Ngày 7/10 vừa qua, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bế mạc. Một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là, cho ý kiến về sự cần thiết, đúng đắn của việc ban hành Kết luận của Hội nghị Trung ương lần này về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII với tên gọi, chủ đề và phạm vi mới.
1. Từ nội dung này, có thể thấy, trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp, Đảng ta đã đặc biệt chú trọng đến công tác, xây dựng, chỉnh đốn Đảng - đây là nhiệm vụ then chốt, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta. Nhìn lại quá trình thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII và các quyết định, quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong thời gian qua, có thể khẳng định: Chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng, tạo ra sự chuyển biến rõ rệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, được toàn Đảng, toàn dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi một cách căn bản, thậm chí có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường. Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những nhiệm vụ cơ bản để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện; trong đó khẳng định tiếp tục kiên trì, kiên quyết thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.”
Và, để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương 4 lần này tiếp tục thảo luận, tạo sự thống nhất cao về các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nhằm “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”. Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, trong hội nghị, các đại biểu là các Ủy viên Trung ương Đảng đã phân tích, mổ xẻ, làm rõ, chỉ ra căn nguyên, đề ra các biện pháp chữa trị bệnh “tự chuyển hóa” trong mỗi cán bộ đảng viên. Mục đích là làm sao thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tư tưởng chính trị, tự phê bình và phê bình; về tập trung hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách; về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó là việc bàn bạc các nhóm giải pháp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong tham gia xây dựng Đảng.
2. Nhớ lại, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI - một Nghị quyết được viết ngắn gọn, nhưng với tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt là kiên quyết, kiên trì chúng ta đã chỉ ra một cách trực diện những khuyết điểm, yếu kém, tạo bước đột phá về công tác cán bộ. Nghị quyết không dàn trải, mà tập trung nêu và giải quyết nội dung cốt lõi là 3 vấn đề cấp bách và 4 nhóm giải pháp.
Đó là: Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động hội nhập quốc tế. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Còn, bốn nhóm giải pháp là: Nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên. Nhóm giải pháp về tổ chức, cán bộ và sinh hoạt đảng. Nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách. Nhóm giải pháp về công tác giáo dục chính trị tư tưởng.
Riêng về công tác điều động, luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương được đẩy mạnh và tiến hành theo một quy trình chặt chẽ, dân chủ, tạo được sự thống nhất cao. Qua điều động, luân chuyển cán bộ, đã kịp thời bổ sung cán bộ cho những nơi khó khăn và góp phần đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách cán bộ trong thực tiễn công tác, giúp cho cán bộ phát triển nhanh, toàn diện hơn, khắc phục một bước tình trạng hẫng hụt cán bộ. Cùng đó, đã triển khai thực hiện việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Điều này tạo động lực cho cán bộ nỗ lực phấn đấu vì sự phát triển chung; góp phần củng cố thêm niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng và sự lãnh đạo của Đảng được nâng lên.
3. Tiếp nối thành quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ khóa XI, đến nhiệm kỳ khóa XII, Hội nghị Trung ương lần thứ 4 đã tiếp tục khẳng định xây dựng Đảng là nhiệm vụ quan trọng, then chốt và việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI. Tuy nhiên, tại Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Trung ương Đảng đã bổ sung 2 nhiệm vụ, giải pháp về công tác xây dựng Đảng là: Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân. Bổ sung và nhấn mạnh việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Bổ sung nội dung xây dựng Đảng về đạo đức trong công tác xây dựng Đảng.
Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, từ Đại hội XII, công tác xây dựng Đảng bao gồm 4 mặt: Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đây cũng là lần đầu tiên, Đảng đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 15 ngày 14/5/2019 cụ thể hóa thành 82 biểu hiện (trong đó suy thoái về tư tưởng chính trị: 29 biểu hiện; suy thoái đạo đức, lối sống: 30 biểu hiện; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ: 23 biểu hiện). Việc tổ chức kiểm điểm diễn ra 2 lần/năm và theo quy định nếu dưới 20% biểu hiện suy thoái thì bản thân đảng viên tự soi, tự sửa; 20-50% thì tự kiểm điểm; trên 50% thì viết kiểm điểm trước chi bộ và nếu lần sau vẫn trên 50% thì báo cáo cấp trên xem xét xử lý. Dù một số tổ chức đảng vẫn còn tình trạng hình thức, đối phó nhưng nhìn chung việc thực hiện tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã giúp cán bộ, đảng viên nghiêm túc tự soi, tự sửa và cũng là thông điệp để cảnh tỉnh, răn đe những người không chịu rèn luyện, phấn đấu, tham vọng quyền lực, quan liêu, xa dân, vun vén lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”.
Từ những kết quả đạt được trong 2 nhiệm kỳ qua, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Trung ương đã tập trung đánh giá những nhóm giải pháp nêu trên đã chính xác, đủ mạnh và khả thi để làm chuyển biến tình hình chưa? Cần bổ sung giải pháp nào, nội dung từng nhóm giải pháp cần lưu ý thêm vấn đề gì? Những giải pháp nào chúng ta có thể tổ chức thực hiện ngay; những giải pháp nào cần có thêm quy định, hướng dẫn; và cách thức tổ chức thực hiện thế nào?
Lần này, các Ủy viên Trung ương cũng bàn bạc, đưa ra kiến giải về việc gắn xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với xây dựng hệ thống chính trị theo đúng tinh thần Đại hội XIII của Đảng. Cùng ngăn chặn, đẩy lùi thì phải tích cực phòng ngừa và chủ động, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những hành vi tham nhũng, tiêu cực... từ đó đưa ra tư tưởng chỉ đạo và những chủ trương, biện pháp phù hợp đối với từng nội dung, vấn đề, nhất là những giải pháp có tính đột phá trong nhiệm kỳ này để làm cho Đảng mạnh lên, góp phần đưa đất nước phát triển vững mạnh trong giai đoạn mới.