Đó là chia sẻ của GS.TS Đỗ Quang Hưng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Tôn giáo - UBTƯ MTTQ Việt Nam với Đại Đoàn Kết xung quanh việc đấu tranh phòng chống tham nhũng.
PV: Thưa ông, tham nhũng là vấn đề được dư luận nhân dân đặc biệt quan tâm và đây cũng là vấn đề sống còn trong việc xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Ông đánh giá như thế nào về việc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay?
GS.TS Đỗ Quang Hưng: Trước hội nghị Trung ương lần 4 khóa XII việc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã có những dấu hiệu mới có khía cạnh đáng mừng. Qua thực tế cán bộ quần chúng đã thấy những dấu hiệu, nét mới trong vấn đề chống tham nhũng hiện nay.
Đặc biệt khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng ra chỉ đạo một vụ việc bắt đầu từ câu chuyện rất nhỏ, biển số xe xanh của một ông quan chức cấp tỉnh là Trịnh Xuân Thanh.
Dấu hiệu này nhìn ở con mắt xã hội học báo hiệu Đảng có một quyết tâm mới muốn tìm ra một phương cách phòng chống tham nhũng mới. Còn quá sớm để khẳng định kết quả đạt được nhưng trong nhận thức của tôi có hai điểm mới trong phòng chống tham nhũng.
Thứ nhất, điểm mà chúng ta thường hay nói là những vướng mắc về cơ chế. Lần này đã khẳng định cố gắng hướng tới không có vùng cấm. Cái này rất là quan trọng bởi khi chống tham nhũng mà có những vùng cấm thì hiệu quả giảm đi rất nhiều.
Khi không có vùng cấm có nghĩa là tuyệt đối. Lần này bắt đầu có những biểu hiện như vậy và càng tăng lên khi trong những ngày gần đây những vụ án tham nhũng lớn đang được bắt đầu xử lý. Tâm tư của quần chúng quan tâm những vụ xử lớn ấy đã đúng với chiến lược không có vùng cấm chưa? Điều này còn phải xem xét nhưng dù sao so với trước đây tôi nghĩ tư tưởng không có vùng cấm bắt đầu được hiện thực hóa rồi.
Thứ hai là tính chất quyết liệt, cố gắng để truy tìm tận gốc và giải quyết dứt điểm từng vụ việc lớn. Hy vọng lần này đối với những vụ lớn sẽ có kết thúc có hậu tức là thực sự giải tỏa cho người dân biết xử lý của Đảng, Nhà nước.
Tham nhũng được coi là quốc nạn và là tâm tư của cán bộ, nhân dân ta theo ông cần làm thế nào để việc đấu tranh này có hiệu quả mà vẫn giữ được đội ngũ cán bộ gia tăng niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng?
- Tham nhũng là một con “quái vật” tiềm ẩn trong mỗi con người, trong mỗi tầng lớp, tiềm ẩn trong mỗi chế độ không dễ mà diệt được nó chỉ khi nào mình tạo được một thiết chế luật pháp tốt, phương cách thiết chế dân chủ nó trở thành dân chủ hóa xã hội ở mức cao, trên cơ sở một xã hội lành mạnh con người được sống trong môi trường lành mạnh mà có thể không cần tham nhũng vẫn sống tốt thì mới chống được.
Trong phòng chống tham nhũng có thể ghi nhận bước đầu Đảng ta đã thể hiện quan điểm cơ bản là không có vùng cấm và quyết liệt làm đến tận cùng và làm từ gốc.
Bên cạnh đó theo tôi cần quan tâm đến yếu tố tự hào, thoải mái. Bởi khi tôi làm hết mình được hưởng xứng đáng thì cán bộ công chức sẽ hướng tới cống hiến tận cùng.
Vấn đề là không cần tham nhũng vấn sống tốt, đây là những điều kiện lý tưởng mà chúng ta cần hướng tới để tiến lên, để gìn giữ đội ngũ cán bộ gia tăng niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng Đảng, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nhưng tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn. Theo ông cần có những giải pháp gì để làm chuyển biến tình hình trên?
- Để ngăn chặn đẩy lùi tự diễn biến, tự chuyển hóa, là cực kỳ khó. Đảng cầm quyền phải giải quyết sự việc “cheo leo” giữa hai bản thể. Nó không phải chỉ là câu chuyện giữa có và không, giữa trắng và đen.
Đảng không thể không mở rộng dân chủ, không thể triệt tiêu suy nghĩ của mỗi cá nhân đảng viên, nhưng Đảng làm sao để họ tự do suy nghĩ nhưng vẫn hướng vào mục tiêu cao nhất của Đảng mà vẫn giữ được nguyên tắc.
Mặt khác tính kỷ luật của Đảng phải rất cao phải ngăn chặn khi thấy xuất hiện đúng tự diễn biến, tự chuyển hóa thật. “Cơ thể” Đảng cũng như cơ thể con người khi có bệnh phải uống thuốc phòng, là tiểu phẫu thuật, thậm chí là cắt bỏ.
Sự giám sát của Đảng, Nhà nước đối với công tác phòng chống tham nhũng là chưa đủ, rất nhiều ý kiến các vị trong Đoàn Chủ tịch cho rằng phải phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Mặt trận cần phải làm gì để tham gia giám sát phòng chống tham nhũng?
- Tôi khu biệt ra hai lực lượng phòng chống tham nhũng có tính chất chuyên nghiệp mà các quốc gia lập ra như Ủy ban chống tham nhũng với quyền hạn, phương tiện để chống tham nhũng.
Bên cạnh đó phòng chống tham nhũng còn ở một bộ phận thứ hai rất quan trọng bằng các tổ chức xã hội mà Mặt trận có vai trò rất lớn, bằng dư luận xã hội, bằng người dân.
Tại hội nghị Đoàn Chủ tịch vừa qua các vị đã trao đổi thảo luận rất nhiều về những phương hướng phòng chống tham nhũng. Có ý kiến tham gia phòng chống tham nhũng đến đâu? Có quan điểm nếu chỗ nào Mặt trận cũng tham gia không chọn lọc thì tự nhiên có khi chưa chắc làm được mà không đúng chức năng của Mặt trận.
Tất nhiên phạm vi Đảng cho phép cũng rất là rộng theo quan điểm mới từ Hiến pháp 2013 và được chuẩn hóa theo Luật pháp bằng Luật MTTQ Việt Nam (sửa đổi) nhưng về nghệ thuật làm thì bản thân người trong Mặt trận đều thấy rằng phải lựa chọn mục tiêu, vụ việc, vấn đề để giám sát, phản biện có hiệu quả.
Thực tế, thời gian qua Mặt trận đã triển khai các hoạt động giám sát, phản biện xã hội ở các cấp độ khác nhau. Vai trò của Mặt trận đã được thể hiện tốt bởi trong điều kiện chính trị của nước ta Mặt trận chính là cầu nối dễ nhất đối với người dân khi cần phải gửi gắm tâm tư nguyện vọng.
Những vụ việc gần đây Mặt trận quan tâm đến như xây dựng phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Đây là câu chuyện lớn, bên cạnh những chiến lược về đầu tư kinh tế, giải quyết mâu thuẫn với bảo vệ môi trường thì có vấn đề đầu tư cụ thể và những vấn đề về chống tham nhũng.
Riêng vấn đề chống tham nhũng đối với những dự án đầu tư quy mô lớn có tính chất quốc gia như vậy đụng đến đầu tư giữa những ban ngành cần các cơ quan công quyền hành pháp lớn mới có thể giải quyết được nhưng ít ra cũng lóe lên những câu chuyện mới.
Nó sẽ là một đối tượng của chống tham nhũng và chính Mặt trận sẽ phát huy rất tốt vai trò của mình trong các loại hình giám sát, phản biện như thế này.
Trân trọng cảm ơn ông!