Chính trị

Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ

TS CHU ĐỨC TÍNH (Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh) 19/05/2024 07:11

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của cán bộ. Tư tưởng của Người về cán bộ có ý nghĩa quan trọng với sự nghiệp cách mạng của nước ta hiện nay.

bac-ho-sinh-nhat.jpg
Đại biểu học sinh Trường Trung học Trưng Vương, Hà Nội chúc mừng sinh nhật Người (19/5/1956). Ảnh: Tư liệu.

Ngay từ rất sớm, trong những tác phẩm đầu tiên, Hồ Chí Minh đã quan tâm đến vấn đề cán bộ. Vị trí, vai trò đặc biệt của cán bộ được Người chỉ rõ: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Điều đó có nghĩa là Người coi cán bộ là nhân tố quyết định mọi thành công của sự nghiệp cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh dặn dò cán bộ: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta” 1. Do đó, Người luôn nhắc nhở, làm cán bộ không phải để “thăng quan phát tài”, để làm “quan cách mạng”, mà để làm người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm “đức” là gốc của cán bộ nên Người rất quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên để Đảng luôn là Đảng đạo đức, văn minh.

Trong tác phẩm cuối cùng để lại cho dân tộc ta (Di chúc), Người viết: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” 2.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đối với cán bộ cách mạng thì đạo đức như là gốc của cây, nguồn của sông, là cái căn bản của một con người: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?” 3.

Bên cạnh việc đề cao đạo đức cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng phê phán những cán bộ thoái hóa, mô tả họ là những người “vác mặt quan cách mệnh” để “đè đầu cưỡi cổ nhân dân”, “dán trên trán hai chữ cộng sản” để lòe dân. Đặc biệt, Người luôn quan tâm uốn nắn cán bộ, tránh cho họ khỏi đi vào con đường tham ô, lãng phí, quan liêu. Người gọi các tệ nạn đó là “giặc nội xâm”, coi loại giặc này nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm, vì nó phá ta từ bên trong.

Hướng vào việc phục vụ dân - đó chính là yêu cầu nghiêm khắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ cách mạng. Cán bộ phải là người tiên phong, tích cực nhất làm nên uy tín của chế độ chính trị, làm cho dân tin tưởng chế độ chính trị ở nước ta. Mất niềm tin là mất tất cả. Niềm tin của nhân dân đối với chế độ chính trị luôn được bồi đắp thông qua nhiều kênh, trong đó có kênh chất lượng cán bộ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh sự nêu gương của cán bộ. Để trở thành người cách mạng chân chính, mỗi cán bộ phải nêu gương về cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, nêu cao đức tính tốt đẹp: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm; phải tránh xa những thói xấu như lười biếng, gian giảo, tham lam... Đồng thời, Người nêu rõ bổn phận của mọi cán bộ là: Cố gắng làm kiểu mẫu cho quần chúng trong mọi việc. Người cho rằng, muốn hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mỗi cán bộ phải nỗ lực hết mình theo phương châm “đầu tầu gương mẫu”.

Không chỉ nói về việc nêu gương của mỗi cán bộ nói chung, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhấn mạnh những cán bộ chủ chốt, cấp cao cần phải tiên phong trong việc nêu gương. Trong “Bài nói chuyện tại phiên họp cuối năm của Hội đồng Chính phủ” năm 1963, Người nhắc nhở: “Một điều rất quan trọng nữa là các đồng chí bộ trưởng, thứ trưởng và cán bộ lãnh đạo phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, phải nêu gương sáng về đạo đức cách mạng: cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, phải giữ gìn tác phong gian khổ phấn đấu, phải không ngừng nâng cao chí khí cách mạng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. Có như thế mới xứng đáng với đồng bào miền Nam đang chiến đấu vô cùng anh dũng chống đế quốc Mỹ và tay sai của chúng để giải phóng miền Nam và hòa bình thống nhất nước nhà. Nhân dân ta rất tốt. Nếu chúng ta làm gương mẫu và biết lãnh đạo thì bất cứ công việc gì khó khăn đến đâu cũng nhất định làm được” ⁴.

Thấm nhuần tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, Đảng ta đã luôn quan tâm đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Văn kiện Hội nghị lần thứ ba, Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII đã xác định: “Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, gắn liền với vận mệnh của Đảng, của đất nước và chế độ, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng” ⁵. Do đó, trong những năm gần đây, Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề về công tác cán bộ nhằm xây dựng một đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên” đúng như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Những năm qua, bên cạnh đội ngũ cán bộ không ngừng rèn luyện, tu dưỡng, trưởng thành, có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của đất nước, vẫn có một bộ phận cán bộ có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm ảnh hưởng không nhỏ đến danh dự của bản thân, đến uy tín của Đảng. Cá biệt, có những cán bộ, trong đó có cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật, bị truy tố, khai trừ khỏi Đảng… Điều đó khiến cho tình trạng suy thoái của cán bộ vẫn là một trong những nguy cơ thách thức không nhỏ đến sự phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ, mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn ý thức mình là “công bộc” của nhân dân, ra sức học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ, năng lực; ra sức tu dưỡng, giữ gìn đạo đức, danh dự của bản thân; luôn có tinh thần “tự soi”, “tự sửa”, “dám nghĩ”, “dám làm”, “dám chịu trách nhiệm” để không ngừng cống hiến sức mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Ngoài ra, mỗi cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao cũng luôn nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, giữ gìn đạo đức cách mạng và danh dự, tự trọng của bản thân để không sa vào chủ nghĩa cá nhân, bè phái, “nhóm lợi ích”, có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực làm tổn hại đến uy tín của Đảng và làm suy giảm niềm tin của nhân dân.

--------------

1 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011, tr.64-65

2 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011, 611-612

3 Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011, tr.290

⁴ Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 14, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011, tr.223

⁵ Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 66

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác cán bộ