Thời gian gần đây, một số người ngại đến bệnh viện khám, điều trị vì sợ Covid-19 cũng như phải tuân thủ các thủ tục “phiền phức”. Tuy nhiên, sự lo lắng ấy là không cần thiết, vì các cơ sở y tế luôn áp dụng các biện pháp bảo vệ nghiêm ngặt.
Bác sĩ Nguyễn Quang Toàn - Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) khuyến cáo mọi người trước khi tới bệnh viện khám, cần tự kiểm tra xem mình có các yếu tố liên quan tới dịch Covid-19 hay không (từng đi từ vùng dịch về, tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm, có các biểu hiện ho, sốt, đau họng, khó thở, mất vị giác…). Nếu có các yếu tố trên thì cần liên hệ với các cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi theo số điện thoại đường dây nóng của Bộ Y tế để được trợ giúp.
Trường hợp phải vào bệnh viện khám, cấp cứu thì cần đi theo đúng luồng mà bệnh viện đã quy định. Những trường hợp không phải cấp cứu thì người bệnh có thể đăng ký khám và tư vấn từ xa miễn phí của bệnh viện hoặc có thể liên hệ trước với các chuyên khoa hoặc khoa cấp cứu để có tư vấn phù hợp bảo đảm vừa phòng, chống được dịch bệnh vừa điều trị được bệnh.
Vẫn theo bác sĩ Toàn, người bệnh, người nhà đi cùng phải đeo khẩu trang khi tới khám, điều trị tại bệnh viện. Không được chạm vào mặt ngoài khẩu trang, khi tháo thì cầm dây để tháo, tháo xong bỏ ngay vào thùng rác.
Trong quá trình khám, điều trị lưu ý giữ khoảng cách 2 m với người xung quanh. Hạn chế đi sang các phòng bệnh khác hoặc các khoa, phòng khác nếu không có yêu cầu. Khi đi trong thang máy hạn chế nói chuyện và chú ý vệ sinh tay. Không dùng bàn tay để che mũi, miệng vì làm nguy cơ lây nhiễm qua bàn tay.
“Một biện pháp quan trọng nhất để chấm dứt đại dịch Covid-19 đó là tiêm vaccine. Mọi người bệnh, người nhà người bệnh và nhân viên y tế cần thực hiện tiêm phòng vaccine phòng Covid-19 theo chương trình tiêm chủng của Bộ Y tế” - bác sĩ Toàn nhấn mạnh.