Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, kết quả xuất khẩu thủy sản trong tháng 10/2021 đạt 918 triệu USD, tương đương với cùng kỳ năm 2020 và tăng 47% so với tháng 9/2021. Con số tăng trưởng cho thấy sản xuất, xuất khẩu thủy sản đang dần ổn định và hồi phục.
Kể từ khi áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời về “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”, từ đầu tháng 10/2021 đến nay, các địa phương sản xuất, chế biến và xuất khẩu thủy sản được trở về trạng thái bình thường mới và tăng cường sản xuất, chế biến, xuất khẩu phục hồi sản xuất. Đây là tín hiệu phục hồi của ngành thủy sản trong quý IV/2021.
Trong ngành thủy sản, có 3 nhóm sản phẩm chủ lực luôn tạo ra giá trị xuất khẩu cao nhất, gồm: tôm, cá tra, hải sản. Con số tăng trưởng cho thấy, sản xuất, xuất khẩu thủy sản đang dần ổn định và hồi phục rõ rệt. Tính đến hết tháng 10/2021, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 7,1 tỷ USD, tăng nhẹ 2,4%; trong đó, tôm đạt 3,2 tỷ USD tăng 2,6%, cá tra đạt 1,2 tỷ USD tương đương cùng kỳ năm ngoái, cá ngừ đạt 598 triệu USD tăng 10%, mực bạch tuộc đạt 475 triệu USD tăng 4,5%, các loại cá khác giảm gần 1% đạt 1,36 tỷ USD…
Mỹ vẫn là thị trường trọng điểm của thủy sản Việt Nam, chiếm 24% kim ngạch với gần 1,7 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ. Tiếp đến là Nhật Bản chiếm 15% với 1,08 tỷ USD, giảm 7%. Thị trường Trung Quốc và châu Âu đều chiếm 12% với giá trị lần lượt là 872 triệu USD giảm 24% và 864 triệu USD tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc chiếm 9% đạt 643 triệu USD, tăng nhẹ 2%.
Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU trong tháng 9/2021 giảm 15% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 48,8 triệu USD. Dù vẫn giảm nhưng tốc độ giảm đã thấp hơn so với tháng 8. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt gần 408 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Ba thị trường nhập khẩu chính trong khối là Đức, Hà Lan và Bỉ. Tính tới tháng 9/2021, xuất khẩu sang Đức và Bỉ tăng lần lượt 22% và 2%, riêng thị trường Hà Lan giảm 1%. “Lượng tôm dự trữ của EU đang ở mức thấp, nhu cầu nhập khẩu của thị trường này rất cao từ nay đến tháng 11 để phục vụ Noel, cùng với Hiệp định thương mại tự do với châu Âu sẽ là cơ hội cho các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này”, VASEP nhận định.
Thời điểm này cả nước đã từng bước thích ứng với trạng thái bình thường mới theo Nghị quyết 128 của Chính phủ, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã nhanh chóng khôi phục sản xuất, đáp ứng các đơn hàng còn ứ đọng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội đồng thời chạy nước rút để đạt được mục tiêu đã đề ra trong năm 2021.
Nhu cầu từ các thị trường nhập khẩu vẫn cao, sản xuất chế biến thủy sản đang trên đà hồi phục và hy vọng sẽ tăng trưởng trở lại trong 2 tháng tới khi tỷ lệ tiêm vaccine ở các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long tăng lên nhanh chóng, hạn chế tác động của dịch Covid- 19”, đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam nhận định.