So với chi phí tốn kém hàng trăm triệu đồng cho các chương trình tư vấn trực tiếp, việc cập nhật thông tin trên mạng cũng giúp các trường tiết kiệm hơn.
Mọi năm, khi thời điểm gần tới kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng như xét tuyển ĐH, CĐ cũng là lúc nhiều đợt tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp được các trường mở ra nhằm quảng cáo, thu hút thí sinh.
Tuy nhiên, năm 2020 này, các chương trình tư vấn tuyển sinh không còn sức hút như vậy. Nhiều trường ĐH không mặn mà với tư vấn và các thí sinh cũng không coi tư vấn là cách duy nhất để tìm kiếm thông tin.
Nguyên nhân chủ yếu là do thí sinh dễ dàng tự tìm kiếm được các thông tin về ngành nghề, trường học mà mình ưa thích ngay cả khi ngồi ở nhà. Còn các trường ĐH đã cập nhật rất kịp thời và chi tiết những thông tin tuyển sinh lên hệ thống trang web của mình. Đặc biệt, việc tự tìm kiếm thông tin giúp thí sinh chủ động hơn trong các lựa chọn của mình, tránh sự nhiễu loạn thông tin khi tham gia các chương trình tư vấn.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, những năm gần đây thời điểm trước kỳ thi tuyển sinh thì các trường ĐH tổ chức hàng chục đợt tư vấn ở nhiều địa điểm khác nhau. Từ tổ chức chung với các trường khác cho tới việc đưa giảng viên, chuyên gia về từng tỉnh thành, từng khối trường THPT để giới thiệu thì hiện nay nhiều trường ĐH chuyển sang hướng đưa thông tin tư vấn lên trên mạng.
Việc cập nhật đầy đủ, chi tiết ngành nghề, điểm trúng tuyển (năm trước), học phí, học bổng, chương trình học… một cách minh bạch, nhanh chóng giúp thí sinh có cơ hội tiếp cận thông tin tốt mà không cần tham gia chương trình tư vấn trực tiếp.
Ngoài ra, so với chi phí tốn kém hàng trăm triệu đồng cho các chương trình tư vấn trực tiếp, việc cập nhật thông tin trên mạng cũng giúp các trường tiết kiệm hơn.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng, xu hướng cập nhật thông tin tuyển sinh lên mạng để thay thế dần các chương trình tư vấn tuyển sinh trực tiếp sẽ chiếm ưu thế hơn nữa trong các năm tiếp theo.
Với sự bùng nổ của các kênh thông tin trực tuyến, việc tư vấn tuyển sinh trực tiếp giảm nhiệt, không còn thu hút thí sinh tham gia như những năm trước là xu hướng khá bình thường. Cả thí sinh lẫn các trường ĐH đều xác định bản chất của tư vấn tuyển sinh chỉ là truyền đạt thông tin.
Vì thế, dù là tư vấn trực tiếp hay trên mạng, phương pháp nào chứa đựng nhiều dữ liệu, ít tốn kém và nhanh chóng hơn sẽ phổ biến hơn.
Năm 2020 này, dù chưa thể thay thế hoàn toàn các chương trình tư vấn trực tiếp nhưng các thông tin tuyển sinh trên mạng đã thay thế rất nhiều thông tin trực tiếp. Cả trường ĐH lẫn thí sinh đều coi những thông tin được đưa ra trên các website chính thức của trường là những thông tin quan trọng, thay vì phát hành các văn bản trực tiếp như trước đây.