Sau vụ việc phụ huynh tố giáo viên bạo hành trẻ tự kỷ xảy ra ở TP Đà Nẵng, ThS Nguyễn Thị Nha Trang, chuyên gia về Can thiệp sớm, Đại học Oregon (Hoa Kỳ) chia sẻ, cần có quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn của các trung tâm, bao gồm những chuẩn về chuyên môn, dịch vụ, và nhân sự.
PV: Thưa bà, việc phụ huynh tố cô giáo bạo hành trẻ tự kỷ xảy ra tại TP Đà Nẵng mới đây đã khiến dư luận rất bức xúc. Là chuyên gia giảng dạy, nghiên cứu sâu về trẻ tự kỷ, khi theo dõi vụ việc này, bà có nhận định như thế nào?
ThS Nguyễn Thị Nha Trang: Tôi thấy rằng sự việc này đang phản ảnh một phần thực trạng của những dịch vụ dành cho trẻ tự kỷ hiện nay. Đầu tiên, là việc chưa có kiểm định về chất lượng dịch vụ và chuyên môn của những cơ sở này. Như đã thấy, có nhiều người không có chuyên môn chính thống về giáo dục đặc biệt, hoặc một số người chỉ có được chứng nhận ngắn hạn về giáo dục hoà nhập, giáo dục đặc biệt là đã có thể dễ dàng mở trung tâm, hoặc đi làm ở các trung tâm.
Tôi nghĩ rằng, giáo dục đặc biệt và can thiệp sớm là một ngành khoa học nghiêm túc, người đứng đầu và đội ngũ cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về chuyên môn, dịch vụ dành cho trẻ. Thứ hai, tôi nhận thấy rằng hệ luỵ của việc thiếu kiến thức và kỹ năng về các biểu hiện hành vi của trẻ tự kỷ, nên người trị liệu đã chưa thể xử lý được trong những tình huống như: Nếu con chạy nhảy, nếu con không ngủ, nếu con làm ồn khi các bạn và các cô đang nghỉ trưa thì phải làm như thế nào.
Cuối cùng, tôi nghĩ rằng việc dư luận bức xúc là một điều tất yếu. Các nhà thực hiện chính sách, các nhà chuyên môn cần đưa ra những quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn của các trung tâm bao gồm những chuẩn về chuyên môn, dịch vụ, và cần làm rõ nguồn gốc nhân sự của trung tâm.
Được biết, với mong muốn giúp đỡ những trẻ em và gia đình trẻ em mắc tự kỷ hoặc có vấn đề rối loạn giác quan, bà đã thành lập Trung tâm Can thiệp sớm An và các khóa học của An. Các phụ huynh khi đến với An thường có tâm sự, gửi gắm gì?
- Điều cha mẹ mong muốn, tôi có thể rút ra một số điều như sau: Thứ nhất, cha mẹ cần được giải thích chi tiết và kỹ lưỡng về trẻ để hiểu được con đang phát triển ở giai đoạn nào. Điều này rất quan trọng vì chỉ khi cha mẹ hiểu rõ được con đang ở giai đoạn nào, vì sao có những biểu hiện hành vi nhất định thì họ mới sẵn sàng nghe giải thích về chặng đường tiếp theo con sẽ được can thiệp những gì.
Thứ hai, cha mẹ muốn được chỉ ra một hướng đi rất rõ ràng cho con của họ. Trong đó, nói rõ cho họ biết con cần can thiệp ở những lĩnh vực nào, can thiệp theo phương pháp nào, tần suất can thiệp bao nhiêu giờ/tuần, và mô hình can thiệp nào (mầm non, cá nhân, chuyên biệt) là phù hợp với con.
Thứ ba, cha mẹ muốn thấy được kết quả can thiệp của con sau một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ, sau 1 tuần, 1 tháng hay 3 tháng trẻ có được tiến triển nào không. Kết quả này cần được chia sẻ với phụ huynh.
Cuối cùng, tôi thấy đó là nhu cầu được chia sẻ của cha mẹ. Họ có nhu cầu được thấu hiểu và lắng nghe bởi vì bên trong họ có rất nhiều lo lắng. Họ cần được hỗ trợ về mặt cảm xúc và cả kỹ năng hỗ trợ con ở nhà.
Bà có thể cho biết, dạy trẻ tự kỷ có thể dạy chung như lớp cho trẻ bình thường không? Giáo viên dạy trẻ tự kỷ cần có chuyên môn, kỹ năng quan trọng nào?
- Thứ nhất, trẻ tự kỷ là một cách gọi đơn giản mà mọi người trong cộng đồng đang sử dụng. Hiểu rộng hơn thì tự kỷ là một phổ, rối loạn phát triển hệ thần kinh. Và rối loạn này chỉ ra rằng một trẻ có thể có ít hoặc nhiều khó khăn, khiếm khuyết. Dựa vào cấp độ khó khăn của trẻ người ta sẽ đưa ra chương trình trị liệu và môi trường phù hợp.
Do vậy, không phải trẻ tự kỷ nào cũng phù hợp với môi trường mầm non hoà nhập. Đặc biệt là những trẻ tự kỷ có nhiều rối loạn về giác quan. Khi vào môi trường hoà nhập, các con dễ bị quá tải về các kích thích giác quan, con dễ bị quá tải và căng thẳng. Trẻ tự kỷ có thể học theo nhóm, có những phương pháp trị liệu về nhóm cho trẻ tự kỷ, tuy nhiên nó khác hẳn với phương pháp của giáo dục mầm non. Để thực hiện các phương pháp này, giáo viên cần phải được đào tạo về các kỹ thuật nhất định.
Thứ hai, giáo viên dạy trẻ tự kỷ cần có rất nhiều kiến thức liên quan tới: Sự phát triển của các lĩnh vực khác nhau (ngôn ngữ, giao tiếp, vận động..); Kỹ năng sử dụng các công cụ đánh giá để lên chương trình lựa chọn mục tiêu phù hợp cho trẻ; Kỹ năng sử dụng các công cụ đánh giá phát triển đơn giản; Hiểu về các cách tiếp cận và cách lựa chọn những cách tiếp cận can thiệp phù hợp với trẻ của mình; Lên được kế hoạch cụ thể cho trẻ; Thực thi kế hoạch và đánh giá kết quả can thiệp của trẻ theo định kỳ; Giao tiếp và hỗ trợ cha mẹ trẻ. Có rất nhiều những kỹ năng khác nữa, nhưng đó là những thứ nền tảng, bắt buộc phải có.
- Để giảm thiểu được những nguy cơ liên quan đến việc trẻ tự kỷ bị bạo hành khi đi học, bà có lời khuyên gì gửi tới các phụ huynh?
Tôi nghĩ rằng, phụ huynh nên có sự lựa chọn cẩn trọng đối với các trung tâm can thiệp hiện nay. Họ nên tìm hiểu về người đứng đầu của trung tâm, nền tảng của các chuyên viên can thiệp, và quan trọng là một trung tâm phải rõ ràng về phương pháp can thiệp, chương trình can thiệp, minh bạch về những gì họ đang làm với cha mẹ. Lắng nghe phản hồi của những phụ huynh khác có con đang theo gửi ở trung tâm.
Và cuối cùng, cảnh giác với những “post seeding” ở trên các nhóm lớp về việc “review” các trung tâm. Chúc các bố mẹ sẽ tìm được trung tâm có tâm huyết và trình độ cho con của mình.
- Trân trọng cảm ơn bà!