Cách nay 10 năm tôi được chuyển về công tác tại Báo Đại Đoàn Kết, làm phóng viên thường trú của báo tại tỉnh Nam Định. Trước khi về báo tôi chưa hiểu nhiều về lịch sử, truyền thống của báo. Về rồi, tìm hiểu tôi dần nhận ra mình đang được làm việc ở một cơ quan báo chí có vị trí đặc biệt trong lịch sử cách mạng Việt Nam...
Tiền thân của Báo là Báo Cứu Quốc, cơ quan tuyên truyền của Tổng bộ Việt Minh, xuất bản số đầu ngày 25/1/1942, trước cách mạng Tháng Tám. Đặc biệt, người chỉ đạo thành lập, trực tiếp phụ trách báo thời kỳ đầu là Tổng Bí thư Trường Chinh, một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng. Với tôi còn đặc biệt hơn khi ông là một người con ưu tú của quê hương Nam Định - nơi tôi đang làm phóng viên thường trú của cơ quan báo chí do ông chỉ đạo sáng lập.
Nhớ lần đầu được cầm tờ Báo Cứu Quốc, số Xuân năm 1942 trên tay tôi rất xúc động, ngạc nhiên. Trong bối cảnh khó khăn, thiếu thốn, viết, in ấn thủ công nhưng cách nay gần 80 năm, Tổng Bí thư Trường Chinh cùng những nhà cách mạng làm Báo Cứu Quốc khi ấy đã làm tờ báo dầy tới 16 trang. Nội dung xuyên suốt là cổ vũ, động viên toàn dân đoàn kết xung quanh Việt Minh để đánh đuổi thực dân, phát xít xâm lược. Trong đó, ở bài xã luận trang 2 có tên “Năm Mới”, sau khi phân tích những điều kiện thế giới và trong nước đang rất thuận lợi cho khởi nghĩa, giành chính quyền. Cuối bài viết: “Hỡi đồng bào! Hãy chuẩn bị đón lấy những dịp tốt đẹp đột nhiên sẽ đến. Thời cuộc thế giới sẽ mau giúp chúng ta thoát khỏi xiềng xích của Nhật - Pháp. Nhưng chúng ta không có quyền ỷ lại. Tự do không xin mà được. Tự do phải chiến đấu mà giành lấy! Bước sang năm mới, đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ. Dưới lá cờ của Việt Nam độc lập đồng minh, chúng ta hãy mạnh mẽ tiến bước trong năm mới đầy hứa hẹn vinh quang!”.
Các trang trong, Cứu Quốc có những bài rất thời sự, tính tố cáo, chiến đấu rất cao. Số báo cũng đăng danh sách, số tiền người dân tỉnh Thái Bình ủng hộ Quỹ Cứu Quốc, cho thấy ở thời điểm đó nhân dân Việt Nam rất tin tưởng, đồng lòng ủng hộ Việt Minh.
Với những công lao, đóng góp to lớn, cố Tổng Bí thư Trường Chinh luôn được toàn Đảng, toàn dân kính trọng, khắc sâu, ghi nhớ. Ở Nam Định quê hương ông những tình cảm ấy còn sâu đậm hơn trong các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ông, như đã biết, sinh ra trong một gia đình đại trí thức, khoa bảng, ở một làng quê nổi tiếng với truyền thống văn hóa, hiếu học, khoa bảng thời kỳ nào cũng rạng rỡ, với rất nhiều người đỗ đạt là làng Hành Thiện (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường); từ xa xưa đã nổi tiếng với câu ca “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”, “trai học hành, gái canh cửi”.
Có một chuyện sử làng vẫn lưu truyền: ông Đặng Xuân Bảng (ông nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh) nhà nghèo không có tiền theo học thầy, chỉ học cha là Đặng Viết Hòe mà đỗ Tiến sỹ năm 29 tuổi. Khi dự yến vua Tự Đức ban, được vua hỏi học ai, ông tâu chỉ học cha mình, vua cảm phục ban cho bố con ông bốn chữ “Giáo tử đăng khoa” (Dạy con thi đỗ). Những người Hành Thiện sau khi đỗ đạt đều mang sở học ra giúp dân, giúp nước. Ngoài số làm quan giúp việc triều đình, còn lại đều đi khắp nơi làm thầy giáo, thầy thuốc…
Nối tiếp truyền thống hiếu học, yêu nước của gia đình, quê hương, chàng thanh niên Đặng Xuân Khu (tên thật cố Tổng Bí thư Trường Chinh) đã sớm giác ngộ, dấn thân, mang hết tâm huyết, trí tuệ phục vụ nhân dân, đất nước.
Từ năm 1925, khi mới 18 tuổi, đang theo học tại trường Thành Chung ở TP Nam Định ông đã tham gia hoạt động cách mạng, với các hoạt động đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu, cho tổ chức lễ truy điệu và để tang nhà chí sỹ yêu nước Phan Châu Trinh. Năm 1927, khi mới 20 tuổi ông đã gia nhập tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí hội; năm 1941, khi mới 34 tuổi ông đã được giao trọng trách làm Tổng Bí thư của Đảng.
Một lần về thăm làng Hành Thiện quê ông, chúng tôi được dân làng kể lại, năm 1939 phong trào cách mạng gặp khó khăn, Đảng rút vào hoạt động bí mật, nhà cách mạng Trường Chinh khi ấy phải lui về quê hoạt động bí mật, trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng tại quê nhà.
Tuy nhiên, cái tin “một nhân vật nguy hiểm” đang có mặt tại Hành Thiện nhanh chóng đến tai bọn tay sai, mật thám ở địa phương. Ngay lập tức chúng tổ chức vây bắt. Trước đó biết mình đã bị lộ, được sự giúp đỡ của đồng chí, đồng bào quê hương ông đã tìm đường, vượt sông Hồng thoát qua mạn Thái Bình.
Từ đây, ông lại tiếp tục dấn thân trên con đường làm cách mạng đầy gian khổ, nguy hiểm nhưng cũng rất đỗi vinh quang của mình, lần lượt đảm nhiệm những trọng trách quan trọng của Đảng, Nhà nước, trong đó có 3 lần đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư.
Ở giai đoạn nào, ở cương vị nào ông cũng được nhìn nhận, đánh giá có những dấu ấn, đóng góp đặc biệt quan trọng. Trong đó, ông là người đã khởi xướng công cuộc đổi mới đất nước từ gần 40 năm trước. Trên đường cách mạng, ông và các đồng chí của mình luôn sử dụng báo chí như một công cụ hữu hiệu.
Theo ông Chu Văn Đạt, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nam Định, sinh thời, là lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, công việc bận rộn nhưng khi có điều kiện, Tổng Bí thư Trường Chinh vẫn dành thời gian, nhiều lần về thăm, động viên cán bộ, nhân dân tỉnh Nam Định quê nhà.
Ông gặp gỡ, tiếp xúc với dân làng, xã viên hợp tác xã, công nhân, người lao động, học sinh… để thăm hỏi, động viên; làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh để chỉ đạo, định hướng những bước đi quan trọng. Đặc biệt quá trình tiếp xúc, làm việc ông luôn lắng nghe, tìm hiểu thực tiễn; động viên, khích lệ những thành tích, thẳng thắn chỉ rõ những khiếm khuyết.
Đầu năm 1981, sau khi Ban Bí thư khóa IV ban hành Chỉ thị 100-CT/TW về “Mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm lao động và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”, dấu mốc quan trọng về đổi mới tư duy kinh tế và chính sách phát triển nông nghiệp của Đảng, ông dành nhiều thời gian về thăm, khảo sát thực tiễn thực hiện Chỉ thị ở các huyện Hải Hậu, huyện Xuân Thủy và nhiều địa phương khác trong tỉnh.
Chứng kiến chính sách khoán hộ đã tạo ra không khí sản xuất mới ở các Hợp tác xã và gia đình xã viên, năng suất hơn, hiệu quả hơn, no ấm hơn ông rất phấn khởi. Khi làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh ông nhắc nhở cán bộ và nhân dân phải nghiên cứu kỹ, nắm vững mục đích và nguyên tắc của việc khoán, bàn bạc dân chủ để có hình thức khoán thích hợp, không được khoán trắng và chia ruộng đất manh mún, cản trở sử dụng kỹ thuật và phải tổng kết kinh nghiệm để nhân rộng những điển hình.
Nhắc lại lời cố Tổng Bí thư Trường Chinh: “Tuy ở xa nhưng trái tim tôi lúc nào cũng hướng về quê hương và bà con quê nhà” - ông Chu Văn Đạt xúc động - “Mỗi bước đi của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Nam Định đều có sự chỉ đạo sâu sát, ân cần của Tổng Bí thư Trường Chinh, từ công tác lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền đến công tác vận động quần chúng thực hiện nhiệm vụ cách mạng”.
Những ngày này, đi trên những làng quê, xứ đạo đều đã đạt chuẩn nông thôn mới ở tỉnh Nam Định và nhiều địa phương khác, chúng tôi hồi tưởng xưa Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng, với chính nghĩa của mình, với cơ quan cổ động, tuyên truyền là tờ Báo Cứu Quốc đã tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân đứng lên làm cách mạng, giành lại độc lập, tự do cho đất nước, dân tộc.
Ngày nay, cũng dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tầng lớp nhân dân đoàn kết dưới mái nhà chung Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, phát huy công sức, trí tuệ xây dựng đất nước với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong niềm vui chung, chúng tôi - những người làm Báo Đại Đoàn Kết, tờ báo của tổ chức Mặt trận - tự hào đã và đang tiếp nối mạch nguồn của Báo Cứu Quốc, tờ báo của Mặt trân Việt Minh, do Tổng Bí thư Trường Chinh sáng lập 80 năm trước...