Theo tính toán của người trồng sắn, chi phí đầu tư cho 1ha sắn từ 20-30 triệu đồng, với giá từ 3.300-3.400 đồng/kg (30 chữ bột) như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí nông dân còn lợi nhuận từ 40-50 triệu đồng/ha.
Cây sắn được người nông dân ở tỉnh Tây Ninh trồng từ lâu và hàng năm đều tăng diện tích. Loại cây trồng này đã giúp cho các hộ dân xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho lao động tại các địa phương trong tỉnh.
Ông Phan Văn Vinh, xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu, cho biết vụ Đông Xuân ông trồng 3ha sắn, thu hoạch được 90 tấn củ bán cho nhà máy, trừ các khoản chi phí, ông còn lời được trên 200 triệu đồng.
Cũng trong niềm vui với ông Vinh, bà Nguyễn Thị Hiền xã Phước Minh cho biết năm nay gia đình chúng tôi trồng được 8ha sắn, với chi phí chăm sóc khoảng 30 triệu đồng/ha bao gồm cây giống, công chăm sóc, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón… với giá bán như hiện nay, trừ chi phí gia đình ông, bà thu lãi gần 500 triệu đồng.
Lý giải về nguyên nhân cây sắn vụ thu hoạch năm nay có năng suất, giá lại tăng cao, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Tây Ninh Nguyễn Đình Xuân cho biết rút kinh nghiệm những năm trước, năm nay bà con lựa chọn được các loại giống sắn có chữ bột cao, hạn chế được sâu bệnh, nhất là bệnh khảm lá như giống KM 419, KM 140, KM 94, KM 505; quy trình chăm sóc tốt hơn, nên năng suất ước đạt bình quân 33,5 tấn/ha.
Dịch Covid-19 khiến nguồn củ sắn từ Campuchia nhập khẩu về bị hạn chế, thiếu nguyên liệu, xuất khẩu tinh bột sắn thuận lợi, nên các nhà máy chế biến trong tỉnh có hiện tượng tranh mua nguyên liệu, nâng giá thu mua sắn lên cao.
Tính đến ngày 9/7 vừa qua, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã xuống giống được 42.703ha sắn, trong đó vụ Đông Xuân là 36.518ha, vụ Hè Thu là 6.185ha. Ước năng suất đạt 33,5 tấn/ha, sản lượng đạt 1.430.550 tấn.
Trong 6 tháng đầu năm nay, ước khối lượng củ sắn đưa vào chế biến khoảng 895.936 tấn, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, sản xuất được 223.984 tấn bột.
Hiện nay, diện tích sắn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh vào khoảng hơn 44.000 ha với sản lượng ước tính gần 1,8 triệu tấn, năng suất trung bình đạt 40 tấn/ha. Với đặc thù là cây dễ trồng, ít kén đất, ít vốn đầu tư và phù hợp với kinh tế nông hộ, ba năm gần đây cây sắn đã phát triển nhanh và mạnh, hình thành các vùng nguyên liệu sắn ở các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành.
Để có nguồn giống sắn triển vọng, kháng được bệnh, năng suất, chữ bột cao để cung cấp cho bà con nông dân, hiện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tiếp tục phối hợp với Viện Di truyền Nông nghiệp nhân rộng 2 loại giống HN3 và HN5 tại các huyện Tân Châu, Tân Biên và Dương Minh Châu, ước đến năm 2022, sẽ nhân rộng được khoảng 50-70ha sắn giống (HN3 và HN5) kháng được bệnh khảm lá để phổ biến ra diện rộng, giúp nông dân cải thiện được năng suất cây sắn, tăng cao thu nhập, ông Nguyễn Đình Xuân cho biết thêm.