Người Bru Vân Kiều quan niệm rằng, lửa sẽ mang đến những điều may mắn, ấm áp đồng thời xua tan đi những điều không tốt lành trong năm mới. Bếp lửa đỏ cũng đem đến sự no đủ, hạnh phúc cho bản làng.
Nét văn hoá độc đáo
Người Ma Coong (dân tộc Bru – Vân Kiều) là cư dân bản địa cư trú lâu đời ở thượng nguồn Trường Sơn, tập trung chủ yếu ở xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Họ có cuộc sống gắn bó mật thiết với thiên nhiên. Dấu ấn văn hóa đậm chất núi rừng đó khiến người Ma Coong cũng đồng thời gắn bó với bếp lửa...
Các già làng người Ma Coong cho biết, trên nương rẫy, mỗi gia đình người Ma Coong đều dựng một cái chòi nhỏ để canh lúa ngô, trong chòi bao giờ họ cũng đặt một bếp lửa nhỏ để nấu nướng, canh giữ những sản phẩm trồng trọt. Ban đêm, bếp lửa trong chòi nhỏ giúp bà con che chở cái lạnh mùa đông. Trước khi rời khỏi nương rẫy, bao giờ chủ nhân cũng vùi lửa, vun tro than thành đụn và đặt lên đó một hòn đá như là dấu hiệu báo cho người khác biết nơi ngự trị của thần lửa, không được giẫm đạp hoặc bước ngang qua.
Dù cuộc sống ngày nay đã có nhiều thay đổi, nhiều thiết bị phục vụ nấu ăn hiện đại như bếp ga, bếp điện nhưng ở các bản làng của người Bru Vân Kiều bếp lửa truyền thống vẫn được bà con gìn giữ tự bao đời nay.
Nếu như với các tộc người khác, bếp lửa thường được bố trí tách biệt trong căn bếp nằm cạnh bên ngôi nhà sàn ba gian thì bếp lửa của người Ma Coong lại được đặt ngay ngắn ở gian giữa nhà sàn. Lý giải cho nề nếp sinh hoạt này, người Ma Coong cho rằng, bếp lửa trước hết là nơi sưởi ấm cho các thành viên trong gia đình cũng như khách đến chơi nhà. Ở miền núi cao, mùa đông luôn dai dẳng và khắc nghiệt, một bếp lửa được đặt ngay giữa nhà sàn sẽ đảm bảo xua tan giá rét, sưởi ấm được cho mọi người, nhất là người già và trẻ nhỏ.
Bếp lửa đặt ngay giữa căn nhà sàn cũng là vị trí thích hợp nhất để cung cấp ánh sáng cho mỗi gia đình. Trong đêm tối, bếp lửa hồng như ngọn đèn lớn soi sáng khắp các gian nhà để mọi người cùng nhau quây quần, cùng nhau nấu nướng, đan lát, tỉa ngô…Hạnh phúc cứ thế lan tỏa, ấm áp đến lạ kỳ.
Lúc không nấu ăn người Ma Coong sẽ ủ than dưới lớp tro, khi cần chỉ thổi lên là được và như vậy, quanh năm suốt tháng bếp luôn giữ được hơi ấm. Giữ được ngọn lửa luôn cháy sáng với họ là điềm lành, mang lại sức khỏe, được mùa, mang lại sự trường thọ cho người già và sự trưởng thành cho trẻ nhỏ.
Khi khách đến chơi nhà được người Ma Coong mời cơm, gia chủ sẽ thết đãi những món ăn ngon nhất, tùy vào điều kiện gia chủ. Thường sẽ có bánh nếp, xôi xụm, cá mát, gà đồi… Mâm cơm thịnh soạn được dọn ra xung quanh bếp lửa để chủ và khách cùng ăn.
Giữ lửa đêm Giao thừa
Tục giữ lửa ngày Tết của dân tộc Vân Kiều có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Nét văn hóa giữ lửa đêm 30 Tết của người Bru Vân Kiều có từ xa xưa. Bà con cho rằng, giữ được lửa là giữ được ấm no.
Những ngày trước Tết, dù bận rộn đến mấy, đồng bào Bru Vân Kiều vẫn dành thời gian để lên rẫy chọn những vác củi chắc mang về xếp dưới nhà sàn đợi chiều 30 Tết nhóm bếp làm cơm cúng gia tiên.
Già làng Hồ Chí Trọng, ở bản Cửa Mẹc (xã Ngân Thủy, Lệ Thủy) cho hay: Lửa cháy trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, lửa cháy suôn sẻ thì đem lại hạnh phúc, thịnh vượng. Nếu đêm 30 Tết gia đình nào để lửa tắt thì năm mới sẽ không được may mắn. Bởi vậy, tục đốt lửa, giữ lửa đêm giao thừa đối với đồng bào Bru Vân Kiều là rất quan trọng.
Ðể giữ lửa đêm Giao thừa, bà con thường lựa chọn những que củi chắc để than hồng rực rỡ. Khi qua thời điểm Giao thừa, người phụ nữ Bru Vân Kiều có nhiệm vụ ủ tro, làm sao sáng sớm ngày mồng một Tết, bếp vẫn còn đượm lửa. Và sáng mùng 1, mọi thành viên trong gia đình cùng dậy sớm. Người phụ nữ sẽ có nhiệm vụ khơi tro, để ngọn lửa tiếp tục cháy, rồi bắt đầu sửa soạn mâm cơm cúng năm mới.
Dọc theo dãy Trường Sơn, các bản làng của người Bru Vân Kiều đã có nhiều đổi thay. Bên cạnh những bước phát triển của cuộc sống, thì bếp lửa và tục giữ lửa của người Bru Vân Kiều đang được đồng bào gìn giữ và phát huy. Bởi theo người Bru Vân Kiều, lửa cháy trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới luôn mang tới những điều tốt đẹp cho mọi người.
Vào các dịp lễ, tết cho đến sinh hoạt hằng ngày, từ mái nhà chính của gia đình cho đến các chòi trên nương... đều không thể thiếu bếp lửa. Ngồi bên bếp lửa không chỉ là cách để chống chọi, xua đi cái lạnh vùng cao mà còn là “vũ khí” giúp người dân tránh thú dữ.