Vay tiêu dùng vào dịp cuối năm đang diễn ra rất sôi động trong khuôn khổ tự do hóa lãi suất. Tuy nhiên, chính sách này dường như vẫn chưa thực sự được triển khai đúng nghĩa đối với thị trường tài chính tiêu dùng. Để giải đáp mọi thắc mắc về vấn đề này, chúng tôi đã có buổi trao đổi với Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng, Hiệp hội Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.
Luật sư Trương Thanh Đức.
PV: NHNN mới đây công bố Dự thảo Thông tư hướng dẫn về hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính, trong đó nêu một số quy định về mức tính lãi suất. Xin ông cho biết thêm về nội dung này?
Luật sư Trương Thanh Đức: Dự thảo Thông tư mới đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn của NHNN thể hiện quan điểm tôn trọng nguyên tắc thỏa thuận trong nền kinh tế thị trường. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với định hướng điều hành của NHNN bấy lâu nay.
Theo Dự thảo Thông tư thì mức tính lãi suất gồm có 3 loại: Lãi suất nợ trong hạn, lãi suất quá hạn nợ gốc và lãi suất quá hạn nợ lãi.
Dự thảo Thông tư thể hiện theo tinh thần, mức lãi suất nợ trong hạn không bị giới hạn 20%/năm, tương ứng theo đó, tổng cộng mức lãi suất đối với nợ gốc quá hạn không bị giới hạn 30%/năm như quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Chỉ có lãi suất đối với tiền lãi quá hạn là bằng 10% theo đúng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy hoàn toàn phù hợp với thực tế, và còn khẳng định rõ ràng được cách tính lãi trên lãi, điều mà lâu nay hầu như không được Toà án chấp nhận.
Vậy cách tính lãi suất có được cho là phù hợp không, thưa ông?
- Dự thảo Thông tư đã đưa ra khá nhiều yêu cầu cụ thể về việc tính lãi suất như: “Lãi suất cho vay được tính theo tỷ lệ %/năm”; phải “bao gồm phương pháp, thời điểm, thời gian tính lãi tiền vay”; “nguyên tắc xác định, thời điểm xác định lãi suất cho vay”; “bảo đảm lãi tiền vay phải trả chỉ được tính trên cơ sở dư nợ cho vay thực tế tại thời điểm tính lãi”…
Những quy định trên có phần cứng nhắc và chưa phù hợp với thị trường tài chính. Việc quy định như vậy nhằm bảo đảm tính thống nhất, rõ ràng, giúp người vay dễ hiểu, dễ phân biệt và so sánh lãi suất.
Tuy nhiên, thay vì chốt cứng lãi suất theo năm hay chỉ được tính trên dư nợ (không được tính trên nợ gốc ban đầu), thì Dự thảo nên quy định lỏng hơn, trong đó phải quy đổi tương đương, không nhất thiết chỉ sử dụng một cách tính duy nhất.
Ngoài ra, việc quy định hạn mức cho vay 10 triệu đồng cũng là chưa hợp lý, chưa phù hợp với yêu cầu thực tế. Hiện nay, nhu cầu tiêu dùng phổ biến với các khoản chi tiêu trên 10 triệu đồng như: điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay, mô tô...
Theo tôi, cần tăng mức này lên vài lần, hay ít nhất là nâng lên gấp đôi, tương đương với mức phải thanh toán qua ngân hàng để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng.
Hiện nay, dư luận đang nhắc khá nhiều đến “tự do hóa lãi suất”. Theo ông, một thị trường như thế nào thì sẽ được coi là tự do về lãi suất?
- Đó là thị trường mà ở đó các bên (đi vay và cho vay) được thỏa thuận lãi suất, không bị giới hạn bằng pháp luật. Nếu thực sự tạo được môi trường tự do lãi suất, với quy luật cạnh tranh thì không lo tổ chức tín dụng tùy tiện nâng lãi suất. Khi đó, lãi suất sẽ tự được điều chỉnh để phù hợp với cung và cầu.
Mặc dù vậy, Bộ luật Dân sự (sửa đổi) năm 2015 hiện đang có quy định về trần lãi suất không quá 20%/năm và sẽ chính thức có hiệu lực. Vậy điều này đi ngược với xu hướng tự do hóa lãi suất, thưa ông?
- Đúng như vậy. Trần lãi suất cho vay là một sự bất cập suốt 30 năm qua, kể từ khi chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và đáng tiếc là vẫn chưa được giải quyết dứt điểm trong Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2017).
Khoản 1, Điều 468 của Bộ luật quy định lãi suất thỏa thuận “không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”.
Nếu áp dụng với hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng, nhất là đối với công ty tài chính, tổ chức tín dụng vi mô và cho vay tiêu dùng, thì sẽ vô cùng bất hợp lý, trái ngược với nguyên tắc cơ bản, tối thiểu của nền kinh tế thị trường và cơ chế tự do hóa lãi suất ngân hàng trong suốt nhiều năm qua.
Vì vậy, hoặc phải sửa đổi quy định trên, hoặc trước mắt cần phải giải thích và tạm thời vận dụng quy định tại Khoản 2, Điều 91 về “lãi suất, phí trong hoạt động kinh doanh của tổ chức tín dụng”, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Theo đó, “tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”.
Trân trọng cảm ơn ông!