Trước đây, nói đến Thanh Phú, nghèo đói cùng sự khó khăn cứ như “cái gai rừng” găm, cắm vào “da thịt” của miền đất du lịch Sa Pa (Lào Cai). Nghèo như vết hằn đá núi, làm cho dân tủi hổ mỗi khi được ai nhắc và hỏi đến quê mình. Nhưng ngày nay, chuyện ấy đã nhanh chóng lui vào dĩ vãng, Thanh Phú đã có cái đi lên và để người ta tự hào.
Mùa vàng Thanh Phú.
Đổi thay nơi đất nghèo
Nằm cách trung tâm Thị trấn Sa Pa, đặc biệt với các xã nổi tiếng về sự đi lên, làm giầu bằng du lịch như Tả Van, Sử Phán không xa lắm nhưng nhiều năm trước, Thanh Phú dường như biệt lập, quẩn quanh với đói nghèo. Túng và thiếu luôn là câu thường trực, quanh quẩn, u uất như những đụn mây trên đỉnh Fansipan đùn lên trong mỗi cữ chiều hay rạng sáng, bủa vây quanh năm với người Tày, người Dao trên đây.
Thu, những ruộng lúa bậc thang, tiết trời và nắng vàng làm người ta nhớ đến những nơi du lịch vùng cao trong đó có Sa Pa. Trong hành trình của một khách lữ hành, tôi lại có mặt ở Sa Pa và lên mảnh đất này miền đất bắt tôi phải nhớ đến ấy chính là Thanh Phú. Nhấn nút điện thoại, tôi kết nối với Lù Đức Chỉn, người gặp mấy năm trước bên chảo thắng cố ngút nóng và hơi sương dưới phiên chợ tình mở đều vào các cữ cuối tuần nơi thị trấn.
Không ngờ, thời gian thấm thoắt, anh thanh niên người dân tộc ấy nay đã được bầu làm Bí thư xã. Với giọng chắc đầy khí chất, Chỉn mời tôi lên Thanh Phú. Tôi cấn cá, dường như đoán biết được ý nghĩ, Chỉn hồ hởi: Lên đi, Thanh Phú nay khác ngày anh lên rồi. Lên mới biết được, có cái ghi nhận về ý chí người vùng cao chứ.
Trước lời mời gọi đầy gợi mở, tôi quyết định lên với Chỉn, với người Dao, người Tày Thanh Phú. Từ thị trấn, theo con đường cũ tôi lên, kỉ niệm xưa về một con đường khổ ải nay chỉ còn trong tán lá. Thay cho sự xộc xệch, xóc lên xuống dạo nào, đường nối lên Thanh Phú nay đã bê tông hóa. Cùng với sự đổi thay này là những ngôi nhà, đã được kiên cố thay thế những mái lợp bình dân vốn có người bản địa.
Ngoài kinh doanh lưu trú thì làm đồ thủ công cũng là hướng đi của gia đình Lù Thị Phàn.
Đón tôi trước chiếc trụ sở tương đối bắt mắt, anh thanh niên Lù Đức Chỉn dạo nào nay đã trở thành người quắc thước, với vai trò là Bí thư xã. Ấm trà quê, được các thiếu nữ hái trên núi và sao sấy theo kiểu thủ công đậm ngọt lưu mãi đầu lưỡi, tôi và Chỉn cùng chuyện trò. Chỉn hào hứng, anh thấy Thanh Phú thế nào? Rồi như không cần sự trả lời của tôi, Chỉn tự tin: Thay đổi nhiều chứ!
Như một sự thuộc lòng, Chỉn vanh vách cung cấp: Thanh Phú cách trung tâm huyện khoảng 28 km. Cả xã có 5 thôn với 472 hộ, hơn 2.200 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày và Dao sinh sống. Được sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước với nhiều chương trình, chính sách, Đảng bộ, nhân dân trong xã luôn nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, xã có hệ thống hạ tầng khá hoàn chỉnh.
Bấm đốt tay, như một sự ngưng nghỉ để tổng hợp số liệu, Chỉn tiếp tục: Hiện hơn chục km đường giao thông nông thôn được rải cấp phối và đổ bê tông. Trường học, trạm y tế được xây dựng kiên cố. Trụ sở làm việc của Đảng ủy, HĐND, UBND xã cũng được xây dựng khang trang. Hầu hết các hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nước hợp vệ sinh. Từ những chủ trương và giải pháp này, đến nay, Thanh Phú đã hoàn thành 12/19 tiêu chí nông thôn mới và được đánh giá là xã có nhiều thành tích trong thực hiện xây dựng nông thôn mới ở huyện Sa Pa.
Du lịch đang là hướng đi mới của người dân Thanh Phú.
Vươn lên cùng đá núi
Dạo chân trong các thôn của Thanh Phú, tôi để lòng với các số liệu cần ghi nhận ở đất này, trong đó ấn tượng nhất về các vấn đề văn hóa và xã hội. Kinh tế phát triển kéo theo các lĩnh vực văn hóa, xã hội của xã cũng khởi sắc. Đến nay, xã có 3 trường học với trên 600 học sinh. Tỷ lệ trẻ từ 6 đến 14 tuổi đi học đạt 100%; chất lượng giáo dục chuyển biến rõ nét, tỷ lệ học sinh chuyển lớp và chuyển cấp nhiều năm đạt 100% kế hoạch.
Cùng với sự tăng số lượng học sinh thì cái phải kể đến đấy là phong trào khuyến học - một trong những phong trào mà những năm về trước nếu đặt chân lên Thanh Phú ít ai nghĩ là nó sẽ có. Hiện nay, phong trào khuyến học ở Thanh Phú đã được các gia đình, dòng họ quan tâm, nhiều cháu thi đỗ đại học, cao đẳng. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân có nhiều tiến bộ. Việc cưới, việc tang được tổ chức theo nếp sống mới, người dân các thôn, bản sống vui vẻ, đoàn kết và luôn tự hào về truyền thống cách mạng của quê hương…
Không những chỉ tiếp cận với khoa học kĩ thuật để tăng thu cho những thửa ruộng mà hiện nay, bằng việc tận dụng thế mạnh, học hỏi nên nhiều gia đình ở Thanh Phú cũng đã tiếp cận với dịch vụ du lịch để nâng cao thu nhập cho gia đình. Nhà Lù Thị Phàn nằm chênh chếch bên sườn dốc, nơi đây đang là địa chỉ để nhiều khách du lịch tìm đến. Cùng với số lượng khách đến, lưu trú và khám phá này là tiền được thu về trong các ngày.
Với nụ cười lành vốn có của một phụ nữ dân tộc Tày, Phàn cho biết, trước, nhà cũng khó khăn lắm. Nhưng sau, do tiếp cận khoa học công nghệ, ruộng được đầu tư, năng suất được nâng dần nên cảnh thiếu đói đã nhanh chóng được khắc phục. Khi ruộng cho lương thực đủ ăn, thấy các xã khác như Sử Phán, Tả Van dân biết đầu tư du lịch và cho thu khá cao nên Phàn thích lắm.
Sau một thời gian suy nghĩ, vợ chồng Phàn đã bàn với nhau quyết định bước vào lĩnh vực này. Hiện nay, ngôi nhà cũ đã được vợ chồng Phàn cải thiện, sửa chữa và đặt 24 giường cho khách lưu trú qua ngày. Trong nắng Thu, với nụ cười đầy mãn nguyện, Phàn cho biết, với sự đầu tư này nên từ một gia đình khó khăn nay Phàn đã có “của ăn của để” và nuôi được 3 con học hành đến nơi đến chốn. 3 con của Phàn, một đứa hiện đang làm giáo viên ở xã còn 2 đứa đang học tại trường Đại học Thái Nguyên.
Chia tay Thanh Phú, nắng Thu đang vào cữ, “rót mật” khắp các sườn núi, thung khe, tôi gặp anh thanh niên có tên Vàng Xuân Phú đang trên đường đi đón khách du lịch về. Chuyện trò, Phú cho biết, cách đây 3 năm Phú cũng đầu tư du lịch và hiện tại mỗi năm, trừ chi phí Phú cũng đã có thu nhập tròm trèm 100 triệu đồng. Đứng đầu dốc nhìn lại, Thanh Phú dường như thắm hơn trong nắng cùng với đó là những bứt phá mà tôi đã thêm lần nữa được ghi nhận!
Triệu Vương Đàm