Trung Quốc tổ chức tập trận quy mô lớn, bao trùm khu vực quần đảo Hoàng Sa trong tháng 8 này là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, đi ngược với tinh thần tuyên bố DOC.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đưa ra bình luận này tại cuộc họp báo chiều 5/8/2021, khi đề cập thông tin Trung Quốc sẽ tổ chức tập trận quân sự trong khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Bà Hằng nhấn mạnh, như nhiều lần đã mạnh mẽ khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
“Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa ở Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông DOC, gây phức tạp tình hình, không có lợi cho việc đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông” - bà Hằng nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao tuyên bố: “Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, chấm dứt và không tái diễn hoạt động vi phạm tương tự làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.
Cũng liên quan đến những diễn biến trên Biển Đông, nêu quan điểm về việc tàu sân bay Anh thông báo vừa hoàn thành chuyến đi qua đây, tàu chiến Đức, Ấn Độ cũng vừa có những hoạt động tại khu vực này, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh nguyên tắc, việc cho phép, đón tàu quân sự nước ngoài là hoạt động bình thường trong khuôn khổ hợp tác song phương của Việt Nam với các nước và được thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Trước đó, trang web Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc ngày 4/8 thông báo lực lượng này sẽ tiến hành huấn luyện quân sự tại một phần của Biển Đông trong các ngày 6-10/8 và cấm các tàu thuyền đi vào.
Theo thông tin này, vùng biển bị phong tỏa nằm ở phía đông nam của đảo Hải Nam, có diện tích lên tới 100.000 km2, trải rộng từ phía đông đảo Hải Nam xuống đến quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Động thái này được xem là phản ứng đáp trả các cuộc tập trận quy mô lớn của Mỹ với Anh, Australia và Nhật Bản ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang “rầm rộ” tập trận ở Tây Thái Bình Dương, với sự tham gia của tàu hộ tống Type 054A Liuzhou, hai tàu hộ tống thuộc Type 056A và tàu hậu cần Type 903 Weishanhu.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh hải quân Trung Quốc tập trung vào việc huấn luyện binh sĩ sử dụng các trang thiết bị mới, nhất là tàu chiến, tại những vùng biển xa bờ