Câu chuyện rút tiền dân qua cách tính giá dầu đang gây nóng dư luận mà đến nay vẫn chưa có Bộ nào đưa ra một lời giải thích hợp lý, thuận tình.
Người tiêu dùng đã bị “cơ chế” móc thêm khoảng 1.400 đồng khi tiêu thụ một lít xăng. Ảnh: Hoàng Long.
Bộ Công thương khẳng định rằng, trách nhiệm chủ trì quản lý về giá thuộc về đơn vị còn lại là Bộ Tài chính, với căn cứ là Nghị định 83. Do vậy, trách nhiệm của Bộ Công Thương là “tiếp tục đề nghị và phối hợp với Bộ Tài chính” để sớm có giải pháp tài chính tổng thể, xử lý hài hòa việc giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo lộ trình của các hiệp định thương mại tự do (FTA).
Trong khi đó, Bộ Tài chính cũng chính thức công bố: có nhiều mức thuế như FTAs, ATIGA, MFN do vậy Bộ Tài chính đang nghiên cứu điều tiết, khắc phục chênh lệch. Và Bộ này sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để có hướng dẫn trong thời gian tới. Và người tiêu dùng vẫn bị rút ruột tiền tỷ.
Để điều hành giá xăng dầu, Chính phủ đã giao “thượng phương bảo kiếm” cho liên bộ Tài chính – Công Thương là Nghị định 83/2014 NĐ -CP về kinh doanh xăng dầu với phương châm đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng. Nhưng trên thực tế, lợi ích của người tiêu dùng vẫn bị xử ép, sau lợi ích doanh nghiệp.
Nhìn lại câu chuyện thuế đối với mặt hàng xăng dầu, hiện nay mỗi lít xăng đang phải chịu 20% thuế nhập khẩu, và 10% đối với mặt hàng dầu. Sau khi ký kết Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế quan các mặt hàng xăng dầu dần được gỡ bỏ, đến ngày 1/1/2016 xăng dầu nhập từ thị trường ASEAN, Hàn Quốc đã về 0%. Các doanh nghiệp đã tranh thủ đa dạng hóa nguồn nhập hàng, để nhập hàng không mất thuế, lợi dụng lỗ hổng thuế để thu về một khoản lợi nhuận lớn.
Với thống kê trung bình hàng năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 8 triệu m3 xăng dầu, thì khoản tiền hưởng từ chênh lệch thuế lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Ở đây người tiêu dùng phải mua xăng với giá tính từ nhập khẩu cao, xong bản chất, thuế nhập khẩu rất thấp.
Với giá xăng RON 92 tại thời điểm ngày 14/3 khoảng 51 USD/thùng, tương đương khoảng 7.200 đồng/lít xăng tại Hàn Quốc thì người tiêu dùng đã bị “cơ chế” móc thêm khoảng 1.400 đồng khi tiêu thụ một lít xăng.
Cách tính thuế như thế nào, người tiêu dùng đã bị móc túi ra sao dường như đang được tung hứng quả bóng trách nhiệm cho nhau để “câu giờ”.
Người tiêu dùng, không những đang bị mua xăng với thuế “ảo” mà còn phải mua xăng với thuế cao. Biểu hiện rõ nhất là xăng dầu đang phải cõng 50% thuế phí. Trong khi giá xăng thế giới lùi từ 50 USD/thùng từ năm 2014 về 35 USD/thùng vào đầu năm 2016 thì giá xăng trong nước vẫn ở mức 13.750 đồng/lít. Giá xăng cấm cung vì thuế phí. Vì vậy, cũng chẳng hề bất ngờ khi Bộ Công thương dù đã lên tiếng về cách tính thuế nhưng không có kết quả. Trên quan điểm đang phối hợp, việc phải điều chỉnh lại cách tính thuế xăng có lợi cho người dân vẫn không thể diễn ra ngay.
Một lít xăng, dầu khi qua biên giới, cập cảng về Việt Nam là doanh nghiêp đã có lãi từ 10 – 20 % tương đương từ 350 – 720 đồng/lít. Làm gì có một cách điều hành liên bộ mà hàm chứa sự vô lý đến thế. Thuế ảo đem lại khoản lợi cho doanh nghiệp, mà chính bản thân NSNN cũng chẳng được thêm gì từ cách tính thuế này.
Nếu câu chuyện “trong xăng có thuế ảo” đang cho thấy lỗ hổng cơ chế khiến người dân phải trả tiền cho những bất hợp lý, thì câu trả lời chờ phối hợp của Bộ Công Thương cho thấy sự thờ ơ của người quản lý.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định: Liên Bộ Tài chính – Công thương luôn thông tin điều hành giá xăng dầu đảm bảo lợi ích hài hòa. Song trên thực tế với việc tăng thu quá lớn từ các loại thuế, phí từ giá xăng dầu khiến người tiêu dùng đang phải chịu thiệt thòi. Cũng cần có cơ chế để bắt doanh nghiệp nộp lại khoản thu lợi từ thuế ảo.