Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học FPT, các trường buộc phải có những kênh thông tin để gắn mọi hoạt động của nhà trường với xã hội xung quanh, với các doanh nghiệp. Từ đó có những điều chỉnh cho phù hợp với đòi hỏi thực tế của thị trường lao động thay vì chỉ đào tạo cái mình có.
PV: Thưa ông, những năm gần đây nhiều trường ĐH khó tuyển sinh ở các ngành đặc thù vốn là thế mạnh của trường, điểm chuẩn thấp trong khi những ngành mới mở không phải là thế mạnh lại hút sinh viên. Ông nhìn nhận câu chuyện này thế nào?
TS Lê Trường Tùng: Thị trường đào tạo của Việt Nam có cả triệu học sinh thi tốt nghiệp THPT, mỗi trường chỉ đặt chỉ tiêu tuyển sinh vài trăm sinh viên cho ngành đặc thù chỉ mỗi trường mình dạy thì tôi cho rằng chẳng khó khăn để tuyển đủ chỉ tiêu.
Còn điểm chuẩn thấp ở các ngành đặc thù, cái này phải nói rõ. Chỉ tiêu là do trường tự đặt. Điểm đầu vào thấp hơn các ngành khác cũng do trường ấn định. Đừng đặt chỉ tiêu cao rồi lại tự hỏi vì sao không đạt chỉ tiêu?
Ở từng thời điểm nhất định có thể có ngành này, ngành kia có sức hút nhất định. Chẳng hạn thời điểm này dịch bệnh, ở đâu cũng nói đến y tế nên ngành y sẽ hút người học, số lượng đăng ký sẽ đông hơn. Các trường dạy các ngành này dường như năm nay sẽ dễ tuyển sinh hơn nhưng năm sau chưa thể dự đoán được.
Việc tăng giảm phụ thuộc rất nhiều vào xu thế nhân lực của thị trường lao động như thế nào. Các trường khi đặt chỉ tiêu phải quan tâm đến vấn đề này. Phải tư vấn cho người học rõ. Đặt chỉ tiêu phải phù hợp. Nếu tuyển sinh cố đạt chỉ tiêu đặt ra thì lấy điểm thấp là đương nhiên…
Quan trọng nhất, đào tạo phải gắn với nhu cầu xã hội. Phải trả lời được câu hỏi sau khi đào tạo xong, các em sẽ làm việc ở đâu? Nếu trường cũng không nói được thì thí sinh làm sao chọn?
Trong trường hợp các trường tính toán nhu cầu xã hội cần rất lớn mà không hiểu sao không ai học thì lại là câu chuyện liên quan đến truyền thông. Tại sao thông tin đó không đến được với người học?
Như ông vừa nói ở trên, phải chăng do công tác dự báo nguồn nhân lực chưa chính xác dẫn đến khó khăn về đầu ra?
- Thước đo quan trọng nhất phải là thực tế. Ai đó nói chung chung là nhu cầu nhân lực ngành này rất nhiều nhưng không đưa ra được ví dụ cụ thể tại doanh nghiệp này, họ cần như thế nào? Họ sẵn sàng chi bao nhiêu tiền để tuyển dụng được nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng? Thì đó là nói cho vui thôi.
Dịch bệnh 2 năm qua, chắc chắn 4 năm trước chẳng mấy người dự báo được. Hay sau 10 năm nữa, ngành nào đó đưa tự động hóa vào, không cần người nữa thì sao? Hay có những ngành nghề đang có sẽ biến mất sau 10 năm nữa, không ai nói trước được.
Chỉ có một số ngành như quân đội, công an và sư phạm hoàn toàn có thể dự báo được trong 5 năm tới, bao nhiêu người về hưu, học sinh tăng hay giảm, khi đó cần cụ thể là bao nhiêu thì hoàn toàn đào tạo theo đặt hàng được. Đào tạo có địa chỉ như vậy rất rõ.
Còn những ngành khác theo nền kinh tế thị trường nhà nước không chiếm vai trò chủ đạo thì làm sao dự báo được? Vì vậy theo tôi nên để thị trường điều phối.
Thứ hai, ngành nghề hiện nay rất nhiều. Các trường ĐH chỉ dạy một số ngành trong khi xã hội có vài trăm ngành nghề. Rất nhiều kiến thức bây giờ đang dạy, 3-4 năm nữa lại thay đổi thì sao? Vì vậy các trường cần thay đổi kịp thời để bắt kịp sự thay đổi của thời cuộc để ở thời điểm tốt nghiệp của sinh viên phù hợp với nhu cầu của nơi sử dụng lao động cần.
Ví dụ đào tạo về ngân hàng khi tuyển sinh rất tốt nhưng đến năm thứ 2, 3 đã thấy không còn thị trường nữa, khi đó nhà trường có thể khuyến cáo sinh viên về cơ hội việc làm sau khi ra trường. Nếu các em học thêm một số môn để có thêm tấm bằng nữa, cơ hội việc làm rộng mở hơn. Vai trò định hướng của nhà trường lúc này rất quan trọng. Đó là trách nhiệm của nhà trường với người học. Muốn làm được điều đó nhà trường phải có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp.
Phải chăng ông đang nói đến việc đẩy mạnh đào tạo đa ngành thay vì đơn ngành – xu hướng của giáo dục ĐH hiện nay?
- Thực ra học bất cứ ngành gì cũng có sự giao thoa với các ngành khác. Chẳng hạn, dù học ngành nào cũng liên quan đến công nghệ thông tin khi chúng ta đặt vấn đề chuyển đổi số thế nào? Công nghệ thông tin trong tài chính, ngân hàng thì phải biết i-banking, thương mại điện tử hay marketing online…
Nhà trường cần không ngừng đổi mới chương trình đào tạo và truyền thông để mọi người được biết vì cùng một tên gọi, nhưng nội hàm của nó đã có những thay đổi… Khi đó, những nơi cần họ sẽ tìm đến, thí sinh hiểu được điều đó thì họ sẽ chọn.
Bên cạnh nội lực của các trường, theo ông có cần những chính sách hỗ trợ của nhà nước để thu hút sinh viên vào những ngành khó tuyển sinh nhưng vẫn rất cần cho đất nước?
- Các ngành khác theo nền kinh tế thị trường là tốt nhất. Còn chính sách của nhà nước theo tôi cần tập trung hỗ trợ đào tạo những ngành cần cho sự phát triển của đất nước mà nếu không có sự tăng cường đầu tư, người học không chọn, nhà trường xóa sổ không tuyển sinh nữa, chẳng hạn như các ngành khoa học cơ bản… Thứ hai là các đối tượng chính sách, ở các vùng khó… cần phải đầu tư để đảm bảo an sinh, công bằng xã hội.
Tại Trường ĐH FPT, việc mở một ngành mới hay đóng cửa một ngành đang có sẽ dựa trên nguyên tắc nào, thưa ông?
- Có những ngành trường dự kiến làm nhưng thấy tuyển sinh không ổn là phải dừng. Nhìn chung nếu ngành nào tuyển sinh được rất ít thì đóng. Vì khi đó không đảm bảo được môi trường sư phạm để đào tạo chất lượng được. Đó là chuyện bình thường.
Trân trọng cảm ơn ông!