Ông Nguyễn Văn Đoàn (Quảng Ninh) sinh năm 1954, nhập ngũ tháng 5/1972. Năm 1983 ông chuyển ngành về Nhà máy Đại tu tàu sông số 1. Năm 1990, do không sắp xếp được công việc nên cơ quan đã cho ông nghỉ tự túc. Năm 1992 ông có quyết định nghỉ chế độ.
Ông Đoàn được Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh Quảng Ninh kết luận bị phơi nhiễm chất độc hóa học 61%, là bệnh binh, đóng BHXH trên 20 năm. Hiện vợ ông không được cấp thẻ BHYT theo diện thân nhân người có công. Ông Đoàn đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải đáp về trường hợp của ông?
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh trả lời:
Ông Nguyễn Văn Đoàn là người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, đồng thời hưởng chế độ mất sức lao động. Việc ông nêu trong đơn đã được Hội đồng giám định y khoa tỉnh Quảng Ninh kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 61%.
Theo quy định tại tiết a, điểm 1.2, khoản 1 của Thông tư số 08/2009/TT-BLĐTBXH ngày 7/4/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, thương binh loại B, người hưởng chế độ mất sức lao động được miễn giám định mức độ suy giảm khả năng lao động.
Vì vậy, biên bản giám định của Hội đồng giám định y khoa tỉnh chỉ kết luận ông có mắc một trong những bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học/dioxin theo Quyết định số 09/2008/QĐ – BYT ngày 20/2/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế, nếu Hội đồng giám định y khoa kết luận cả tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là chưa đúng theo quy định và không thực hiện theo mức tỷ lệ suy giảm khả năng lao động ghi trong biên bản giám định của Hội đồng giám định y khoa đối với các trường hợp này.
Căn cứ điểm c, khoản 6, Điều 42, Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 về chế độ ưu đãi người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, quy định: Nếu đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo mức suy giảm khả năng lao động dưới 81% và chưa được xác định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động thì tạm thời được bảo lưu mức trợ cấp đang hưởng. Trong thời gian bảo lưu, những trường hợp có nguyện vọng được giám định thì Sở Lao động- Thương binh và Xã hội giới thiệu đến Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền và ra Quyết định điều chỉnh trợ cấp theo các mức quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều này từ ngày Hội đồng giám định y khoa có thẩm quyền kết luận.
Sau ngày 31/12/2013, những trường hợp không giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động thì chuyển hưởng trợ cấp như người suy giảm khả năng lao động từ 41%-60%.
Đối chiếu với các quy định như trên, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội đã có Quyết định số 1500 ngày 13/3/2014 về điều chỉnh mức trợ cấp cho ông về mức suy giảm khả năng lao động từ 41%-60% là đúng theo quy định hiện hành.
Tại điểm b, khoản 1 Điều 27 của Pháp lệnh ưu đãi người có công quy định: Cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con từ đủ 6 tuổi đến dưới 18 tuổi hoặc từ đủ 18 tuổi trở lên nếu còn tiếp tục đi học hoặc bị khuyết tật nặng, khuyết tật đặc biệt nặng của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên được Nhà nước mua BHYT.
Như vậy theo quy định như trên, vợ ông không thuộc đối tượng được hưởng BHYT theo diện thân nhân người có công với cách mạng.