Việc thực hiện thí điểm tự chủ đại học (ĐH) ở Việt Nam tới nay đã hơn 10 năm. Bên cạnh những chuyển biến tích cực thì quá trình thực hiện tự chủ của các trường vẫn còn những vướng mắc cần tháo gỡ về tài chính, chuyên môn, tổ chức bộ máy nhân sự…
Học phí có tăng?
PGS Huỳnh Văn Chương, Chủ tịch Hội đồng đại học, ĐH Huế nhìn nhận, đến thời điểm này hệ thống các văn bản đã khá kịp thời để thực hiện tự chủ cho các cơ sở đào tạo ĐH. Về phía các trường, bài học kinh nghiệm từ ĐH Huế đó là cần thực hiện tự chủ có lộ trình, có sơ kết, đánh giá từng nội dung tự chủ để có các quyết sách kịp thời và không bị vướng, hiệu ứng không tốt. Nên ưu tiên bắt đầu mạnh hơn tại các cơ sở đào tạo ở vấn đề tự chủ về học thuật, nghiên cứu, tổ chức, nhân sự, quản trị ĐH, rồi mới thực thi về tự chủ tài chính trong điều kiện hiện nay. Nghị định 60 cũng có lộ trình cho tự chủ tài chính.
Trên thực tế, khi nói đến tự chủ ĐH, nhiều người nghĩ ngay đến tự chủ tài chính với việc tăng học phí, người học khó khăn. Tuy nhiên, không phải các trường muốn tăng thế nào, tăng bao nhiêu cũng được mà Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính đã có nhiều quy định liên quan đến vấn đề này. Gần đây là 3 Nghị định của Bộ Tài chính liên quan trực tiếp và có tác động rất lớn đến vấn đề tự chủ tài chính của các cở sở đào tạo ĐH công lập giai đoạn 2022-2030, bao gồm Nghị định 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định về tự chủ của các cơ sở sự nghiệp công lập và Nghị định 81/2021/NĐ-CP quy định về học phí giai đoạn 2022-2026.
Theo ông Chương, 3 Nghị định này cơ bản đã tham chiếu tốt Luật Giáo dục đại học nên không có sự chồng chéo. Tuy nhiên, trên thực tế, cần xác định rõ trong quá trình tự chủ ĐH, nguồn nội lực, nguồn lực đóng góp từ xã hội, các bên liên quan rất quan trọng. Các trường cần kết nối, chia sẻ, giải trình, công khai để các bên liên quan hiểu, cùng đóng góp cả trí tuệ và các điều kiện khác xây dựng nhà trường thay vì chỉ quan tâm đến nguồn thu học phí khiến gánh nặng tài chính lên sinh viên.
Tại hội nghị bàn về tự chủ ĐH diễn ra cuối tuần qua, PGS. TS Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Đào tạo sau ĐH, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã báo cáo tổng hợp kiến nghị của 23 trường ĐH thực hiện thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, đối với vấn đề tài chính, báo cáo nêu rõ với quy định mức trần học phí đang tạo ra sự không công bằng đối với học phí của các chương trình quốc tế, chương trình liên kết. Vì vậy, các trường kiến nghị cần có hướng dẫn cụ thể trong việc công khai tài chính. Đặc biệt phân định rõ giữa Hiệu trưởng và Hội đồng trường, ai là người điều hành kiểm toán nội bộ.
Cần xóa bỏ cơ chế xin - cho
Không chỉ bất cập về tài chính, báo cáo của PGS Lê Trung Thành cũng chỉ ra những vướng mắc, bất cập về mặt chuyên môn, về tổ chức bộ máy và nhân sự… Đơn cử, trong công tác đào tạo, hiện mới chỉ yêu cầu các trường công khai tỷ lệ sinh viên có việc làm. Để khuyến khích các trường nâng cao chất lượng đào tạo, cần công khai mức lương khởi điểm của sinh viên và mối quan hệ giữa học phí với mức lương khởi điểm.
Cần bình đẳng trong việc công nhận các chương trình liên kết đào tạo quốc tế của các trường tự chủ với các chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo xét duyệt (của các trường chưa tự chủ). Đối với hoạt động tuyển sinh, cần định hướng các trường tự chủ trong tuyển sinh. Đối với nghiên cứu khoa học, cần công nhận tính tương đương của đề tài nghiên cứu các cấp (Bộ, Quốc gia) đối với các công trình có giá trị và kinh phí tương đương do các trường tự chủ tự đầu tư.
Về tổ chức bộ máy và nhân sự, các trường nêu kiến nghị áp dụng Luật Lao động thay Luật Viên chức tại các trường tự chủ; Việc điều động, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ nên để cho các trường tự xây dựng quy trình riêng và áp dụng sau khi Hội đồng trường thông qua. Không nhất thiết phải theo Nghị định 115; Việc bổ nhiệm các chức danh giảng viên, cơ chế nâng lương, nâng hạng viên chức nên được phân cấp cho các trường tự chủ.
Chia sẻ quan điểm này, đại diện một số trường cho biết dù đã thí điểm tự chủ song trường vẫn phải thực hiện theo cơ chế xin - cho, trình báo cáo và chờ phê duyệt. Như vậy, vẫn còn những khó khăn, thách thức để có thể thực hiện tự chủ toàn diện. Giải pháp cho vấn đề này đó là cần có cơ chế mở, không nên áp dụng quy định của các đơn vị hành chính sự nghiệp công lập nói chung vào các trường ĐH tự chủ. Đồng thời xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản; thay đổi quyền chủ quản/nội dung quản lý nhà nước với các trường tự chủ để không còn tồn tại tình trạng xin - cho như hiện nay.
Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam, việc thực hiện tự chủ sẽ giúp các trường ĐH phát triển mạnh mẽ, có cơ hội được lọt vào bảng xếp hạng các trường ĐH. Câu hỏi đặt ra là làm sao để các trường có toàn quyền trong việc phát triển, được tự do học thuật, tự do để tạo ra những giá trị tri thức mới.