Tư duy mở hay còn được gọi là tư duy cầu tiến, chỉ những người luôn sẵn sàng tiếp thu những thông tin, kiến thức mới. Những người có tư duy mở thường hào hứng với những cái mới, sẵn sàng lắng nghe ý kiến, suy nghĩ của người khác và luôn tôn trọng sự khác biệt mang tính đặc trưng cá nhân.
Ở chuyên đề Tinh hoa Việt số 219, chúng tôi đã có bài luận bàn về “Tư duy ngược”.
Lần này, xin được bàn về “Tư duy mở” (growth mindset). Như đã nói ở trên, những người có tư duy mở thường hào hứng với những thứ mới mẻ, sẵn sàng lắng nghe ý kiến, suy nghĩ của người khác và luôn tôn trọng sự khác biệt. Nói cách khác, tư duy mở là điều kiện cần thiết cho sự thay đổi và là điều kiện cần thiết cho sự phát triển, của cá nhân và xã hội.
Trong cuộc sống, chúng ta thường biết đến các loại tư duy sau:
• Tư duy logic.
• Tư duy sáng tạo.
• Tư duy tri giác.
• Tư duy phản chiếu.
• Tư duy phi hướng.
• Tư duy phản biện.
• Tư duy trực quan.
• Tư duy khái niệm.
• Tư duy hệ thống.
Một số nghiên cứu chỉ ra, có nhiều lợi ích khi bạn sở hữu tư duy mở. Có thể liệt kê ra đây những lợi ích như sau: Tinh thần lạc quan sẵn sàng tiếp thu những điều mới và đối mặt với thách thức; Thái độ cầu thị và tư duy cởi mở giúp mọi người xung quanh dễ dàng chia sẻ, góp ý với bạn hơn.
Qua đó, bạn sẽ có lối suy nghĩ sâu sắc và cái nhìn đa chiều về một sự việc, sự vật và ngay cả bản thân mình; Một tinh thần lạc quan, cùng tư duy cởi mở, không ngại thử thách sẽ mang đến cho bạn nhiều cơ hội để khám phá thế giới; Tư duy mở giúp bạn có cơ hội tôi luyện sức mạnh tinh thần, xây dựng nội tâm vững vàng để vượt qua khó khăn.
Tư duy mở cũng là cách để so sánh với những người có tư duy đóng (fixed mindset) - tức là người chỉ nhìn sự việc theo cách của họ, từ chối tiếp nhận được những góc nhìn mới, những tư tưởng mới và cách làm mới. Vì vậy, họ luôn sống trong quả bong bóng của những điều họ biết. Ngược lại, người có tư duy mở hào hứng với cái mới. Họ chẳng phải biết hết mới hào hứng. Vì không biết nên họ hào hứng, luôn tìm tòi học hỏi và không ngừng phát triển bản thân.
Thử nêu một vài dẫn chứng. Quan niệm về trí thông minh, người có tư duy mở cho rằng: Trí thông minh ở mỗi người có thể rèn luyện và nâng cao từng ngày. Trong khi đó, người có tư duy đóng thì quan niệm: Trí thông minh là sẵn có ở mỗi người và không thể thay đổi. Với sự thất bại, người có tư duy mở nghĩ: Thất bại là bài học để cải thiện bản thân. Còn người có tư duy đóng cho rằng: Thành công và thất bại được định sẵn, không phải ai cũng có thể đạt được điều mà mình mong muốn.
Cũng phải nói ngay một điều, kỹ năng tư duy là rất quan trọng. Từ tuổi thơ đi câu cá ngoài ao chuôm, sông ngòi thì những đứa trẻ khôn ranh, hay nói cách khác, có tư duy tốt, thường là những đứa chọn được chỗ ngồi câu thuận lợi, thậm chí là “điểm” mà tôm cá hay tụ lại ăn mồi. Đó có thể không phải là chỗ bóng tre râm mát, mà hơi nắng một chút.
Nhìn rộng ra, tư duy quan trọng ở mọi cấp độ nghề nghiệp trong mọi ngành. Ví dụ, những người có tư duy tốt là những người biết nắm thời cơ để mua hay bán trong cơn sốt vàng vừa qua, nhằm đem lại lợi nhuận cho mình. Những cá nhân có kỹ năng tư duy có thể làm việc tốt với người khác và làm việc độc lập để giải quyết các vấn đề, chẳng hạn như vấn đề tài chính, vấn đề quản lý và quy trình thiếu hiệu quả. Bởi lý do này, các công ty đánh giá cao và ưu tiên những ứng viên thể hiện kỹ năng tư duy tốt.
Nhờ có tư duy, con người có thể thu nhận thông tin, phân tích, đánh giá và hiểu được bản chất của các hiện tượng, sự vật xung quanh. Từ đó có thể hình thành những quan điểm, ý kiến của riêng mình về thế giới. Tư duy cũng giúp con người xác định mục tiêu, lập kế hoạch và lựa chọn phương hướng phù hợp để đạt được mục tiêu đó. Nhờ vậy, con người có thể hành động một cách chủ động, hiệu quả và tránh được những sai lầm không mong muốn.
Tư duy sáng tạo giúp chúng ta suy nghĩ vượt ra khỏi những giải pháp truyền thống và tìm ra các phương án mới. Bằng cách tưởng tượng, liên kết ý tưởng và suy luận logic, mỗi cá nhân có thể tạo ra các giải pháp đột phá.
Đồng thời, nó cũng giúp đánh giá các giải pháp tiềm năng bằng cách xem xét ưu, nhược điểm, khả năng thực hiện và tác động dự kiến của từng giải pháp. Dựa trên quá trình này, có thể lựa chọn giải pháp tốt nhất.
Ngoài ra, tư duy sáng tạo giúp con người tìm ra những ý tưởng mới, độc đáo và có giá trị. Nhờ vậy, con người có thể đóng góp cho sự phát triển của khoa học, kỹ thuật và xã hội. Tư duy đúng đắn giúp mỗi cá nhân đưa ra những quyết định sáng suốt, giải quyết vấn đề hiệu quả và đạt được thành công trong cuộc sống. Từ đó, chất lượng cuộc sống của con người cũng được nâng cao.
Vậy, đến đây, câu hỏi đặt ra là: Làm cách nào để rèn luyện cho mình có được tư duy mở? Với mỗi cá nhân và ở từng lĩnh vực khác nhau, các chuyên gia sẽ đưa ra những “bí kíp” khác nhau.
Tuy nhiên, có thể tạm thời đưa ra những chỉ dẫn mang tính chung nhất như sau:
1/ Hiểu được năng lực của mình đang mức nào để tiếp tục trau dồi, học hỏi. Bước đầu trong quá trình “khơi gợi” tư duy mở là bạn cần hiểu bản thân mình. Chỉ khi hiểu được năng lực, tiềm năng, điểm yếu và điểm mạnh của mình, bạn mới biết đâu là yếu tố mình cần trau dồi, học hỏi và phát triển bản thân hơn trong tương lai.
2/ Nắm bắt cơ hội để trải nghiệm và nhìn lại, rút ra bài học từ thành công đến thất bại. Khi đứng trước một cơ hội mới, có sự khác biệt to lớn với những thứ mà bản thân thường hay làm, bạn đừng sợ mà hãy cố gắng bắt lấy cơ hội đó. Qua việc trải nghiệm, bạn có thể rút ra nhiều bài học cho chính mình, dù kết quả là thành công hay thất bại.
3/ Không ngừng học hỏi - tò mò với cái mới, nâng cao kiến thức và kỹ năng. Tò mò và ham học hỏi là những tính cách rất cần thiết trong cuộc sống hiện đại. Vì thế, khi xuất hiện những công cụ - thông tin mới, bạn nên chủ động tìm hiểu để nâng cao kiến thức và kỹ năng của mình.
4/ Giữ thái độ cởi mở, linh hoạt trong mọi tình huống. Khi gặp một tình huống bất ngờ, chẳng hạn sếp từ chối đề xuất của bạn và lựa chọn đề xuất của một nhân viên mới, cảm xúc của bạn lúc này sẽ là gì? Bạn không cần chối bỏ những cảm xúc hiện tại của bản thân, nhưng nên giữ thái độ cởi mở để hiểu sự lựa chọn của sếp, từ đó rút kinh nghiệm tốt hơn cho những lần sau.
5/ Nhờ sự trợ giúp từ người có khả năng đặt câu hỏi gợi mở. Khi tiếp nhận những câu hỏi gợi mở, não bộ của bạn không ngừng tìm kiếm giải pháp mới mẻ và phù hợp cho bản thân. Không chỉ vậy, những câu hỏi chất lượng giúp bạn có cái nhìn đa chiều về một vấn đề và có cách xử lý hiệu quả.
Ở góc độ kinh doanh, theo chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân, đừng bao giờ đổ lỗi là mình sinh ra vốn không thông minh nên chẳng thể thành công trong sự nghiệp. Khi IQ không cao, người ta vẫn thành công được. Một nghiên cứu của Đại học Stanford cho biết thành công liên quan chủ yếu đến thái độ, hay nói một cách kỹ thuật hơn là tư duy của một con người - đóng hay mở.
Hãy nuôi dưỡng đam mê của mình ngày cả khi mắc vào thế khó nhất. Trong đời rồi sẽ có người giỏi hơn ta, khôn hơn ta, lanh hơn ta, nhưng dù có thua một chút về tài năng, bạn vẫn có thể bù đắp lại bằng niềm đam mê vô bờ bến. Đam mê khiến cho ta không ngừng theo đuổi sự tiến bộ, làm cho ta cố gắng mỗi ngày để làm một việc gì đó tốt hơn. Warren Buffet khuyên bạn tìm niềm đam mê của mình bằng công thức 5/25.
Viết ra 25 điều bạn quan tâm, thích thú nhất. Sau đó gạch bỏ dần 20 điều mà bạn có thể bỏ được. 5 điều còn lại có lẽ liên quan đến những gì bạn đam mê theo đuổi nhất.
Khi có đam mê rồi thì phải hành động. Người có tư duy mở cũng lo lắng trước mỗi quyết định trong đời. Có điều, họ hiểu rằng sợ hãi hay lo lắng là những cảm giác làm tê liệt một con người. Và thế là họ cứ hành động. Họ biết rằng sẽ chẳng bao giờ có một thời khắc hoàn hảo nhất.
Vậy nên cứ bước lên phía trước. Chẳng may gặp thất bại thì họ vẫn mỉm cười, và tiếp tục cố gắng hơn khi làm lại. Nhờ thế mà mọi lo lắng sợ hãi được huyển hóa thành năng lượng tích cực khi hành động.