Một bản dự thảo vừa bị rò rỉ miêu tả về một thỏa thuận kinh tế và an ninh giữa Trung Quốc và Iran đang gây chú ý trên các phương tiện truyền thông quốc tế.
Theo Sputnik, The New York Times vừa công bố bản dự thảo bị rò rỉ về một thỏa thuận kinh tế và an ninh giữa Trung Quốc và Iran đang gây chú ý trên các phương tiện truyền thông quốc tế.
Tài liệu dự thảo dài 18 trang bằng tiếng Ba Tư đề cập đến các khoản đầu tư hàng tỷ đô la của Trung Quốc vào nền kinh tế Iran cũng như các khoản chiết khấu dầu đáng kể cho Trung Quốc từ phía Iran.
Thỏa thuận cũng bao gồm sự hợp tác về an ninh, chia sẻ thông tin tình báo và các cuộc tập trận quân sự chung.
Bình luận về vụ rò rỉ thông tin, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif thừa nhận, đất nước của ông thực sự đã đàm phán về quan hệ đối tác chiến lược kéo dài 25 năm với Trung Quốc, tuy nhiên, hiệp định vẫn chưa được Quốc hội Iran thông qua.
Cùng với đó, cho đến nay, tính xác thực của tài liệu này vẫn chưa được Tehran xác nhận.
Phương Tây nâng cao báo động
Triển vọng về sự hợp tác lâu dài giữa Trung Quốc - Iran đã gây ra phản ứng trái chiều từ các nhà quan sát quốc tế.
Foreign Policy cho rằng, thỏa thuận này là "tin xấu đối với phương Tây", cho thấy trước một cuộc cải tổ địa chính trị ở Trung Đông và châu Á, với sự thúc đẩy về chỗ đứng ở những vị trí chiến lược quan trọng của Trung Quốc.
War on Rocks lại nghi ngờ về tính thực tiễn của thỏa thuận này khi tuyên bố vẫn còn "những mối nguy hiểm trong quan hệ hợp tác Trung Quốc-Iran" và rằng, dự thảo thỏa thuận bị rò rỉ dường như không phải là một ý tưởng khả thi.
Ngày 2/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã góp tiếng nói cùng với những quan điểm “báo động” khi khẳng định trên Fox News rằng, việc Trung Quốc tiến gần Iran "sẽ gây mất ổn định ở Trung Đông", khiến Israel, Ả Rập Xê-út và UAE gặp rủi ro.
Mahan Abedin, một nhà báo kỳ cựu và nhà phân tích chính trị về Iran và Trung Đông cho biết, không có gì đáng ngạc nhiên về phản ứng của các phương tiện truyền thông chính thống của phương Tây và sự phản đối của các chính phủ phương Tây đối với hiệp ước Trung Quốc - Iran.
Ông Mahan Abedin nói: “Trong hơn 150 năm qua, Iran luôn hướng về phương Tây - và đặc biệt là châu Âu - để tìm kiếm nguồn đầu tư thương mại, giáo dục và sự tham gia chung. Ngay cả cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979 cũng không ngăn được quá trình này và trong suốt 4 thập kỷ qua, các cuộc tranh luận sôi nổi vẫn diễn ra trong giới chính sách Iran về lợi ích của việc can dự sâu hơn với phương Tây. Nhưng thất bại của Thỏa thuận hạt nhân (JCPOA), cùng với sự bất lực của châu Âu khi đối mặt với hành động bắt nạt của Mỹ đối với Iran, đã khiến nước này mất niềm tin vào phương Tây".
Nhà phân tích chỉ ra rằng, mặc dù thỏa thuận có thể chưa được ký kết, nhưng chắc chắn, Iran và Trung Quốc đang trong giai đoạn cuối cùng của việc chính thức hóa một hiệp ước dài hạn, rất có thể có thời hạn lên đến 25 năm.
“Cả Tehran và Bắc Kinh đều có vẻ quan tâm đến việc tăng cường hợp tác an ninh”, ông Abedin lưu ý nhưng phủ nhận giả thiết của truyền thông phương Tây rằng, Trung Quốc sẽ đóng quân trên các đảo của Iran ở Vịnh Ba Tư bởi nhiều lý do: “Hiến pháp, lịch sử, chính trị và ý thức hệ của Iran sẽ không bao giờ chấp nhận các lực lượng nước ngoài đóng quân trên đất của họ", ông nhấn mạnh.
Đáp ứng lợi ích từ hai phía
Trả lời những người hoài nghi về sự nghiêm túc trong ý định của Tehran và Bắc Kinh, chuyên gia Trung Đông nhắc đến thực tế rằng: "Iran đóng vai trò quan trọng đối với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Trong chừng mực, nó sẽ cung cấp sự đảm bảo ở khu vực sườn Tây Á cho Trung Quốc".
Ông nhấn mạnh: "Trên đường bộ, Iran giúp Trung Quốc tiếp cận châu Âu. Vị trí chiến lược cao của Iran (gần Trung Á, biển Ả Rập, châu Âu và thậm chí cả Nga) khiến đất nước này trở nên rất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Trung Quốc".
Về phần mình, Iran "cần đầu tư nước ngoài để thúc đẩy cơ sở hạ tầng trong nhiều lĩnh vực và tài chính của Trung Quốc có thể hữu ích", ông Abedin tiếp lời.
"Iran và Trung Quốc là hai cường quốc châu Á đích thực, đây được cho là hai cường quốc quan trọng nhất thống trị lục địa châu Á ở cả hai đầu". "Giữa hai nước có sự tôn trọng lẫn nhau sâu sắc và điều đó phù hợp để họ gắn kết chặt chẽ hơn ở các cấp độ kinh tế, chính trị và thậm chí cả quân sự", nhà phân tích chính trị nói.
Theo ông Abedin, hiệp ước Trung quốc - Iran sẽ có tác động lớn đến chính sách toàn cầu của Iran. Điều này sẽ khiến Iran sẽ cảm thấy ít bị ràng buộc hơn trước sự đe dọa từ các lệnh trừng phạt đơn phương từ Mỹ.
Điểm mấu chốt cho sự thành công nếu có của quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - Iran là phù hợp với lợi ích quốc gia của Iran và sẽ giúp bảo vệ an ninh quốc gia của đất nước này, ông Abedin kết luận.