Về phía trách nhiệm của các địa phương, ông Lượng cho rằng công tác chỉ đạo triển khai TRTT ở nhiều tỉnh chưa thực sự quyết liệt, đặc biệt ở những tỉnh có chỉ tiêu kế hoạch lớn như: Cao Bằng, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Tĩnh, Tp Đà Nẵng, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đăk Nông, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Khắc Lâm, Giám đốc Quỹ Bảo vệ Phát triển Rừng tỉnh Nghệ An cho biết một trong những vướng mắc mà đơn vị gặp phải là về xây dựng kế hoạch và quản lý rừng trồng thay thế sau đầu tư. Theo đó, hiện công tác xây dựng kế hoạch TRTT còn bị động đối với cả cơ quan quản lý, Quỹ BVPTR và các đơn vị thực hiện.

Kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với những chủ dự án không chấp hành TRTT diện tích rừng chuyển sang mục đích khác là một trong những giải pháp được ông Phạm Hồng Lượng nhấn mạnh để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch TRTT, trước mắt năm 2016 là 24 nghìn ha. Bên cạnh đó cần thường xuyên đôn đốc, kiểm tra các địa phương thực hiện Kế hoạch TRTT diện tích rừng CMĐSD khác.

Từ những nghiên cứu về chính sách cũng như tồn tại trong triển khai trồng rừng thay thế, bà Nguyễn Hồng Huế, cán bộ nghiên cứu của Trung tâm con người và thiên nhiên kiến nghị TRTT nên được lồng ghép vào Kế hoạch BVPTR của các tỉnh đến năm 2020 nhằm nâng cao chất lượng rừng. “TRTT nên mở rộng không chỉ tập trung vào trồng bù diện tích đã bị chuyển đổi mà nên kết hợp chăm sóc, bảo vệ khu vực rừng tái sinh, tăng cường phục hồi làm giàu rừng tự nhiên. Cách làm này tốn ít kinh phí, thời gian và có khả năng thành công cao hơn so với diện tích trồng mới hoàn toàn” – bà Huế cho biết.

Đồng thời, cần rà soát, đánh giá hiệu quả các phương thức tổ chức TRTT; Xây dựng các hướng dẫn, quy định để thống nhất tổ chức thực hiện TRTT nhằm phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan triển khai TRTT. Trong đó, nguồn nhân lực địa phương (các chủ rừng) cần được tham gia trực tiếp thực hiện, quản lý TRTT.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trồng rừng thay thế: Còn nhiều hạn chế