Giáo dục

Tự chủ đại học và trách nhiệm, quyền hạn Hội đồng trường: Bài 1: Đi tìm tiếng nói chung

Minh Quang 24/03/2025 06:36

Thời gian qua, tự chủ đại học (ĐH) đã đạt một số kết quả quan trọng, giúp tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh; thúc đẩy các trường tăng cường đầu tư nhằm đảm bảo và nâng cao chất và lượng trong đào tạo, tuyển sinh. Dẫu vậy, từ thực tiễn triển khai, tự chủ ĐH ở các trường công lập cũng đang đặt ra những vấn đề cần tháo gỡ. Đáng chú ý là công tác điều hành hoạt động, trách nhiệm của Hội đồng trường. Từ số này, Báo Đại Đoàn Kết khởi đăng loạt bài: “Tự chủ đại học và trách nhiệm, quyền hạn Hội đồng trường”.

bai chinh
Một phiên họp Hội đồng trường của Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh). Ảnh: NTCC.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho đến năm học trước, cả nước có 170/174 cơ sở giáo dục ĐH đã thành lập Hội đồng trường và đi vào hoạt động (đạt tỷ lệ 97,4%). Trong đó, 36/36 đơn vị trực thuộc Bộ GDĐT, 58/60 cơ sở giáo dục ĐH tư thục. Nhiều Hội đồng trường đã đi được gần hết một nhiệm kỳ gắn với nhiệm kỳ Đại hội Đảng 2020-2025.

Những bất cập đã được chỉ ra

Hội đồng trường của trường ĐH công lập là tổ chức quản trị, điều này đã được quy định rõ trong Luật số 34/2018/QH14 (Luật Giáo dục ĐH sửa đổi). Khoản 2, Điều 16 của luật này cũng đã xác định rõ trách nhiệm và quyền hạn của Hội đồng trường, trường ĐH công lập.

Thiết chế quản trị của Hội đồng trường đã cho thấy mô hình Hội đồng trường là một xu hướng tất yếu khách quan, là mô hình quản trị cần thiết khi các cơ sở giáo dục ĐH chuyển đổi theo mô hình tự chủ. Nhưng có một mối quan tâm không hề nhỏ, đó là thực chất vai trò, trách nhiệm của Hội đồng trường trong cơ sở giáo dục ĐH đến đâu?

Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường (trực thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, cao đẳng Việt Nam) cho hay, việc khảo sát tại hơn 30 cơ sở giáo dục ĐH thời gian qua cho thấy, mô hình cơ cấu, tổ chức bộ máy của Hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục ĐH hiện nay cũng rất đa dạng và có nhiều vấn đề cần trao đổi, chia sẻ như: Phương thức bầu chọn thành viên Hội đồng trường trong và ngoài trường trong quy trình thành lập Hội đồng trường nhiệm kỳ mới; chức danh Phó chủ tịch Hội đồng trường; thành phần và chức năng, nhiệm vụ của cơ quan thường trực Hội đồng trường; vai trò cơ quan kiểm soát của Hội đồng trường; thành lập các ban, các cơ quan giúp việc của Hội đồng trường; vấn đề đảm bảo kinh phí hoạt động của Hội đồng trường...

Có những ý kiến cho rằng, vai trò của Hội đồng trường còn mờ nhạt, không có Hội đồng trường thì các trường vẫn hoạt động như thế. Do đó, muốn đánh giá được vai trò của Hội đồng trường phải chứng minh được rằng thiết chế ấy đã nâng cao được chất lượng giáo dục, hoạt động khoa học - công nghệ và các hoạt động khác của nhà trường.

Đơn cử, với vai trò là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường, đồng thời là Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình, thành viên Hội đồng Trường ĐH Thái Bình, TS Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho biết, từ năm 2018, đơn vị công tác là trường tự chủ thuộc chủ nhóm 1. Theo bà Dung, khi chưa có Hội đồng trường, một số đề án và hoạt động của trường được trình thẳng lên UBND tỉnh cho ý kiến. Bây giờ phải qua một bước là trình Hội đồng trường và các thành viên Hội đồng trường theo quy định. Trong khi phần lớn thành phần Hội đồng trường trùng với thành phần của Đảng ủy, Hội đồng giáo dục, khoa học và một số chuyên môn khác, bà Dung đề nghị xem xét lại tính hiệu quả của Hội đồng trường.

Khi đóng góp ý kiến cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, do ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) phân tích: Trong trường ĐH, có 2 quy chế tổ chức quan trọng là quy chế tổ chức hoạt động của trường và Hội đồng trường. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99 vẫn chưa nêu rõ quy chế tổ chức hoạt động của Hội đồng trường.

Ông Khánh cho biết, theo quy định cơ cấu thành phần Hội đồng trường sẽ gồm đại diện viên chức, người lao động như các trưởng phòng, nhà giáo của trường. Trong quá trình hoạt động, hết 364 ngày họ đang là dưới quyền của hiệu trưởng. Chỉ 1 - 2 lần trong các phiên họp Hội đồng trường là họ được bày tỏ ý kiến của họ. Như vậy, thành viên Hội đồng trường có nên giữ vai trò chuyên trách hay không?

Băn khoăn mối quan hệ quyền lực và trách nhiệm

Hiện một trong những vấn đề gây nhiều tranh cãi là mối quan hệ giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu; giữa chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng. Không ít băn khoăn đặt ra, ai là người đứng đầu nhà trường?

Trước băn khoăn về những vướng mắc giữa mối quan hệ về quyền lực và trách nhiệm giữa Hội đồng trường và hiệu trưởng trong công tác quản trị ĐH, GS.TSKH Đặng Ứng Vận - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ cho rằng đó chính là ở chỗ chưa phân biệt được trách nhiệm lập kế hoạch chiến lược, xây dựng chính sách ở cấp khái quát, mang tính định hướng của Hội đồng trường là cao hơn so với các quy định cụ thể về được phép làm những gì, không làm gì do hiệu trưởng ban hành. Hội đồng trường chịu trách nhiệm xây dựng hệ sinh thái cho nhà trường đổi mới, đồng thời hiệu trưởng chịu trách nhiệm triển khai các đổi mới đó. Ngoài ra, chủ tịch Hội đồng trường cần có một vai trò hạn chế, chỉ được quyết định khi đã có ý kiến của đa số thành viên Hội đồng trường (theo quy định); trong khi hiệu trưởng cần có sự quyết đoán và chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Nhưng hiệu trưởng phải thực hiện Nghị quyết của Hội đồng trường… Ông Vận cho rằng, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 99 như nói trên chủ yếu mới chỉ quan tâm đến quy trình tổ chức bộ máy quản trị của nhà trường trên nền tảng gỡ rối các vấn đề thành lập mới hoặc nhiệm kỳ mới của Hội đồng trường - mà chưa đi sâu vào giải quyết các mối quan hệ về quyền lực và trách nhiệm giữa Hội đồng trường và hiệu trưởng, giữa ĐH và trường ĐH trong công tác quản trị ĐH.

Còn GS.TS Trần Văn Chứ - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Lâm nghiệp nhận định: Từ những văn bản pháp luật có liên quan quy định về nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan và trên cơ sở quy định của Luật số 34, Bộ Nội vụ cho rằng, Hiệu trưởng sẽ là người đứng đầu cơ sở giáo dục ĐH công lập. Trong Nghị quyết 19-NQ/TW đã nhấn mạnh: Hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường ĐH; Bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch Hội đồng trường. Hội đồng trường là cơ quan quyền lực cao nhất mà người điều hành là chủ tịch Hội đồng trường, còn hiệu trưởng là người quản lý, tổ chức thực hiện các nghị quyết của hội đồng trường và pháp luật.

Sớm hoàn thiện cơ chế phối hợp

Làm sao để phát huy hiệu lực, hiệu quả Hội đồng trường? Phân tích của các chuyên gia có chung quan điểm, hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và hiệu trưởng trường ĐH công lập ở Việt Nam hiện nay là vấn đề có ý nghĩa lý luận, thực tiễn cấp thiết nhằm hiện đại hóa, nâng cao chất lượng hoạt động của các trường ĐH công lập, góp phần đưa giáo dục ĐH Việt Nam hội nhập quốc tế và phát triển.

Như đã đề cập, cách đây 2 năm - từ tháng 4/2023 Bộ GDĐT đã lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 99/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH. Trong đó, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung về thành phần tập thể lãnh đạo (tại điểm đ khoản 1 Điều 7) bảo đảm phù hợp với quy định của Đảng và các Nghị định khác của Chính phủ; Đề xuất sửa đổi các Nghị định khác của Chính phủ, bảo đảm phát huy vai trò của Hội đồng trường theo tinh thần Nghị quyết số 19 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Về vấn đề này, ông Trần Văn Chứ cho rằng, việc sửa đổi Nghị định 99/2019/NĐ-CP cần đặc biệt phân biệt rõ ràng vai trò của Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng. Khi các cơ sở giáo dục còn bao cấp bởi các cơ quan chủ quản mà chưa tự chủ thực sự thì vai trò của Hội đồng trường vẫn chưa thực sự quan trọng, và chưa có sự phân biệt trách nhiệm rõ ràng giữa Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng.

(còn nữa)

Đồng bộ các văn bản liên quan

anh box

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Khiêm - Phó Chủ nhiệm thường trực Câu lạc bộ Chủ tịch Hội đồng trường: Có rất nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan đã được chỉ ra cho những vấn đề tồn tại hiện nay, mà tiêu biểu trong số đó là còn có sự thiếu đồng bộ giữa Luật Giáo dục ĐH với các văn bản quy phạm pháp luật khác; vấn đề nhận thức, hiểu và vận dụng Luật 34, Nghị định 99/2019/NĐ-CP với từng bộ/ngành và cơ sở giáo dục ĐH còn khác nhau; một số vấn đề nảy sinh thay phân cấp thẩm quyền và sự phối hợp công tác giữa Hội đồng trường - Ban Giám hiệu hiện còn thiếu những định hướng chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể và có tính thống nhất của các cấp có thẩm quyền, dẫn đến sự lúng túng của hầu hết các Hội đồng trường khi thực hiện nhiệm vụ cụ thể...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự chủ đại học và trách nhiệm, quyền hạn Hội đồng trường: Bài 1: Đi tìm tiếng nói chung