Trường chuyên, không phải vì tấm huy chương

NGUYỄN HOÀI 18/03/2022 06:06

Những ngày qua, câu chuyện về trường chuyên tiếp tục nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận sau khi có thông tin tỉnh Hòa Bình đề xuất chi 1 tỷ đồng thu hút Giáo sư, Phó Giáo sư về công tác tại trường chuyên của tỉnh. Câu hỏi trường chuyên (trung học) có cần giáo sư, phó giáo sư hay không đang được nhiều người đặt ra.

Trường chuyên cần đi đúng hướng với mục tiêu đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài. Ảnh: Quang Vinh.

Chi tiền tỷ để thu hút giáo sư, phó giáo sư

Để thu hút, khuyến khích giáo viên công tác tại trường THPT chuyên, tỉnh Hòa Bình dự kiến hỗ trợ 1 tỷ đồng cho Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (PGS); 300 triệu đồng cho tiến sĩ (TS) về làm việc tại trường chuyên, cam kết giảng dạy 10 năm trở lên. Kinh phí lấy từ ngân sách nhà nước. Chính sách này đang ở giai đoạn dự thảo.

Theo Sở GDĐT tỉnh Hòa Bình, đề xuất này được đưa ra dựa trên tình hình thực tế. Hiện tỉnh Hòa Bình có duy nhất Trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ. Tỉnh chưa có chính sách riêng thu hút cán bộ, giáo viên giỏi trong và ngoài tỉnh về công tác, làm việc tại trường chuyên.

Trước đó, HĐND tỉnh Bắc Ninh cũng đã đưa ra một số chính sách ưu đãi với giáo viên về công tác ở trường chuyên và các trường trọng điểm của tỉnh. Đặc biệt, các thầy cô có học hàm GS, PGS hoặc trình độ TS ở ngoài tỉnh Bắc Ninh được tiếp nhận giảng dạy tại Trường THPT Chuyên Bắc Ninh và có cam kết lâu dài (ít nhất 10 năm) thì được hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỷ đồng.

Việc chi tiền tỉ để thu hút GS, PGS về làm việc tại các trường THPT chuyên đang thu hút sự quan tâm của các địa phương, chuyên gia và đội ngũ giáo viên. Tỉnh Phú Yên hiện có một trường THPT chuyên, tuy nhiên, ông Trần Khắc Lễ- Giám đốc Sở GDDT tỉnh Phú Yên cho hay, tỉnh không đặt vấn đề về chính sách này. Bởi theo ông Lễ, trường THPT chuyên không nhất thiết phải có GS, PGS.

Lãnh đạo Sở GDĐT tỉnh Phú Yên nêu quan điểm: “Không phải cứ GS, PGS hay TS dạy bậc phổ thông sẽ giỏi hơn giáo viên phổ thông mà quan trọng là phương pháp dạy học, chuyên môn, kinh nghiệm của giáo viên. Trường chuyên hiện nay cần đội ngũ giáo viên trẻ, năng động, ham học hỏi cái mới. Thay vì mời GS, PGS về dạy đại trà, trường chuyên chỉ cần mời họ về dạy theo một vài chuyên đề để bồi dưỡng học sinh, nhất là học sinh giỏi”.

Nhiều năm dạy học ở trường THPT Chuyên Phan Bội Châu (tỉnh Nghệ An), thầy giáo Trần Trung Hiếu, giáo viên nhà trường cho rằng, những năm gần đây, một số địa phương có sự đầu tư mạnh mẽ về nguồn lực và trí lực, thu hút nhân tài cho các trường chuyên để nâng cao chất lượng giáo dục. Đó là tín hiệu tốt nhưng chỉ phù hợp ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc có ngân sách, khả năng tài chính dồi dào.

Mặt khác, xét về góc độ khoa học và thực tiễn, không phải GS, PGS là có thể đáp ứng hoàn toàn yêu cầu của nhà trường, nhu cầu của học sinh trường chuyên. Thầy Hiếu cũng đặt câu hỏi liệu các GS, PGS có mặn mà nhận lời chuyển công tác về giảng dạy lâu dài ở trường chuyên?

Băn khoăn của thầy Hiếu không phải là không có cơ sở. Bởi được biết, hiện nay, sau thời gian đưa ra một số chính sách “chiêu hiền đãi sĩ”, tỉnh Bắc Ninh vẫn chưa thu hút được một GS, PGS nào.

Trường Chuyên THPT Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Hải Nam.

Tránh “ngồi nhầm trường”

Thời gian gần đây, trường chuyên luôn là chủ đề nóng gây nhiều tranh cãi bởi hệ thống này đang bộc lộ nhiều bất cập. Theo Bộ GDĐT, sau khi Đề án phát triển trường THPT chuyên giai đoạn 2010-2020 được phê duyệt, hiện nay cả nước có 77 trường THPT chuyên. Cũng theo đánh giá của Bộ, dù chất lượng giáo dục trường chuyên cải thiện nhưng mô hình trường chuyên vẫn có những hạn chế.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các trường chuyên đang đi chệch hướng so với mục tiêu đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài, thay vào đó là chạy theo thành tích. Xóa bỏ hay chỉ cần đổi mới hoạt động trường chuyên là chủ đề tranh luận nảy lửa trong suốt thời gian qua.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức- Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội nhìn nhận, phần lớn tranh cãi không phản đối mô hình trường chuyên nhưng bất bình với tình trạng luyện “gà nòi” để cạnh tranh thành tích. Trước thực tế này, ông Đức cho rằng, hệ thống trường chuyên cần đổi mới triết lý đào tạo. Các trường chuyên phải là nơi nuôi dưỡng đam mê, khát vọng của học sinh.

Bàn về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, các trường chuyên cần làm tốt nhiệm vụ kết nối các trường đại học trong việc bồi dưỡng học sinh; theo dõi quá trình học tập, sự thành đạt của cựu học sinh trường chuyên để có dữ liệu đánh giá chính xác hiệu quả của trường chuyên.

Bên cạnh đó, các trường chuyên cần phát huy vai trò về các hoạt động chuyên môn không chỉ trong nhà trường mà còn hỗ trợ các trường trong và ngoài tỉnh, thành phố để trường chuyên xứng đáng là mô hình đi trước các trường phổ thông. “Thời gian qua một số trường chuyên đã thể hiện được vai trò này nhưng chưa nhiều. Việc này cần có sự quan tâm chỉ đạo của các sở GDĐT và Bộ GDĐT” - ông Hiển cho hay.

Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn cũng nhìn nhận, một số trường chuyên hiện nay đạt đến đào tạo nhân tài với quan điểm, phương pháp phù hợp, nhưng một phần vẫn đang dừng ở mức là trường chất lượng cao và trường chọn mà chưa phải trường chuyên.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ GDĐT, không ít bậc phụ huynh còn chưa suy nghĩ thấu đáo, còn chạy theo trường chuyên vì mong muốn của bản thân, dẫn tới học sinh có lựa chọn không phù hợp.

Với quan điểm đào tạo phát triển toàn diện, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, đào tạo chuyên dẫu đặc biệt những vẫn là đào tạo phổ thông, vẫn lấy nền tảng nhân cách, cảm xúc, thẩm mỹ, lấy phát triển con người làm đầu. Vì vậy, đào tạo chuyên cần theo hướng toàn diện, không thiên lệch, đào tạo không phải vì tấm huy chương, mà trước hết vì chính con người họ. Đó cũng là nền tảng để có nhân lực chất lượng cao.

GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Trường chuyên - vườn ươm tài năng

Sứ mệnh của trường chuyên là đào tạo, nuôi dưỡng nhân tài. Tuy nhiên, hiện nay ở một số trường chuyên, sứ mệnh này đã khác và đang đi lệch hướng. Hiện có một số trường chuyên đào tạo tốn kém nhưng hiệu quả không cao. Trong số học sinh trường chuyên, có nhiều cựu học sinh khi trưởng thành công việc không như kỳ vọng hoặc định cư và làm việc ở nước ngoài, rất lãng phí nhân tài.

Mặt khác, một bộ phận phụ huynh đang có tư tưởng chạy đua vào trường chuyên, nhất là gia đình có điều kiện, dẫn tới những tiêu cực trong tuyển sinh, áp lực cho con cái. Vấn đề này, cần phải nhìn nhận thấu đáo.

Mấy ngày qua, nhiều người tranh luận về việc một số địa phương chi tiền tỉ để thu hút GS, PGS về dạy trường chuyên. Chi tiền tỉ liệu chất lượng trường chuyên có tốt hơn? Không phải cứ GS, PGS là giỏi ở tất cả các lĩnh vực, có thể họ dạy giỏi ở đại học nhưng chưa chắc đã dạy tốt ở bậc phổ thông. Tương tự như không phải học chuyên văn là ra trường em nào cũng trở thành nhà văn, nhà thơ. Hay trong triệu người học chuyên toán, có mấy người trở thành nhân tài.

Bên cạnh việc phát hiện, bồi dưỡng, việc trở thành nhân tài hay không phụ thuộc vào tinh thần phấn đấu, tự học tập, tự rèn luyện của con người ấy thì nhân tài mới nở rộ. Còn nhân tài được đúc ra bằng cách nhồi nhét kiến thức thì khó tài giỏi. Đây là quan niệm truyền thống mà hiện nay nhiều người ít để ý đến.

Thế nên tôi cho rằng, trường chuyên nên được thay đổi theo hướng mô hình vườn ươm tài năng ở các lĩnh vực. Muốn làm được điều này thì mô hình mới phải có hướng đi hiệu quả để chứng minh rằng mô hình chuyên đã cũ và cần phải thay đổi.

GS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng: Mô hình trường chuyên ở bậc THCS chưa thích hợp

Vai trò của các trường chuyên trong việc đào tạo nhân tài là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, trường chuyên cũng đang tồn tại một số hạn chế. Các trường chuyên chưa thực hiện đầy đủ, toàn diện các yêu cầu giáo dục phổ thông theo quy định của Bộ GDĐT. Đặc biệt, việc lập các trường chuyên ở bậc THCS là chưa thích hợp và cũng không có cơ sở về tài chính để mở tràn lan các trường chuyên cả ở bậc THCS.

Nhưng tôi không đồng tình với ý kiến bỏ trường chuyên. Phụ huynh muốn con em mình vào học trường chuyên thì khuyến khích các cháu học giỏi và có tư cách đạo đức tốt. Trường chuyên đào tạo học sinh phát triển toàn diện chứ đâu phải lò luyện thi một môn học cụ thể nào.

Về việc mời GS, PGS về dạy ở các trường chuyên, tôi cho rằng không thực tế. Tuy nhiên để các GS góp phần vào sự nghiệp nâng cao chất lượng của các trường chuyên là chuyện có thể thực hiện được. Bản thân tôi đã cố gắng làm việc này.

Để giúp nâng cao chất lượng bài giảng Sinh học ở bậc phổ thông, tôi đã cộng tác với hai giáo viên ở bậc phổ thông biên soạn cuốn “Khoa học về sự sống”, bám sát theo chương trình ở bậc phổ thông nhưng sâu hơn và được đông đảo giáo viên phổ thông hoan nghênh.

Tôi mong rằng các hội khoa học chuyên ngành khác đều phân công các GS biên soạn các bộ sách tương tự thì nhất định góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy ở các bậc phổ thông, trước hết là ở các trường chuyên.

N.Hoài(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trường chuyên, không phải vì tấm huy chương