Tự hào truyền thống, vững bước tương lai

Hoàng Yến - Vũ Mạnh 18/11/2020 08:30

Hôm nay, 2000 đại biểu sẽ về dự Lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020).

Lịch sử 90 năm qua đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, là niềm tự hào của người Mặt trận và cũng là hành trang để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục đổi mới, mở rộng, thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh của mình trên con đường phát triển của đất nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Dur Kmăl (huyện Krông Ana, tỉnh Đăk Lăk), tháng 11/2018. Ảnh: TTXVN.

Ngày 18/11, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, UBTƯ MTTQ Việt Nam và thành phố Hà Nội trọng thể tổ chức Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020), trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

1. Sau khi Đảng thành lập và lãnh đạo cách mạng Việt Nam (3/2/1930), Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng Minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, nay là Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam.

Trong suốt quá trình đó, đoàn kết là sợi dây xuyên suốt để Mặt trận thực hiện sứ mệnh của mình. Đoàn kết trong Mặt trận Việt Minh, nhân dân ta đã giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đoàn kết trong Mặt trận Liên - Việt, nhân dân ta đã kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và không ngừng lớn mạnh trở thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam.

Đoàn kết trong MTTQ Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh Các lực lượng dân tộc dân chủ và hoà bình Việt Nam, nhân dân ta đã làm tròn nhiệm vụ lịch sử vẻ vang giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trong cả nước.

Từ ngày 31/1 đến ngày 4/2/1977, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam quyết định hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thành một Mặt trận Dân tộc thống nhất của cả nước, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Và như vậy, trong mọi hoàn cảnh khó khăn, thách thức, Mặt trận luôn là nơi khơi dậy và phát huy lòng yêu nước của người Việt Nam, tập hợp và tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Soi chiếu vào những chặng đường đã qua của lịch sử 90 năm Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - MTTQ Việt Nam để thấy rằng, vị trí, vai trò, nhiệm vụ của Mặt trận rất quan trọng. Mặt trận nắm được dân, biết nghe dân để nói cho dân hiểu, làm dân tin, dân theo. Cũng chính từ đây, Mặt trận thực sự là “cầu nối” giữa dân với Đảng và Nhà nước, làm cho ý Đảng hợp với lòng dân. 90 năm qua, Mặt trận ở trong lòng dân là vậy, không ai làm thay được.

Trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam có nhiều thế mạnh và nhiều sức mạnh, nhưng quan trọng nhất là lòng dân. Sức mạnh của lòng dân là sức mạnh của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Và thời nào cũng vậy, Mặt trận luôn có lợi thế tập hợp, đoàn kết dân tộc vì những mục tiêu cao cả. Thời nào cũng vậy, khối đại đoàn kết thông qua Mặt trận luôn có sức mạnh to lớn, lâu bền. Nhưng ở mỗi thời kỳ lại đặt ra cho người làm Mặt trận bài toán vận dụng sức mạnh truyền thống ấy sao cho phù hợp.

2. Trong đoàn đại biểu về dự Lễ Kỷ niệm 90 năm Mặt trận, ông Nguyễn Túc là một trong những người mang trong lòng niềm tự hào Mặt trận. 85 tuổi, ông Nguyễn Túc là người có mặt từ Đại hội thống nhất ba tổ chức Mặt trận gồm MTTQ, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Việt Nam. Cho đến nay, sau 9 kỳ Đại hội MTTQ Việt Nam, kỳ nào ông Nguyễn Túc cũng đều ở trong Ban Biên tập Văn kiện. Ông cũng là cán bộ duy nhất tham gia 7 nhiệm kỳ Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

50 năm qua, ông Nguyễn Túc đã có một hành trình gắn bó sâu sắc bằng cả cuộc đời mình với công tác Mặt trận nhưng chúng tôi rất ngạc nhiên khi ông bảo, “vẫn chưa đáp ứng được với nhiệm vụ của Mặt trận”. Vì càng làm càng thấy công tác Mặt trận là công tác rất “mênh mông”.

Bởi, Maxim Gorky - nhà văn kiệt xuất của nền văn học Nga - Xôviết từng nói rằng khoa học khó nhất trong tất cả các ngành là khoa học xử lý mối quan hệ giữa con người với con người. Xử lý mối quan hệ giữa con người với con người - với Mặt trận là rất đúng vì theo ông Nguyễn Túc ở Mặt trận, ngoài công - nông - trí thì còn nhiều giai tầng khác. Ngoài các giai tầng xã hội thì lại có 54 dân tộc. Rồi cũng với 54 dân tộc đó, từ lúc có 6 tôn giáo chính, đến bây giờ Nhà nước công nhận 43 tổ chức tôn giáo được công nhận và đăng ký hoạt động.

“Cho nên muốn làm được công tác Mặt trận thì ít nhất anh phải hiểu được tâm lý, nguyện vọng của từng giai tầng xã hội, công nhân khác, nông dân khác, trí thức khác, thương gia khác… Muốn đi vào tôn giáo thì anh phải hiểu giáo lý và giáo luật, không hiểu giáo lý giáo luật thì làm sao có thể nói chuyện với người ta? Các dân tộc cũng thế. Dân tộc theo chế độ mẫu hệ mà anh không biết, lại đi làm việc với người đàn ông thì coi như không đạt kết quả… Thành ra công việc đòi hỏi mình phải học, phải lao vào nghiên cứu. Và càng nghiên cứu tôi càng nghiệm thấy kiến thức của mình chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác Mặt trận” - ông Nguyễn Túc trăn trở và cho rằng đấy cũng chính là vấn đề đặt ra cho công tác Mặt trận hiện nay.

Thứ nhất là phải thực sự dân chủ. Bởi trình độ dân trí của người dân rất cao. Cùng với đó là tác động của quốc tế trong tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước. Nếu không dân chủ thì không thể quy tụ được nhân dân. Hai là, phải giải quyết hài hòa lợi ích. Ông Nguyễn Túc nêu ví dụ: Phát triển kinh tế nhiều thành phần dẫn đến thu nhập khác nhau. Thu nhập khác nhau dẫn đến mức sống khác nhau. Mức sống khác nhau dẫn đến sự suy nghĩ không giống nhau. Từ đó, không thể có sự nhất trí về chính trị, tinh thần đoàn kết nếu như không giải quyết hài hòa về lợi ích.

Ông Nguyễn Túc khẳng định rằng, dân chủ thực sự và hài hòa lợi ích là hai điểm rất quan trọng để đảm bảo sự đoàn kết. Và ở đó có sứ mệnh vô cùng lớn lao của Mặt trận đòi hỏi mỗi một cán bộ phải vượt lên chính mình, thực hiện sứ mệnh của lịch sử để viết tiếp những trang sử vẻ vang cho Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - MTTQ Việt Nam.

Ra mắt thành viên UBTƯ MTTQ Việt Nam tại Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX. Ảnh : Quang Vinh.

3. Sứ mệnh gìn giữ và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đã trao cho Mặt trận vai trò và sức mạnh to lớn trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh mà lịch sử 90 năm qua đã minh chứng. Ở giai đoạn hiện nay, Mặt trận tiếp tục là trung tâm đoàn kết, tuyên truyền, tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng thực hiện các mục tiêu, lý tưởng của Đảng, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.

Tất cả những mục tiêu lớn lao ấy, đều được người Mặt trận bắt đầu từ những phần việc nhỏ nhưng rất cụ thể từ mỗi cộng đồng dân cư. Có đi đến Ngày hội Đại đoàn kết ở các khu dân cư những ngày này mới thấm thía hơn những điều nhỏ bé ấy.

17 năm qua, việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết nhân dịp kỷ niệm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam đã không còn là đợt sinh hoạt mang tính định kỳ, nhỏ lẻ của một số người tích cực trong hoạt động xã hội mà trở thành nơi cố kết cộng đồng, nơi sẻ chia của tình làng nghĩa xóm, nơi bạn bè thân hữu gặp gỡ, nơi để người lãnh đạo được trở về với dân. Và như thế, trong rất nhiều hoạt động của Mặt trận ở khu dân cư, ngày hội đại đoàn kết đã trở thành ngày hội của lòng dân.

Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, cho rằng, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc năm nay được tổ chức vào thời điểm rất đặc biệt. Trong bối cảnh tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong giai đoạn khó khăn của đất nước khi vừa phải phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa khắc phục hậu quả của bão lũ và tái thiết lại nền kinh tế, cho nên ngày hội chính là dịp để mỗi khu dân cư tiếp tục thắp lên những ngọn lửa đoàn kết, chia sẻ khó khăn cùng đất nước, chia sẻ với khó khăn của đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ, từ đó mỗi người dân, mỗi khu dân cư phát huy tinh thần tự lực tực cường, sức sáng tạo để khơi dậy khát vọng xây dựng và phát triển quê hương, đất nước.

Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam diễn ra vào thời điểm quan trọng của sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước chính là dịp để mỗi người Mặt trận, bằng trách nhiệm và tâm huyết của mình nhận diện rõ những thời cơ và thách thức để tiếp tục viết nên những trang sử mới.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, hiện nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết quyết tâm cao, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, kiên trì phấn đấu, bằng trí tuệ, tài năng, khát vọng, đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo nên thế mới và lực mới cho đất nước.

Trong toàn bộ tiến trình đó, việc củng cố, phát huy đại đoàn kết dân tộc bao giờ cũng hết sức quan trọng, thời điểm hiện nay càng quan trọng. Vì chỉ có đoàn kết mới đủ sức đối phó với những khó khăn, thách thức hiện nay.

“Nhân dân đang đặt niềm tin vào Mặt trận. Đảng đang đặt niềm tin vào Mặt trận, Mặt trận phải thể hiện rõ là cầu nối vững chắc để thắt chặt mối quan hệ máu thịt Đảng, Nhà nước, Nhân dân. Đảng làm cho dân và dân làm theo Đảng. Thông qua Mặt trận để Đảng gần dân hơn, để người dân tham gia ngày càng hiệu quả vào quản lý xã hội, phát triển của đất nước” - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Để Mặt trận tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa sứ mệnh, người đứng đầu MTTQ Việt Nam khẳng định, Mặt trận phải đổi mới chính mình, đổi mới phương thức hoạt động, năng động, sáng tạo, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có chính kiến, gần gũi với cuộc sống nhân dân để biết nhân dân mong muốn gì, biết nhân dân nghĩ gì, như vậy mới làm tốt được vai trò đại diện của nhân dân.

“Bằng sự tâm huyết của đội ngũ cán bộ Mặt trận các cấp, có sự quan tâm lãnh đạo thường xuyên của Đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của các cơ quan nhà nước, bằng sự phối hợp, thống nhất hành động giữa các tổ chức thành viên, sự tin yêu ủng hộ của nhân dân, chúng ta tin tưởng vững chắc rằng: sẽ thực hiện được sứ mệnh thiêng liêng mà Đảng và Nhân dân giao phó” - Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.

Một số ý kiến của nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam:

Ông Phạm Thế Duyệt.

Muốn đoàn kết, Mặt trận phải bám vào khu dân cư

Theo ông Phạm Thế Duyệt, Nguyên Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Mặt trận là nơi giúp Đảng thực hiện đường lối dân chủ, lắng nghe được ý kiến đúng đắn của người dân. Mặt trận muốn đoàn kết được nhân dân giúp cho Đảng thì chỉ bám vào khu dân cư vì Mặt trận đại diện cho nhân dân thì phải coi khu dân cư là quan trọng, coi vấn đề đoàn kết dân tộc, tôn giáo là quan trọng. Bám vào khu dân cư, theo ông Duyệt là phải để nhân dân phấn khởi, nhân dân vui vẻ, nhân dân không còn mặc cảm và nghi kỵ lẫn nhau, phát huy được tính cộng đồng, tình làng nghĩa xóm thì mới có đại đoàn kết thực sự. Đoàn kết là bà con cùng một tôn giáo, một dân tộc đoàn kết, đồng thời đoàn kết giữa các tôn giáo, các dân tộc. Hình ảnh Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc ở khu dân cư vào dịp kỷ niệm thành lập Mặt trận với hơn một chục vạn khu dân cư cùng náo nức tưng bừng chính là hình ảnh tiêu biểu của đoàn kết toàn dân.

Ông Huỳnh Đảm.

90 năm Mặt trận gắn liền với vận mệnh của đất nước, dân tộc

Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cho rằng, suốt chặng đường 90 năm qua, Mặt trận luôn gắn liền với vận mệnh của đất nước, của dân tộc, góp phần cùng dân tộc làm nên những trang sử vẻ vang nhất, hào hùng nhất trong thế kỉ XX và những năm đầu của thế kỉ XXI. Mặt trận không ngừng trưởng thành, hoàn thiện về mặt tổ chức. Đến nay, được Đảng và Nhà nước xác định MTTQ Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các cá nhân tiêu biểu… Mặt trận là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hoà XHCN Việt Nam. Để làm tốt vị trí, vai trò, sứ mệnh lịch sử của mình đòi hỏi Mặt trận phải tăng cường và mở rộng về mặt tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động. Nhà nước tiếp tục thể chế hoá, phát huy hơn nữa vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.

Ông Nguyễn Thiện Nhân.

Vừa đoàn kết vừa giám sát phản biện

Với trách nhiệm là nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, xuất phát từ quá trình 90 năm phát triển của MTTQ Việt Nam, vai trò chính trị của Mặt trận không chỉ nằm ở chỗ là tập hợp đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, đồng thuận xã hội - một sự tiếp nối nâng cao truyền thống đoàn kết của dân tộc hàng ngàn năm qua mà còn là phải thực thi cơ chế chính trị không thể thiếu làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, đất nước có động lực phát triển mạnh mẽ. Đó là MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội giám sát Đảng, chính quyền đảm bảo tuân thủ quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phản biện xã hội các đường lối chính sách phát triển đất nước; hiện thực hóa liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức một cách hiệu quả nhất. Để Mặt trận đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cấp ủy Đảng cần quán triệt sâu sắc trách nhiệm lãnh đạo của mình để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội quyết tâm, tự giác, sáng tạo, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ kép đặc thù của mình là phát huy đại đoàn kết toàn dân tộc và giám sát phản biện xã hội.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam qua các kỳ Đại hội

Ngày 18/11/1930 Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế Đồng Minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Trong các giai đoạn tiếp theo của cách mạng Việt Nam, do yêu cầu đòi hỏi thực tế của nhiệm vụ cách mạng từng thời kỳ, Đảng ta tiếp tục sáng lập các hình thức tổ chức hoạt động khác của Mặt trận như: Phản đế Liên minh (3/1935); Mặt trận Thống nhất Nhân dân Phản đế (10/1936); Mặt trận Dân chủ Đông Dương (6/1938); Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế Đông Dương (11/1939); Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội (gọi tắt là Việt Minh) (19/5/1941); Hội Liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Hội Liên Việt) (29/5/1946); Mặt trận Liên Việt (3/3/1951); Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (5/9/1955); Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (20/12/1960), Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam (20/4/1968) và MTTQ Việt Nam (4/2/1977).

Sau ngày đất nước thống nhất, ngày 24/5/1976, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định thống nhất các đoàn thể nhân dân và các tổ chức Mặt trận trong cả nước là: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh Các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam với tên gọi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Kể từ đó đến nay, MTTQ Việt Nam đã qua 9 kỳ Đại hội.

Đại hội lần thứ I (nhiệm kỳ 1977 - 1983) do Chủ tịch Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch danh dự. Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam gồm 44 vị do ông Hoàng Quốc Việt làm Chủ tịch.

Đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 1983 - 1988) suy tôn Chủ tịch Hoàng Quốc Việt làm Chủ tịch danh dự, cử kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch.

Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 1988 - 1994), Chủ tịch Hoàng Quốc Việt được suy tôn làm Chủ tịch danh dự, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ được cử làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch.

Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 1994 - 1999) do ông Lê Quang Đạo làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch. Đại hội suy tôn Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch danh dự.

Đại hội lần thứ V (nhiệm kỳ 1999 - 2004) hiệp thương ông Phạm Thế Duyệt làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Trần Văn Đăng được hiệp thương cử làm Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Đại hội lần thứ VI (nhiệm kỳ 2004 - 2009) hiệp thương ông Phạm Thế Duyệt tái cử Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Huỳnh Đảm được hiệp thương cử làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Đại hội lần thứ VII (nhiệm kỳ 2009 - 2014) đã hiệp thương ông Huỳnh Đảm làm Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, ông Vũ Trọng Kim được hiệp thương cử làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký.

Đại hội lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2014 - 2019) hiệp thương ông Nguyễn Thiện Nhân làm Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Vũ Trọng Kim tái cử làm Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký.

Ngày 14/4/2016, Hội nghị lần thứ 5 UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII đã hiệp thương cử ông Trần Thanh Mẫn giữ chức Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2014-2019.

Ngày 22/6/2017, Bộ Chính trị đã chỉ định ông Trần Thanh Mẫn làm Bí thư Đảng đoàn MTTQ Việt Nam và giới thiệu để Hội nghị lần thứ 7 UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII hiệp thương cử ông Trần Thanh Mẫn giữ chức Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII nhiệm kỳ 2014-2019, thay ông Nguyễn Thiện Nhân nhận chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày 6/1/2018, Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ 8 (Khóa VIII) đã hiệp thương cử ông Hầu A Lềnh tham gia Ủy viên Ủy ban, Đoàn Chủ tịch, Ban Thường trực và giữ chức Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa VIII, nhiệm kỳ 2014-2019.

Đại hội lần thứ IX (nhiệm kỳ 2019 - 2024) đã hiệp thương ông Trần Thanh Mẫn tái cử giữ chức vụ Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX; ông Hầu A Lềnh tái cử giữ chức vụ Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam khóa IX.

BTV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự hào truyền thống, vững bước tương lai