Đó là gia đình theo đạo Thiên chúa của ông Bùi Thế Vinh, trước ngụ tại số nhà 41, phố Phủ Doãn, phường Hàng Trống, quận Hoàn Kiếm, nay chuyển về số 16, ngõ 43, phố Võng Thị, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Ông Bùi Thế Vinh (người thứ 3 từ trái sang) tại Đại hội Đại biểu những người công giáo Thủ đô xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo bà Nguyễn Thị Bích, Tổ trưởng Tổ Đoàn kết Công giáo phường Hàng Trống, Phó Ban Đoàn kết Công giáo quận Hoàn Kiếm, Ủy viên Ủy ban Đoàn kết công giáo TP Hà Nội, đây là một gia đình sống rất mẫu mực, luôn đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau và gắn bó chặt chẽ với bà con dân phố. Các thành viên trong gia đình đều rất nỗ lực học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức. Dù ở đâu, gia đình ông Vinh cũng đều được biểu dương là gia đình văn hóa của phường, quận và thành phố Hà Nội.
Hơn 70 tuổi ông Bùi Thế Vinh vẫn luôn nhớ cái Tết Trung thu năm 1955, sau ngày Thủ đô giải phóng. Ngày ấy, ông được cùng thiếu nhi Hà Nội tham gia liên hoan phá cỗ Trung thu tại Phủ Chủ tịch. Còn đang ngỡ ngàng trước không khí rộn ràng của đêm hội, ông và các bạn cùng trang lứa bất ngờ được gặp Bác Hồ. Lập tức, những tiếng hô to: “Bác Hồ! Bác Hồ!” cứ thế vang lên không ngớt.
Bác xuất hiện trong vòng tay của đàn cháu như một người ông hiền từ, khơi gợi cho các cháu niềm tự hào được làm tiểu chủ nhân của một nước độc lập, của thủ đô mới được giải phóng.
Sau cuộc gặp, trên đường về nhà, cậu bé Vinh ngày ấy cứ lâng lâng mãi một niềm vui khó tả. Bởi một học sinh công giáo, học ở trường tư thục công giáo như cậu mà lại được lên tận Phủ Chủ tịch nước dự liên hoan bên Bác Hồ.
Ngay từ lúc đó, cậu bé Vinh tự nhủ phải không ngừng cố gắng học tập để đáp lại lòng thương yêu của Người. 5 năm sau, gia đình ông Vinh lại được dịp đón Bác đến thăm nhà vào đêm Giao thừa Tết Canh Tý (ngày 27/1/1960).
Người xuất hiện trước cửa nhà với bộ quần áo ka ki giản dị, đi dép cao su, râu tóc bạc phơ. Bác chân tình hỏi chuyện từng người trong gia đình ông Vinh như người thân lâu ngày gặp lại.
Bác khích lệ ông nội ông Vinh là cụ Bùi Xuân Bổng đi sâu nghiên cứu y học cổ truyền để chăm sóc người nghèo, nhất là phụ nữ, trẻ em. Động viên bố ông Vinh tích cực tham gia công tác địa phương, động viên đồng bào, nhất là đồng bào có đạo tham gia phong trào thi đua yêu nước.
Người còn động viên bố ông Vinh tích cực tham gia nghiên cứu sản xuất nhiều hóa chất phục vụ công nghiệp, nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế, xây dựng đất nước.
Bác nhắc nhở anh em ông Vinh cố gắng học tập để mai này lớn lên thành người có ích. 4 chữ “Tứ đại đồng đường kính Chúa yêu nước” được Bác tặng cho gia đình ông Vinh từ đó.
Trân trọng, nâng niu những kỷ niệm sâu sắc ấy cũng như ngưỡng mộ tấm gương đạo đức của Bác Hồ, gia đình ông Vinh càng thấm nhuần đức cứu khổ, cứu nạn của Đức Chúa Giê-su hy sinh thân mình cứu chuộc loài người, thắp sáng ngọn lửa tình yêu con người.
Vì thế, là một giáo viên rồi tham gia thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tại tỉnh Quảng Bình, công tác tại Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Ủy ban Thiếu niên nhi đồng Trung ương, lúc nào ông Bùi Thế Vinh cũng tâm niệm phải sống hết mình, yêu thương và phục vụ mọi người để xứng đáng với tình yêu và tấm gương đạo đức cao cả của Bác.