Sau chuỗi ngày dài phải học online để phòng dịch Covid - 19, học sinh và giáo viên Thủ đô rất phấn khởi khi được trở lại trường học. Tuy nhiên, việc đảm bảo an toàn môi trường học đường trong điều kiện nhiều học sinh từ lớp 6 trở xuống chưa được tiêm vaccine đang là mối quan tâm của hầu hết các bậc phụ huynh.
Sở GDĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi UBND các quận, huyện, thị xã; phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện, thị xã và các trường trực thuộc thông báo về việc cho học sinh các khối từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 18 huyện, thị xã trở lại trường học từ ngày 10/2/2022. Học sinh các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 12 quận trên địa bàn Thủ đô tiếp tục học trực tuyến; trẻ em mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà.
Để bảo đảm an toàn cho học sinh trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, Sở GDĐT Hà Nội nêu rõ nguyên tắc thực hiện: Chỉ tổ chức dạy học trực tiếp ở các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2; các địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 tổ chức dạy học theo hình thức trực tuyến; học sinh cư trú tại địa bàn có mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 không đến trường mà ở nhà học trực tuyến. Sở GDĐT yêu cầu các nhà trường chỉ tổ chức dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày; không tổ chức bán trú, căng tin ăn uống trong trường. Yêu cầu này cũng được áp dụng đối với các trường đang tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 trên địa bàn thành phố.
Sở GDĐT cho hay, sau khi học sinh các khối từ lớp 1 đến lớp 6 của 18 huyện, thị xã đi học trực tiếp, Sở sẽ đánh giá kết quả triển khai, đồng thời căn cứ diễn biến thực tế của dịch Covid-19 để xây dựng lộ trình cho học sinh các khối lớp còn lại trở lại trường học. Nếu các điều kiện bảo đảm an toàn, Sở dự kiến sẽ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố cho phép học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại 12 quận đi học trực tiếp từ ngày 21/2/2022.
Việc làm này là rất cần thiết trong hoàn cảnh hiện nay bởi dẫu học sinh, giáo viên và phụ huynh cùng mong ngóng tới ngày các em được trở lại trường, nhưng mối lo về việc đảm bảo an toàn trường học vẫn là sự quan tâm lớn nhất lúc này. Đơn cử như tại Nghệ An, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 học sinh lớp 1 đến lớp 6 tại TP Vinh vừa trở lại trường đã được chuyển sang học trực tuyến ngay trong chiều ngày 9/2 do có nhiều học sinh là F0.
Cùng với đó, rất nhiều băn khoăn xung quanh việc học sinh Thủ đô sẽ ăn/học bán trú ra sao. Người cho rằng việc chưa ăn bán trú là giải pháp hợp lý trong tình hình hiện tại; cũng không ít người cho rằng đó sẽ là gánh nặng với các gia đình không thể sắp xếp được thời gian đưa đón con giữa buổi… Lãnh đạo Bộ GDĐT cho hay, Bộ sẽ sớm làm việc với thành phố Hà Nội để giải quyết vấn đề này.
Theo các chuyên gia y tế, trong điều kiện dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, để đảm bảo an toàn phòng dịch cho học sinh, nhà trường phải phối hợp chặt chẽ với gia đình theo dõi sức khỏe của học sinh để kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp bất thường theo quy định của ngành y tế. Cụ thể như các lần triển khai trước, một trong những công tác quan trọng trong tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp là việc ký cam kết giữa nhà trường và phụ huynh trong thực hiện “một cung đường hai điểm đến”, các bước lưu ý khi phát hiện F0…
Trong văn bản mới nhất, Bộ GDĐT cũng đã yêu cầu khi học sinh trở lại, các nhà trường phối hợp chặt chẽ với phụ huynh để quản lý học sinh học tập ở nhà, học tập ở trường cũng như việc đi lại từ nhà đến trường và ngược lại; theo dõi, quản lý sức khỏe của học sinh để phòng ngừa, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nhằm xử lý, ngăn chặn kịp thời. Ngoài ra các trường cần xây dựng kế hoạch, phương án và thực hiện Sổ tay đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Tài liệu này cung cấp các nội dung cơ bản, ngắn gọn, cập nhật liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học trên cơ sở các hướng dẫn chung của Bộ Y tế, Bộ GDĐT và Tổ chức Y tế thế giới.