Việc UNESCO vừa công nhận mộc bản dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu là di sản đã khẳng định một cách khách quan nhất giá trị của hệ thống mộc bản, đánh giá cao truyền thống văn hóa của nhân dân Việt Nam. Cùng với gần một ngàn di sản khác của nhân loại, mộc bản dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu đã trở thành tài sản của nhân loại.
Làng Trường Lưu thuộc huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh là một vùng đất đặc biệt, nơi sản sinh ra cho dân tộc những nhà thơ, những bậc nho gia nổi tiếng, góp phần to lớn vào sự phát triển của nền văn học dân tộc trong qua khứ.
Gia tộc Nguyễn Huy Trường Lưu có nhiều đời là thông gia môn đăng hộ đối, với gia đình Tể tướng Dương Trí Trạch, gia đình La sơn Phu tử Nguyễn Thiếp và Đình nguyên Thám hoa Phan Kính
Đặc biệt, dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu có quan hệ thâm giao với gia tộc Tiên Điền, Nhà thơ Nguyễn Huy Tự, tác giả Hoa Tiên có hai người vợ là chị em ruột, cháu của Đại thi hào Nguyễn Du. Nguyễn Du trong nhiều năm về sống ở Tiên Điền, thường xuyên qua lại thăm và đã để lại nhiều áng thơ bất hủ về các cô gái phường vải làng Trường Lưu.
Nhắc đến làng Trường Lưu là nhắc đến một địa danh nổi tiếng với nhiều thắng cảnh, một làng nghề quay tơ, dệt vải và thường xuyên có lễ hội hát ví giao duyên.
Hiếm có một dòng họ nào, mà tổ phụ, con cháu hầu như chỉ theo đuổi nghề dạy học và sáng tác văn chương, nhiều đời đỗ đạt cao, nhưng vẫn chú tâm vào hoạt động xã hội. Cũng hiếm có một gia đình Việt Nam nào trong quá khứ mà trong nội một gia đình có tới bốn nhà thơ lừng danh thế kỷ XVIII.
Trước tác của các nhà thơ dòng họ Nguyễn Huy để lại rất đồ sộ, bao gồm thơ chữ Hán, chữ Nôm, câu đối, sử liệu, địa dư, sách huấn gia thư, mặc dù bị tiêu tán phần lớn qua nhiều thời kỳ binh đao, thiên tai, nhưng cho đến nay vẫn còn xấp xỉ tới hơn hai mươi bộ. Dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu có tới 21 nhà thờ dòng họ và một hệ thống đình chùa đình rất lớn, trong đó có Phúc Giang thư viện “chứa tới hàng vạn cuốn sách và tư liệu” cùng với trường học đã bị phá hủy hoàn toàn vào năm 1955. Một số tư liệu, di thảo, bút lục và các tập sách còn sót lại đã được đưa vào thư viện Quốc gia và Thư viện UBKHXH.
Hiện hãy còn một số đang được các học giả hải ngoại lưu giữ tại Pháp. Rất may, hơn hai ngàn mộc bản, vẫn đang còn xấp xỉ bốn trăm bản vẫn còn được bảo tồn tại nhà thờ dòng họ Nguyễn Huy.
Những gì các bậc tiền nhân dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu để lại đã trở thành di sản quý báu, đặc biệt là bộ mộc bản có một không hai đã được Tổ chức Văn hóa Thế giới UNESCO công nhận là di sản ký ức nhân loại.