Tuân thủ an toàn lao động: Bao giờ đi vào đời sống?

Lan Hương 25/04/2023 05:46

Báo cáo số liệu sơ bộ của các địa phương gửi về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, thiệt hại về vật chất do tai nạn lao động xảy ra năm 2022 là trên 14.117 tỷ đồng (tăng khoảng 10.163 tỷ đồng so với năm 2021). Một con số đáng phải suy ngẫm.

Đảm bảo an toàn nơi làm việc là giải pháp hiệu quả hạn chế tai nạn lao động.

Thiệt hại nặng nề do tai nạn lao động

Cụ thể theo số liệu từ 62/63 tỉnh, thành phố, trong năm 2022, trên toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), tăng 1.214 vụ, tương ứng 18,66% so với năm 2021. Số người bị nạn do TNLĐ là 7.923 người, tăng 1.265 người, tương ứng với 18,99% so với năm 2021.

Những địa phương có số người chết vì TNLĐ nhiều nhất trong năm 2022 (gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động) là TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai.

Theo đánh giá của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), trong năm 2022, đa số các vụ TNLĐ đã được khai báo và điều tra đúng quy định. Tuy nhiên, một số địa phương còn chậm gửi biên bản điều tra về Bộ LĐTB&XH. Số biên bản nhận được chỉ chiếm 27,8% tổng số vụ tai nạn lao động chết người.

Thống kê từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, năm 2022, Bảo hiểm xã hội Việt Nam giải quyết mới cho 8.164 trường hợp người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Tổng chi trả từ quỹ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp trong năm là gần 882 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân số vụ TNLĐ năm 2022 tăng cao so với năm 2021, ông Hà Tất Thắng - Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ LĐTB&XH cho biết, sau khi kiểm soát được dịch bệnh Covid-19 vào năm 2022, sản xuất phục hồi mạnh mẽ so với năm 2021 nên số TNLĐ cũng gia tăng.

Theo ông Thắng, sau đại dịch Covid-19, một số trang thiết bị, máy móc, sau một thời gian ngừng trệ, khi quay lại sản xuất cần bảo dưỡng. Nếu không vận hành bảo trì kịp, dễ xảy ra TNLĐ đáng tiếc. Còn với nhiều người lao động (NLĐ), sau một thời gian quay lại làm việc, sức khỏe của họ cũng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Bên cạnh đó, việc đào tạo, huấn luyện an toàn lao động bị giảm trong thời gian đại dịch, nên khi mở lại sản xuất không đáp ứng kịp thời, để khi NLĐ quay trở lại làm việc thì dễ xảy ra TNLĐ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Anh Thơ - Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng, sở dĩ số vụ tai nạn lao động gia tăng sau dịch Covid -19 là xuất phát từ điều kiện làm việc không đảm bảo an toàn, nhiều doanh nghiệp khi bước vào chu kỳ làm việc mới, chưa kịp cải tiến các thiết bị đảm bảo an toàn. Thêm vào đó, trong thời gian dịch bệnh, tại các khu vực công nghiệp trọng điểm như TPHCM, Bình Dương một lượng lớn lao động nghỉ việc về quê, không quay trở lại, các doanh nghiệp phải tuyển dụng thêm nguồn nhân lực mới. Tuy nhiên, những lao động mới trong thời gian đầu chưa quen với môi trường làm việc mới, các chương trình huấn luyện về an toàn lao động chưa được triển khai kịp thời khiến NLĐ thiếu thông tin, kỹ năng dẫn đến việc không thể tự phòng tránh được TNLĐ khi xảy ra.

Đẩy mạnh thanh tra tại lĩnh vực có nguy cơ cao

Đánh giá về việc triển khai an toàn lao động, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh cho biết, việc tăng cường các biện pháp giảm thiểu rủi ro về An toàn vệ sinh lao động đã và đang được các cấp bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Kết quả bước đầu cho thấy, trong 3 tháng đầu năm 2023, số vụ TNLĐ đã giảm. Đồng thời, số vụ TNLĐ chết người giảm. Tuy nhiên vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Vì vậy cần phải tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn để cải thiện các điều kiện làm việc tốt hơn cho NLĐ. Đồng thời, tiếp tục tăng cường hoàn thiện các chính sách, chế độ về TNLĐ và bệnh nghề nghiệp cho NLĐ.

Thực tế cho thấy, sở dĩ số vụ TNLĐ vẫn có chiều hướng gia tăng do nhiều người sử dụng lao động chưa chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều NLĐ chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan. Trong khi đó, chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Để giảm thiểu tình trạng TNLĐ trong thời gian tới, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, sẽ đề nghị các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp Bộ LĐTB&XH thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng như: xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, khai thác mỏ, khoáng sản đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, thiết bị nâng, thang máy,... Cùng với đó, yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp, phòng ngừa TNLĐ do ngã cao, điện giật, vật rơi, đổ sập.

Với chủ đề “Tăng cường xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn và cải thiện điều kiện lao động, giảm căng thẳng nơi làm việc”, Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động năm 2023 sẽ được tổ chức từ ngày 1 - 31/5 ở tất cả các cấp công đoàn trên cả nước. Trong đó lễ phát động Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động kết hợp với Tháng công nhân tại Trung ương sẽ được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô (Hà Nội) vào ngày 26/4/2023 tới đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuân thủ an toàn lao động: Bao giờ đi vào đời sống?