Tự chủ đại học: Sao vẫn loay hoay?

Th.Anh 01/11/2020 07:17

Không thể phủ nhận những lợi ích mà tự chủ đại học (ĐH) mang lại. Thế nhưng, trong những năm gần đây, không có mấy trường ĐH chuyển sang cơ chế tự chủ được thuận lợi. TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM cho rằng, vướng mắc đầu tiên và có thể xuyên suốt là do chưa có sự quyết tâm quyết liệt từ nhiều phía, nhiều cấp. Vẫn còn đâu đó chưa hiểu hết ý nghĩa của việc trường được tự chủ.

Tự chủ luôn được các trường đại học quan tâm.

Tự chủ để phát triển

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH (Luật số 34) và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ có nhiều quy định quan trọng hướng tới tăng quyền tự chủ và nâng cao chất lượng giáo dục ĐH.

Các quy định tập trung 4 nhóm nội dung lớn: Mở rộng phạm vi tự chủ; đổi mới quản trị ĐH; đổi mới quản lý đào tạo; đổi mới quản lý nhà nước. Ngoài ra, một trong những điểm nhấn quan trọng của Luật số 34 là quy định về Hội đồng trường theo hướng thực quyền…

Đây được coi là bước tiến mới trong tự chủ ĐH. Tuy nhiên, trong thực tế, khi triển khai ở một số trường vẫn còn khá lúng túng.

Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng, mặc dù biết tự chủ ĐH là xu thế, nhưng vẫn luôn băn khoăn về vấn đề học phí.

TS Lê Việt Thủy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT, Thư ký Đề án tự chủ ĐH, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho hay: Thực tế trong mấy năm vừa qua, khi các trường bắt đầu thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77, học phí của những trường này đều tăng, nhưng đều nằm trong giới hạn trần học phí mà Nghị định 86 của Chính phủ cho phép. Tuy nhiên, hầu như các trường đều có lộ trình tăng từng bước và chỉ tăng với những sinh viên khóa mới.

Ngoài ra, mức học phí của các trường cũng đều được xác định trên cơ sở đánh giá khả năng đáp ứng của gia đình và bản thân sinh viên. Bên cạnh đó, mỗi trường đều có những quỹ học bổng, cũng như chính sách hỗ trợ học phí cho những sinh viên khó khăn; hoặc giúp đỡ để sinh viên được quyền sử dụng tín dụng sinh viên. Đây là chính sách để bảo đảm sự tiếp cận giáo dục ĐH của tất cả mọi người.

Cũng cần nói thêm về lý do tăng học phí. Trước đây, mức học phí được xác định trên cơ sở nhà nước tài trợ phần chi sự nghiệp và chi thường xuyên, cũng như chi đầu tư cơ sở vật chất cho các trường.

Khi bắt đầu tự chủ, các trường phải tự bảo đảm phần kinh phí của mình, vì vậy những chi phí này sẽ từng bước được tính vào học phí; nên mức học phí so với trước khi tự chủ sẽ có sự gia tăng nhất định.

Một lý do khác trong việc tăng học phí là các trường gia tăng đầu tư cho nâng cao chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất và chất lượng phục vụ cho người học…

Qua khảo sát các trường, sau khi được tự chủ, đã có chuyển biến mạnh mẽ về kiểm định chương trình đào tạo; đầu tư nâng cao chuẩn đầu ra ngoại ngữ, tin học, cũng như trang bị nhiều hơn các kỹ năng mềm cho người học.

Nhiều trường đã đưa vào sử dụng các tòa nhà mới với trang thiết bị hiện đại, tiệm cận với chuẩn quốc tế; từ đó tạo môi trường học tập tốt hơn so với trước khi tự chủ.

Thực tế tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, từ khi được Thủ tướng cho phép thí điểm đề án đổi mới hoạt động theo cơ chế tự chủ, số lượng học sinh và nguyện vọng đăng ký vào trường tăng đều qua các năm. Điểm chuẩn được duy trì ở mức cao.

Bước qua lực cản

Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM: Khi được tự chủ và tự chịu trách nhiệm, các trường sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong việc đưa ra các chính sách khuyến khích đội ngũ (cả trực tiếp và gián tiếp) làm việc hiệu quả, đây là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo cũng như thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nhà trường.

Để xây dựng được cơ chế tự chủ ĐH phù hợp, hiệu quả, cần phải nghiên cứu sâu hơn về những vấn đề lý luận liên quan, nghiên cứu sâu và tiếp thu có luận chứng - có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế.

Đồng thời rất quan trọng là phải căn cứ vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, nghiêm túc rút kinh nghiệm những mặt được và chưa được qua các mô hình đã và đang thực hiện, để trên cơ sở đó xây dựng các mô hình tự chủ đại học tốt hơn với bước đi phù hợp.

TS Lý cho rằng: Vướng mắc đầu tiên và có thể xuyên suốt là do chưa thực sự quyết tâm quyết liệt từ nhiều phía, nhiều cấp. Vẫn còn đâu đó chưa hiểu hết ý nghĩa của việc trường được tự chủ là cả về tổ chức, nhân sự, tài chính tài sản, đào tạo, hoạt động khoa học công nghệ, đảm bảo chất lượng, hợp tác quốc tế.

“Chỉ khi nào hiểu được tự chủ ĐH là “được” chứ không phải “bị” thì tư tưởng mới thoát ra để cùng nhau xây dựng phát triển tổ chức. Khá nhiều người chỉ nghĩ đơn thuần tự chủ ĐH là tự chủ tài chính. Chỉ khi thoát ra khỏi “tư tưởng nhỏ lẻ” này thì hệ thống mới chạy theo con đường và là xu thế tự chủ được”, TS Lý nhấn mạnh và cho rằng, lực cản thứ hai là do “suy nghĩ chưa tới” rằng, nếu tự chủ thì sẽ mất nguồn đầu tư từ phía nhà nước, sẽ không còn tiền hoặc số tiền tự làm ra sẽ không đủ để hoạt động.

Họ chưa nghĩ xa hơn rằng, khi tự chủ đồng nghĩa với sự tự chịu trách nhiệm cao hơn, tất cả các hoạt động sẽ phải cân nhắc hiệu quả, thậm chí đột phá để đổi mới tư duy, không theo lối mòn, tự chủ sẽ không còn quá phụ thuộc vào những quy định lỗi thời, bất cập.

Sau một thời gian thực hiện tự chủ, từ thí điểm đến nhân rộng, cho thấy, tự chủ ĐH mở ra rất nhiều cơ hội nhưng cũng không ít các khó khăn thách thức đối với các trường ĐH. Vấn đề đặt ra là các trường cần phải nỗ lực, thay đổi để đạt được các mục tiêu cũng như tồn tại và ngày càng phát triển.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục phải chịu trách nhiệm trong việc đáp ứng các tiêu chí chất lượng đào tạo theo quy định và công khai minh bạch, khẳng định được vị thế, thương hiệu của mình.

Khi đã có uy tín thương hiệu, thì tự khắc người học, khách hàng của các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sẽ đến và tài chính không còn là vấn đề lớn.

Theo TS Trần Đình Lý: Tự chủ ĐH cần được hiểu theo nghĩa rộng, chứ không chỉ là về tài chính. Mặc dù tài chính luôn là vấn đề rất quan trọng. Tự chủ gồm 4 khía cạnh: Tự chủ về tổ chức, tự chủ về tài chính, tự chủ về học thuật và tự chủ về nhân sự. Tự chủ ĐH có mặt ưu điểm như giúp các trường ĐH tháo gỡ được nhiều vướng mắc về quản lý nhà nước, về hoạt động của nhà trường, quản lý của bộ chủ quản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự chủ đại học: Sao vẫn loay hoay?