Tự chủ đại học: Còn nhiều điểm nghẽn

Dung Hòa 12/01/2023 09:50

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), đến thời điểm này, cả nước có 141/232 trường đại học (ĐH) đủ điều kiện tự chủ theo quy định. Với những trường còn lại, vì nhiều nguyên nhân chưa đủ điều kiện tự chủ. Vậy những điểm nghẽn do đâu?

Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: HUST.

Tự chủ giúp tăng thu nhập cho giảng viên

Theo báo cáo về tự chủ ĐH của Bộ GDĐT, đến năm 2022 có 32,76% trường ĐH đã tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1), 13,79% số lượng trường đã tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2). Số trường chưa bảo đảm chi thường xuyên nhưng có kế hoạch trong thời gian sắp tới chiếm khoảng 16,38%.

Cùng với đó, tỷ lệ các trường hiện đang được ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và chưa có kế hoạch khác là rất thấp (chiếm 3,45%). Tuy nhiên, hiện tại vẫn còn 1/3 số lượng các trường ĐH công lập trong hệ thống bảo đảm một phần chi thường xuyên và chưa có kế hoạch khác. Về tự chủ tài chính tại 36 trường ĐH trực thuộc Bộ GDĐT thì có 11 trường ĐH tự bảo đảm chi thường xuyên và đầu tư (nhóm 1), tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2) và 25 trường tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (nhóm 3).

Về nâng cao năng lực tài chính của cơ sở, theo báo cáo của Bộ GDĐT, từ năm 2018 đến 2021 tổng thu của các cơ sở giáo dục đại học tự chủ đa phần tăng lên, tổng thu ngoài ngân sách nhà nước cấp chi thường xuyên cũng tăng thêm. Cụ thể, thu nhập bình quân của giảng viên và cán bộ quản lý tăng mạnh: Tăng 20,8% đối với giảng viên và 18,7% đối với cán bộ quản lý. Đối với 23 trường tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, trong giai đoạn 2018-2021, thu nhập giảng viên tăng trung bình 26,1%; thu nhập cán bộ quản lý tăng trung bình 24,5%. Cụ thể, sau 3 năm thực hiện tự chủ (2018-2021), giảng viên có thu nhập trên 200 triệu/năm tăng từ 19,4% lên 31,34%; thu nhập trên 300 triệu trở lên tăng từ 0,75% lên 5,97%...

Mong sớm gỡ khó

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới việc hạn chế tự chủ ĐH thời gian qua. Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), các trường còn lại chưa đủ điều kiện tự chủ vì một số lý do như: Chưa công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục ĐH (chiếm 18,53%). Chưa thành lập hội đồng trường (chiếm 7,5%). Còn lại là do các trường chưa ban hành đầy đủ văn bản, quy chế theo quy định và chưa đáp ứng các yêu cầu khác; chẳng hạn như: Chưa chuyển đổi mô hình tổ chức từ dân lập sang tư thục. Trong số 23 trường được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, đến nay có 3 trường chưa đủ điều kiện tự chủ theo luật định. Lý do là các trường đã trình cơ quan quản lý trực tiếp về việc thành lập hội đồng trường nhưng chưa được phê duyệt.

Bà Thủy cho rằng, có tình trạng nhận thức về tự chủ ĐH chưa đầy đủ; năng lực quản trị đại học chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Thách thức nằm ở nhận thức và năng lực về tự chủ ở các bên liên quan, từ các cơ quan bộ, ngành, địa phương quản lý trực tiếp các cơ sở giáo dục đại học, đến đội ngũ quản lý trong các cơ sở đào tạo. Từ đó dẫn đến việc thành lập và hoạt động của một số hội đồng trường chưa thực sự có hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được trong tự chủ ĐH, Bộ GDĐT cũng nhận định, nguồn ngân sách cấp chưa tương xứng với chủ trương ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Theo quy định tại Nghị quyết 29, ngân sách nhà nước chi cho lĩnh vực GDĐT tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách. Chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực GDĐT gồm chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Trên cơ sở tổng hợp số liệu trên hệ thống Kho bạc Nhà nước, Bộ Tài chính, trong 3 năm gần đây, tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho tuy giáo dục đã đạt và vượt mức tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước, tuy nhiên số liệu về chi ngân sách nhà nước cho GDĐH còn hạn chế chỉ đạt từ 4,33% đến 4,74% tổng chi ngân sách cho lĩnh vực GDĐT, nếu so với tổng chi ngân sách nhà nước chỉ chiếm xấp xỉ khoảng 1% (từ 0,9% đến 0,96%).

So sánh tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học của Việt Nam/GDP giai đoạn 2018-2020 cho thấy tỷ trọng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH của Việt Nam tăng từ 0,25% lên 0,27% GDP, tương ứng từ 13.634 tỷ đồng lên 16.703 tỷ đồng) là vô cùng khiêm tốn, thấp hơn nhiều các nước trong khu vực và thế giới.

Bộ GDĐT cho rằng, ngân sách nhà nước cơ bản chỉ đáp ứng chi tiền lương và chi thường xuyên, nguồn chi hoạt động chuyên môn thấp, kinh phí tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới sáng tạo hạn chế, cũng không còn chênh lệch thu chi để tăng thu nhập cho giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Đối với 23 trường ĐH được thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP, hầu hết các trường thực hiện tự chủ tài chính toàn diện và sâu rộng, dẫn đến thay đổi tích cực; một số trường nhận xét các chính sách tự chủ về quản lý sử dụng tài sản công, quản lý đầu tư công và khai thác, sử dụng các nguồn thu ngoài ngân sách nhà nước còn chưa thuận lợi. Cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu đặc biệt là hệ thống phòng thí nghiệm mặc dù đã được cải thiện rất nhiều nhưng vẫn còn ở mức thiếu và lạc hậu so với yêu cầu.

Tại Tọa đàm “Giáo dục đại học: Thách thức và cơ hội”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết: Vấn đề tự chủ về tài chính, tài sản ở các trường đang gặp khó. Một số trường đang loay hoay sẽ tự chủ ở mức nào. Ví dụ, tự chủ hoàn toàn thì sẽ không nhận tiền từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nếu cắt nguồn thu thì không ổn định, mà phải phụ thuộc quá nhiều vào học phí. Cho nên rất nhiều trường lựa chọn phương án an toàn, tức là tự chủ một phần. Trong thời gian tới, chúng ta phải tính các phương án, gỡ khó để các trường thực sự quyết tâm để tự chủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự chủ đại học: Còn nhiều điểm nghẽn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO