Đó là ý kiến của TS Lê Viết Khuyến, Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng ĐH (Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam). Theo ông, tự chủ không phải là phong trào làm cho có mà có thể có trường trước, có trường sau tùy vào điều kiện từng trường. Đối với trường đi tiên phong về tự chủ, chính sách cần phải mở thì họ mới đi được xa còn trường nào chưa sẵn sàng, chưa thực hiện tự chủ.
Theo TS Lê Viết Khuyến, tất cả những chỉ đạo của Đảng, Nhà nước ta trong những năm vừa qua liên quan đến tự chủ ĐH nhằm một mục tiêu kép là để các trường vững vàng lên, nâng được tầm để hội nhập với quốc tế. Một mặt thứ hai là để cắt đi nguồn ngân sách nhà nước đầu tư cho nó, chúng ta vẫn nói là “cắt đi bầu sữa ngân sách nhà nước”.
Nghị quyết 77 khẳng định các trường muốn được tự chủ về các mặt: Học thuật, nhân sự, tài chính... thì trước hết không nhận chi ngân sách thường xuyên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Hiệp hội nhận thấy gần như chưa có trường nào thực sự tự chủ, thực sự đạt được mục tiêu kép như tôi vừa nêu. Chẳng hạn, có trường khi cắt nguồn ngân sách thì học phí lại tăng chóng mặt khiến dư luận phải đặt dấu hỏi…
Cá nhân TS Khuyến cho rằng, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã có những thành công bước đầu trong thực hiện tự chủ. Còn những vấn đề khác, chúng tôi kiến nghị thanh tra chính phủ vào cuộc để chỉ rõ cái gì trường làm được, cái gì chưa, cái nào làm đúng theo chủ trương cũ, cái nào mới… Từ đó mới giải tỏa được những băn khoăn của nhà trường, của xã hội cũng như là bài học cho các trường trong thực hiện tự chủ ĐH hiện nay và sắp tới.