Tự hào dưới mái trường Pétrus Ký - Lê Hồng Phong

Thành Luân 27/07/2015 09:10

Vừa được chính thức công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố, trường Pétrus Ký – Lê Hồng Phong (Q.5, TP HCM) đón nhận thêm tin vui khi nhiều thế hệ học sinh ưu tú cũng trở lại thăm mái trường xưa nhân dịp chương trình họp mặt cựu học sinh Pétrus Ký – Lê Hồng Phong 2015 vào chiều 26/7.

Tự hào dưới mái trường Pétrus Ký - Lê Hồng Phong

Trường Pétrus Ký - Lê Hồng Phong nổi tiếng là cái nôi của
nhiều phong trào cách mạng yêu nướcvà đào tạo người tài cho đất nước.

Chiều 26/7, khi có dịp gặp mặt, trò chuyện với các thế hệ học sinh trường Pétrus Ký trong ngày họp mặt, chúng tôi không khỏi xúc động. Ngôi trường đã gần 90 năm tuổi, là một trong 3 ngôi trường trung học đầu tiên tại Sài Gòn. Tên của ngôi trường được Thống đốc Nam Kỳ Blanchard de la Brosse đặt theo tên của nhà bác học người Việt là Lycée Petrus Trương Vĩnh Ký...

Sau đó, vào niên học 1976 - 1977 thì trường được đổi tên và mang tên nguyên Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, thế nhưng với các thế hệ học sinh của trường đều không khỏi tự hào về truyền thống của ngôi trường mang tên Pétrus Ký.

Ngay từ trong chiến tranh gian khổ, ngôi trường đã là cái nôi của các phong trào tranh đấu cách mạng giữa thủ phủ của ngụy quyền Sài Gòn. Trong đó, tên tuổi của những nhà cách mạng Trần Văn Ơn; Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, cố Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Anh hùng Lao động Trần Đại Nghĩa; Nguyễn Thái Bình; cố giáo sư Trần Văn Khê, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước,... đã đi vào lịch sử dân tộc. Trong những giai đoạn về sau, Pétrus Ký cũng là nơi học tập và trưởng thành của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cùng nhiếu thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP HCM.

Kiến trúc sư trẻ Trần Lâm, cựu học sinh trường THPT Lê Hồng Phong tự hào cho biết, ngay từ khi ngồi học dưới mái trường Pétrus Ký, anh đã được thôi thúc mãnh liệt về ước mơ trở thành một kiến trúc sư trong tương lai, và giờ đã thành hiện thực.

“Tôi đã tự mày mò, tìm hiểu về người “kiến trúc sư trưởng” khai sinh ra trường Pétrus Ký bằng quyết định thành lập trường là Thống đốc Blanchard De La Brosse, sau đó là công ấp ủ, thiết kế tài hoa của kiến trúc sư Ernest Hebrard. Sau đó, chính bản kiến trúc tuyệt vời của trường thể hiện sự giao thoa giữa văn hóa Việt Nam và phong cách Art Deco của Âu châu đã lôi cuốn tôi một cách mãnh liệt đến với công việc hiện tại”, Trần Lâm cho biết.

Dường như, trong quá khứ, ngôi trường Pétrus Ký gắn liền với những tên tuổi anh hùng cách mạng, thì hôm nay những thế hệ trẻ của trường Pétrus Ký – Lê Hồng Phong lại khẳng định khả năng thích nghi nhanh với những tiến bộ của khoa học nghệ thuật đại trong hầu khắp các lĩnh vực. Trong năm học 1994-1995, trường là nơi sáng lập ra kỳ thi học sinh giỏi hàng năm dành cho học sinh các tỉnh phía Nam từ Huế đến Cà Mau gọi là kỳ thi học sinh giỏi Olympic 30-4. Cuộc thi đã trở thành mô hình để mở rộng thành các kỳ thi olympic khu vực và cấp quốc gia trong những giai đoạn tiếp theo.

Về dự chương trình họp mặt “Hạ về” của trường Pétrus Ký – Lê Hồng Phong năm nay, anh Nguyễn Đình Phúc (Tổng GĐ I-GLOCAL, cựu học sinh khóa 1991 – 1994) và Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc kinh doanh của Trung tâm đào tạo kỹ năng Marketing Aiim, cựu học sinh khóa 2003 – 2006) đã dành thời gian chia sẻ nhiều câu chuyện thực tiễn, ý tưởng về vấn đề nổi cộm của giới trẻ hôm nay, như: nghề nghiệp, cơ hội và rủi ro khi làm trái ngành nghề,…

Nằm trong các hoạt động của “Hạ về 2015”, buổi giao lưu cựu học sinh Lê Hồng Phong 2015, với chủ đề “Gắn kết thế hệ” cũng đã thực sự trở thành điểm hẹn cho các thế hệ học sinh Pétrus Ký – Lê Hồng Phong gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm, kế thừa và kết nổi những thành quả và truyền thống tốt đẹp từ các thế hệ đi trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự hào dưới mái trường Pétrus Ký - Lê Hồng Phong